Xuất khẩu gạo tăng cao về giá trị.
Theo đó, sẽ tiếp tục cơ cấu lại ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững với các mục tiêu: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước, làm nòng cốt cho bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo; thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu; sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng; xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
Chỉ tiêu đến năm 2025 là giữ diện tích lúa ở mức 3,6 đến 3,7 triệu ha, với sản lượng lúa đạt từ 40 đến 41 triệu tấn/năm. Về xuất khẩu gạo, mục tiêu đến năm 2025, đạt 5 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 40%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15% và sản phẩm chế biến từ gạo là 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 20%. Đến năm 2030, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đạt 4 triệu tấn, trong đó, gạo thơm, đặc sản và japonica chiếm 45%, nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu hơn 40%.
Có thể thấy, điểm đáng chú ý của đề án là sản lượng xuất khẩu gạo giảm dần theo từng thời kỳ, song các chỉ tiêu về gạo đặc sản, gạo chất lượng cao, sản phẩm chế biến từ gạo, tỷ lệ gạo có thương hiệu đều tăng dần qua từng năm. Điều này thể hiện rõ hướng đi của ngành lúa gạo thời gian tới là giảm diện tích, sản lượng xuất khẩu để tập trung nâng cao chất lượng gạo và giá bán. Đây là mục tiêu đúng và phù hợp tình hình sản xuất và xuất khẩu gạo hiện nay, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác quốc tế như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Hiệp định Ðối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA). Khi đó, muốn tận dụng được tốt nhất lợi thế từ các FTA thì đòi hỏi ngành lúa gạo phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của các quốc gia nhập khẩu.
Lúa gạo là ngành hàng chiến lược của nước ta, không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò quan trọng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Chính vì vậy, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành hàng này là hết sức cần thiết để phát huy tốt hơn nữa những thành quả đã đạt được, đồng thời khơi dậy những tiềm năng còn chưa được khai phá.
Để thực hiện được điều đó, giải pháp thời gian tới là phát triển các vùng sản xuất lúa tập trung theo giống được xác định, có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, trong đó tuân thủ tuyệt đối giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc; ứng dụng công nghệ sau thu hoạch, bảo quản, chế biến để giảm thất thoát, bảo đảm sản phẩm gạo có chất lượng đồng nhất, đáp ứng đầy đủ các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Nhân dân