Ông Trần Tiến ở xã Lộc An (Phú Lộc) cho biết, sâu bệnh, chuột đang gây hại trên nhiều diện tích lúa chét trên địa bàn xã. Sâu bệnh còn nhiễm nặng trên đồng cỏ, bờ đê. Nếu không cải tạo, xử lý kỹ khi cày đất, trước khi gieo cấy lúa thì nguy cơ lây nhiễm sâu bệnh cho vụ mới rất cao. Kinh nghiệm cho thấy, năm nào lúa chét, cỏ dại bị dịch hại nặng thì vụ lúa kế tiếp thường bị sâu bệnh gây hại nặng.
Theo ông Tiến, lúa chét được mọc từ những gốc rạ sau khi cây lúa đã thu hoạch vụ trước. Trong điều kiện thời tiết thích hợp, thuận lợi như nhiệt độ, ánh sáng, dinh dưỡng... thì lúa chét phát triển tốt, trổ bông. Sản xuất lúa “tái sinh” có lợi thế chi phí đầu tư thấp, năng suất bình quân tuy thấp khoảng 30-40 tạ/ha, nhưng chất lượng gạo tương đối ngon. Tuy nhiên, quá trình sản xuất lúa chét, người dân thường chủ quan, ít chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh nên tạo mầm mống, điều kiện gây bệnh cho vụ lúa kế sau.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Thông thông tin, trên địa bàn có hàng trăm ha đồng cỏ, lúa chét bị các loại sâu bệnh, chuột hoành hành. Ngành nông nghiệp cùng các địa phương đã yêu cầu, hướng dẫn người dân chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ thực vật một cách hiệu quả nhằm hạn chế, ngăn chặn sâu bệnh lây lan. Trước khi cày đất, gieo cấy lúa đông xuân, người dân triển khai các biện pháp xử lý phù hợp, không để bệnh từ lúa chét, cỏ dại lây lan sang lúa chính vụ.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh, ông Lê Văn Anh xác nhận, nhiều loại sâu bệnh, chuột đang gây hại trên nhiều diện tích lúa chét, cỏ dại trên đồng ruộng, bờ đê trên địa bàn tỉnh. Các đối tượng sinh vật gây hại chủ yếu sâu cuốn lá nhỏ, nhện gié, bọ trĩ, bệnh lem lép hạt, bệnh khô vằn, chuột… đang phát sinh trên đồng ruộng.
Chi cục TT&BVTV tỉnh phối hợp với các địa phương đang tổ chức vận động, hướng dẫn nông dân triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên lúa chét, cỏ dại. Với những diện tích lúa chét không sản xuất đang được các địa phương hướng dẫn nông dân cày lật đất để tiêu hủy lúa chét, cỏ dại nhằm hạn chế nguồn sinh vật gây hại tồn tại trên đồng ruộng, có nguy cơ lây nhiễm sang vụ lúa sắp đến.
Ông Lê Văn Anh cho rằng, sản xuất lúa chét mang tính tận dụng là điều cần thiết, góp phần mang lại thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, quá trình sản xuất cần phải khai báo với cơ quan chức năng để có sự quản lý, giám sát, hỗ trợ sản xuất, phòng trừ sâu bệnh. Người dân không nên lạm dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh, thuốc BVTV gây nguy hại đến môi trường đồng ruộng, môi trường sinh thái, chất lượng thổ nhưỡng, tạo ra sản phẩm không an toàn và ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân.
Các địa phương cần huy động Nhân dân kiểm tra, tu bổ các tuyến đê ngăn mặn, đê nội đồng bị sạt lở, nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống kênh mương, thủy lợi để tích nước sản xuất, góp phần ứng phó sâu bệnh. Từ thời điểm này cần chuẩn bị các phương tiện, thiết bị máy móc phục vụ đấu úng kịp thời khi gặp điều kiện thời tiết bất lợi, mưa lớn gây ngập úng.
Chi cục TT&BVTV đang triển khai, hướng dẫn nông dân điều tra, thu thập số liệu phát dục của các đối tượng sinh vật gây hại để dự tính, dự báo tình hình phát sinh trong vụ đông xuân tới và chủ động thực hiện các biện pháp quản lý, ứng phó. Ngoài ra còn tổ chức diệt chuột, ốc bưu vàng nhằm hạn chế tích lũy mật độ, tỷ lệ cao trên đồng ruộng trước khi gieo cấy vụ mới.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2022-2023 sắp đến, toàn tỉnh gieo cấy khoảng 28 ngàn ha lúa, với lượng lúa giống khoảng 2.000 tấn. Các địa phương đang tiếp tục rà soát diện tích, chuẩn bị các vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thuốc BVTV, máy làm đất... để sản xuất vụ đông xuân 2022-2023.
Hoàng Thế