ClockThứ Năm, 13/03/2014 13:59

Những cây trồng “chủ lực” ở Phong Hiền

TTH - Lúa, lạc, sắn và ớt chỉ thiên là bốn loại cây trồng "chủ lực" đã giúp cho bà con nông dân ở Phong Hiền (Phong Điền) ổn định cuộc sống...

Đồng chí Trương Diên Hùng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Phong Hiền khẳng định: Hiện trên địa bàn xã cây lúa, lạc, sắn và ớt chính là những cây trồng cho thu nhập cao đối với người dân nơi đây. Ớt chỉ thiên là loại cây trồng mới. Thực tế cho thấy, ớt chỉ thiên có sức chịu đựng tốt, phù hợp với đất đai, thời tiết, thổ nhưỡng ở Phong Hiền. Năm qua, toàn xã trồng được 6,3 ha cây ớt chỉ thiên thu nhập từ 6 đến 8 triệu đồng/sào.

Nông dân Phong Hiền thu hoạch sắn

Xác định, cây lúa, lạc, sắn và ớt chỉ thiên là bốn loại cây trồng cho thu nhập ổn định, định hướng của UBND Phong Hiền là tiếp tục mở rộng diện tích gieo trồng lên hơn 1.040 ha. Trong đó, lúa: 727.5 ha; sắn gần 200 ha; lạc: 81 ha; ớt: 10 ha, với giá trị sản xuất đạt 65 triệu đồng/ha canh tác. Để hỗ trợ cho người dân, UBND xã Phong Hiền chỉ đạo các HTX nông nghiệp bám sát khung lịch thời vụ, cung cấp nguồn giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, ổn định giá, tránh tình trạng tư thương ép giá khi thu hoạch, chính quyền địa phương vận động khuyến khích người dân khai thác hết tiềm năng vùng cát nội đồng, xây dựng mô hình kinh tế trang trại theo hướng nông – lâm – ngư kết hợp. Đặc biệt, tăng cường trồng mới, mở rộng diện tích các loại cây giá trị kinh tế như: ném, kiệu, hoa...

Thời điểm này, cùng với các địa phương khác trên địa bàn huyện Phong Điền, bà con nông dân xã Phong Hiền tích cực chăm sóc cây lạc. Lạc ở Phong Hiền hàng năm cho thu nhập ổn định và khá cao đối với bà con nông dân. Năm 2014, Phong Hiền phấn đấu trồng hơn 81 ha lạc, năng suất đạt 21 tạ/ha. “Đối với bà con nông dân chân lấm tay bùn, thì không lúc nào cho đất nghỉ. Hết trồng sắn, bà con chuyển sang trồng lạc. Cây lạc không chỉ cho thu nhập ổn định đối với bà con, mà còn là nguồn lương thực dự trữ mỗi khi biến động của thời tiết”, ông Nguyễn Như Hiền, thôn Gia Viên phấn khởi cho biết.

Không là “vựa lúa” của huyện nhưng Phong Hiền cũng được biết đến, bởi năm nào cây lúa ở nơi đây cũng cho năng suất cao. Năm 2014, bà con nông dân Phong Điền phấn đấu trồng mới đạt con số 727.5 ha, với năng suất đạt 56 tạ/ha. Mục tiêu Phong Hiền đề ra là, đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm. Tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích; quy hoạch vùng chuyên canh các loại cây trồng, coi trọng công tác giống, đầu tư thâm canh có chiều sâu, với việc ổn định diện tích lúa xác nhận đạt 100%.
Theo đó, 109 diện tích lúa thường, năng suất không cao, xã chỉ đạo các HTX vận động, khuyến khích bà con nông dân chuyển sang trồng lúa chất lượng cao hơn. Đó là lý do để trên cánh đồng lúa ở Phong Hiền, nhiều giống lúa mới chất lượng cao như Iri352, HT1... được bà con đưa vào trồng. 
“Vào vụ, cây sắn ở Phong Hiền có lúc lên đến gần 200 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Bắc Hiền. Kinh nghiệm lâu năm, lại áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc, nên cây sắn cho sản lượng rất cao, bình quân 233.3 tạ/ha. Diện tích sắn toàn xã ngày càng được mở rộng, năm sau cao hơn năm trước”, đồng chí Trương Diên Hùng cho biết thêm.
Còn nhớ, vào vụ sắn năm ngoái, cùng với toàn huyện, người trồng sắn ở Phong Hiền rất phấn khởi. Họ phấn khởi vì cây sắn không chỉ được mùa mà còn được giá. Thương lái về tận các chân ruộng để thu mua sắn cho bà con, rồi về nhập tại Nhà máy tinh bột sắn Thừa Thiên Huế. Năm nay cũng thế, cây sắn vẫn được xác định là cây “chủ lực” của xã và của bà con nông dân. Xã vẫn giữ mức gần 200 ha, nhưng sản lượng phải phấn đấu đạt cao hơn, với 240 tạ/ha.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở Phong Hiền vẫn rất lạc quan. Họ tin tưởng, cây sắn tiếp tục đưa lại cho bà con những mùa vụ bội thu song kỹ thuật, kinh nghiệm có thừa, nhưng người nông dân cũng phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, vào thị trường và đặc biệt là sự quan tâm của các đơn vị, ban, ngành của tỉnh, huyện và xã trong vấn đề bao tiêu sản phẩm, bình ổn giá, tránh tình trạng thương lái lợi dụng ép giá của bà con; người dân nói.
Ngoài những cây trồng chủ lực trên, cây ném, kiệu và mía đường cũng là những loại cây trồng cho thu nhập không nhỏ cho bà con nông dân. 
Bài, ảnh: Anh Phong
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khả năng xuất hiện thêm 1 đợt mưa lớn diện rộng

Ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi Công điện đến tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Thuận về việc ứng phó với bão MAN –YI gần Biển Đông.

Khả năng xuất hiện thêm 1 đợt mưa lớn diện rộng

TIN MỚI

Cây hoa ban Tây Bắc
Return to top