Hiện tượng sụt lún đất xảy ra ở một số khu vực đồng ruộng, rừng trồng, giếng nước, nhà dân... khiến người dân Phong Xuân bất an
Để xác định nguyên nhân, đánh giá hiện trạng, khoanh định các vùng có nguy cơ cao và có những giải pháp phòng tránh cụ thể, khả thi và bền vững, nhóm nghiên cứu thuộc Trường đại học Khoa học, Đại học Huế được UBND tỉnh đồng ý thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề này trong phạm vi 22,6km2.
Hiện tượng sụt đất khu vực Phong Xuân xảy ra từ giữa năm 2014 đến nay trùng với hoạt động khai thác đá vôi của Công ty CP Xi măng Đồng Lâm. Theo thống kê của đề tài nghiên cứu, đến thời điểm hiện nay đã có 107 hố sụt xảy ra. Trong đó, loại hình sụt trượt có 44 hố, xói sụt 59 hố và lún sụt 4 hố. Hiện tượng sụt lún xảy ra mạnh nhất vào năm 2014-2015 với loại hình chủ yếu là sụt trượt với kích thước lớn, giảm trong năm 2016-2018, kích hoạt trở lại vào năm 2019 và gia tăng đột ngột sau các trận mưa lũ năm 2020 với loại hình chủ yếu là xói sụt, kích thước hố sụt nhỏ.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng sụt lún đất ở khu vực Phong Xuân xảy ra do tổ hợp nhiều nguyên nhân khác nhau. Ngoài nguyên nhân chính là do cấu trúc địa chất, mật độ hang hốc karst lớn ở trong khu vực, các nguyên nhân khác trực tiếp gây nên sụt đất thay đổi tuỳ theo vùng và thời gian. Hiện tượng sụt đất ở cánh đồng thôn Điền Lộc trong thời gian đầu năm 2014 là do tác động rung chấn khi nổ mìn khai thác đá vôi. Thời gian từ năm 2015 đến nay, sụt đất tại thôn Quảng Lộc và Điền Lộc chủ yếu là do hiện tượng xói ngầm do hoạt động tháo khô moong khai thác. Các hố sụt dạng xói sụt, sụt lún ở thôn Xuân Lộc, Cổ Xuân Lộc và một số nơi khác trong thời gian gần đây chủ yếu là do co ngót, do xói mòn, mở rộng các khe nứt được hình thành trong mùa khô, sau các trận mưa lũ.
Thời gian đến, cùng với việc mở rộng quy mô và phạm vi khai thác, hiện tượng sụt đất do xói ngầm sẽ tăng lên nếu không có các giải pháp hữu hiệu để hạn chế hiện tượng này. Trường hợp có đứt gãy, đới dập vỡ nứt nẻ lớn cắt qua moong khai thác, sẽ kéo theo hiện tượng sụt đất hàng loạt do nước ngầm chảy vào moong khai thác tăng cao như đã từng xảy ra trên cánh đồng thôn Điền Lộc năm 2014-2015, trước khi xây dựng tuyến đê chống thấm.
Đề tài nghiên cứu cũng cho kết quả về nguy cơ sụt đất với diện tích vùng nguy cơ rất cao là 108,3ha (chiếm 2% diện tích nghiên cứu) phân bố chủ yếu ở vùng Điền Lộc, Xuân Lộc và Cổ Xuân Lộc; vùng nguy cơ cao là 201,2ha (chiếm tỷ lệ 3,3%) nằm ở rìa các vùng nguy cơ rất cao và xung quanh vùng quy hoạch khai thác đá vôi.
Đề tài cũng đề xuất một số nhóm giải pháp quy hoạch, giải pháp phi công trình và công trình. Trước mắt, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp: tập huấn về dấu hiệu nhận biết vùng có nguy cơ sụt đất và các giải pháp cần thiết để phòng tránh; di dời ngay các hộ có nhà nằm cạnh các dị thường karst lớn; có kế hoạch di dời các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sụt đất cao và rất cao đến nơi ở mới an toàn, kể cả những hộ nằm trong vùng ảnh hưởng do rung chấn, khói bụi.
Giải pháp căn cơ nhất là hạn chế lượng nước chảy vào moong khai thác bằng các biện pháp như: quan trắc lượng nước, lượng bùn chảy vào moong; khảo sát, đánh giá chi tiết mức độ nứt nẻ, hang hốc karst dọc theo các tuyến đê bao; không khai thác theo kiểu cuốn chiếu, chia moong khai thác thành các “ô ruộng”.
Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN