Người dân Quảng Lợi phun thuốc phòng bệnh ngay từ đầu vụ
Ứng phó khô hạn
Mới đầu vụ hè thu, trên địa bàn huyện Quảng Điền đã có hơn 100 ha lúa gieo sạ vừa nảy mầm bị chết vì khô hạn, ước thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Xứ đồng An Xuân, xã Quảng An có diện tích bị thiệt hại lớn nhất với 60 ha. Đây là những đồng ruộng bị bùn đất bồi lấp trong đợt lũ lụt cuối năm trước, chân ruộng cao, địa hình dạng “rổ thưa” nên khó giữ được nước, hoặc thường khô hạn khi nắng nóng gay gắt, kéo dài.
Chủ tịch UBND xã Quảng An, ông Lê Văn Hải cho rằng, nắng hạn gay gắt tác động rất lớn đến sản xuất lúa trên địa bàn. Do chưa chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ nên diện tích lúa bị chết đã được người dân gieo cấy lại bằng các giống ngắn ngày, chịu hạn. Nếu diện tích này tiếp tục bị khô hạn, chết, địa phương sẽ có phương án hỗ trợ người dân và triển khai chuyển đổi sang trồng các loại cây phù hợp.
Dự báo nắng hạn còn diễn biến phức tạp, kéo dài có nguy cơ ảnh hưởng đến toàn bộ diện tích lúa trên địa bàn xã Quảng An. Các HTX tự trích kinh phí sửa chữa, huy động Nhân dân nạo két kênh mương, thủy lợi đảm bảo tổ chức đưa nước vào đồng ruộng tưới lúa khi cần thiết. Địa phương cũng đã phối hợp, làm việc với các đơn vị thủy nông có biện pháp cứu lúa kịp thời khi gặp khô hạn.
Các xứ đồng tại xã Quảng Lợi với diện tích hơn 200 ha cũng thường bị khô hạn, nhiễm mặn trong vụ hè thu. Mới đầu vụ nhưng nhiều diện tích có nguy cơ khô hạn, thiếu nước, nhất là những cánh đồng chân ruộng cao. Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, xã Quảng Lợi, ông Hà Tân thông tin, các biện pháp ứng phó với khô hạn đã được địa phương chuẩn bị khá chu đáo. Kênh mương được nạo vét, trạm bơm vận hành thử, sẵn sàng tổ chức đưa nước vào đồng ruộng.
Nhiều đồng ruộng tại hai xã Quảng Lợi, Quảng Thái nằm ven phá có nguy cơ nhiễm mặn nếu gặp nắng hạn kéo dài. Các địa phương cũng đã chủ động nguồn nước tưới, vận động người dân tự mua sắm, trang bị máy bơm dầu chủ động đưa nước vào đồng ruộng chống hạn, đẩy mặn ngay từ đầu vụ.
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Ngô Văn Dinh khẳng định, vụ lúa hè thu thường gặp nhiều khó khăn do nắng hạn, sâu bệnh và dịch hại. Ngành nông nghiệp và các địa phương triển khai các biện pháp đồng bộ ứng phó khô hạn, phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột, ốc bươu vàng. Huyện đã làm việc với Công ty TNHH NN MTV Quản lý - Khai thác công trình thủy lợi tỉnh và các chủ hồ thủy điện có phương án vận hành, điều tiết, bổ sung nguồn nước hợp lý, kịp thời phục vụ chống hạn vụ hè thu.
Diệt sinh vật gây hại
Nhiều diện tích lúa nằm ven phá Tam Giang, hệ thống đê được xây dựng bằng đá hộc kiên cố nhằm ngăn mặn, song đây cũng là nơi cư trú, sinh sôi lý tưởng cho chuột. Hầu như vụ lúa nào cũng bị chuột gây hại trên diện rộng. Từ đầu vụ lúa hè thu, các địa phương, HTX huy động Nhân dân ra quân diệt chuột bằng thủ công, bẫy các loại nhằm hạn chế sinh sôi, cắn phá gây hại lúa.
Theo ông Hà Tân, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thắng Lợi, từ đầu vụ đến nay, hộ thành viên và nông dân tổ chức ba đợt ra quân diệt chuột với hơn 1.000 con. Ngoài bắt, bẫy bằng thủ công, HTX còn tiếp nhận từ nguồn hỗ trợ của cấp trên và cấp cho mỗi tổ, đội sản xuất 15kg thuốc biorat phục vụ diệt chuột trên các xứ đồng.
Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền đã cấp phát cho các địa phương 70kg thuốc diệt chuột biorat. Các HTX cũng tự trích kinh phí hỗ trợ mua chuột của người dân sau khi tiêu diệt nhằm động viên bà con tích cực tham gia diệt chuột, bảo vệ mùa màng. Mỗi đuôi chuột được trả 2.000-3.000 đồng. Thống kê từ các địa phương, đến nay có khoảng 5.000 con chuột đã được tiêu diệt, hạn chế tối đa sinh sôi, gây hại lúa.
Ốc bươu vàng cũng bắt đầu xuất hiện trên các xứ đồng và dự báo có nguy cơ lây lan nhanh trong thời gian đến. Các địa phương, HTX đang vận động Nhân dân tích cực ra quân tiêu diệt ốc bươu ngay từ đầu vụ. Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân bắt ốc bằng phương pháp thủ công; cắm cọc dẫn dụ ốc lên đẻ trứng rồi thu gom đem tiêu hủy. Đồng thời triển khai nạo vét cống rãnh để khi tháo nước dễ dàng bắt ốc, đặt lưới ở cống dẫn nước ngăn chặn ốc lây lan.
Ông Phan Đăng Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi thông tin, ngoài diệt chuột, phòng trừ sâu bệnh, địa phương quan tâm chuyển đổi cây trồng phù hợp, chịu hạn nhằm đảm bảo sản xuất hiệu quả trong điều kiện hạn hán phức tạp. So với vụ đông xuân, vụ lúa hè thu của Quảng Lợi giảm khoảng 15 ha. Diện tích này thường bị khô hạn, không chủ động nguồn nước tưới nên buộc phải chuyển đổi sang trồng các loại cây chịu hạn. Địa phương chọn lựa các loại cây vừa chịu hạn vừa mang lại hiệu quả đã được kiểm nghiệm từ các vụ trước, vận động, hướng dẫn người dân đưa vào trồng thay thế như dưa hấu, khoai lang, ớt… Đến thời điểm này, trên địa bàn Quảng Lợi chưa có diện tích nào bị bỏ hoang vì khô hạn.
Toàn huyện có khoảng 300 ha lúa không chủ động nguồn nước, hiệu quả thấp được chuyển đổi sang trồng khoai lang, dưa hấu, đậu bắp, ớt, rau má… Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay toàn huyện Quảng Điền đưa vào gieo cấy 3.980 ha lúa.
Bài, ảnh: Hoàng Triều