ClockThứ Bảy, 02/01/2021 08:27

Nông nghiệp sạch cần sự bứt phá

TTH - Tại một hội thảo về nông nghiệp diễn ra cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ưu việt của một nền nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ và không bỏ đi thứ gì đang là hướng đi mà ngành nông nghiệp nước ta hướng đến.

Sản xuất rau theo mô hình công nghệ cao ở Phú Vang

Mô hình kiểu mẫu  

Năm 2020, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (Tập đoàn Quế Lâm) khởi công xây dựng tổ hợp DA chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) 4F tại xã Phong Thu (Phong Điền) trên diện tích 15ha, với tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành tổng thể. Đây là DA không chỉ để phục vụ hoạt động sản xuất, chăn nuôi của tập đoàn mà quan trọng hơn, đơn vị này muốn tổ hợp 4F sẽ trở thành một mô hình kiểu mẫu về chăn nuôi hữu cơ cho các nông hộ.

Trong đó, trang trại chăn nuôi lợn ATSH, hữu cơ là hạng mục hoàn thành đầu tiên của DA với diện tích 2ha, được áp dụng tự động hóa trong khâu chăn nuôi, chuồng hở thuận theo tự nhiên có cải tiến, đông ấm, hè mát, sử dụng đệm lót sinh học, máng ăn tự động.

Đến nay, Tập đoàn Quế Lâm đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trang trại chăn nuôi lợn ATSH với quy mô 8-10 nghìn con lợn thịt và hàng trăm con lợn nái phục vụ tái đàn và phát triển đàn cho trang trại của Quế Lâm và các nông dân liên kết nuôi lợn với đơn vị này.

Cũng trong năm 2020, UBND tỉnh phê duyệt quyết định hỗ trợ đối với ông Đặng Phước Hoàng - chủ cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm trên ao tròn lót bạt với kinh phí được hỗ trợ hơn 600 triệu đồng. Đây là mô hình nuôi công nghệ cao bằng chế phẩm sinh học sử dụng công nghệ 3C của Tập đoàn CP Thái Lan (tôm nuôi sạch, nước nuôi sạch và đáy ao sạch) với quy mô 3.000m2.

Mỗi năm, hộ ông Hoàng nuôi được 3 vụ, tổng sản lượng tôm hàng năm đạt khoảng 27 tấn, tổng doanh thu khoảng 4,9 tỷ đồng/năm, lợi nhuận khoảng 1,7 tỷ đồng/năm. Sản phẩm được tiêu thụ thông qua nhà máy đông lạnh tại Phong Điền và các thương lái trong, ngoài tỉnh. Cơ sở giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động và việc làm thời vụ cho 3-5 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Cần sự bứt phá

Khuyến khích, tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, UBND tỉnh đã có Quyết định (32/2016/QĐ-UBND ngày 23/5/2016) quy định một số chính sách khuyến khích phát triển, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Chính sách đã tác động tích cực đến ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững của tỉnh.

Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá, sau thời gian thực hiện, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất và thúc đẩy ngành kinh tế, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho SXNN trên địa bàn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, nông thôn và ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất. Các mô hình, DA hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích.

Ông Hồ Đăng Khoa, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh (CCQLCLNTTS) cho rằng, đầu tư phát triển SXNN nói chung và sản xuất NNS, NNCNC nói riêng từ trước đến nay đã có sự quan tâm đầu tư kinh phí và chính sách của chính quyền, đặc biệt là ngành NN&PTNT đã nhận định đây là các mô hình nền tảng thí điểm để nhân rộng đến nông dân, tiến tới thay đổi thói quen sản xuất truyền thống, áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất.

Các địa phương từng bước định hướng xây dựng nền SXNN tiên tiến theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm vào SXNN, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn, công tác phát triển thị trường nông sản được quan tâm.

Trong đó, sự liên kết của “4 nhà” trong sản xuất NNS, NNCNC ngày càng chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến khâu bày bán, sản xuất gắn với yêu cầu thị trường, sản phẩm bao gói đa dạng, mẫu mã, hình thức quy cách được quan tâm thiết kế, đầu tư phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Diện tích đất nông nghiệp tỉnh khá lớn nên tiềm năng để phát triển ngành NNS, NNCNC rất lớn với các vùng sản xuất, canh tác tập trung, đặc biệt tại khu vực các huyện Phong Điền, Quảng Điền và Phú Vang.

Tuy nhiên, người sản xuất còn bị động trong việc tìm hiểu áp dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, tâm lý e ngại thay đổi mặc dù có sự hỗ trợ của chính quyền và cơ quan chức năng. Kinh phí để triển khai các mô hình NNS, NNCNC khá lớn nên việc tự lực của các doanh nghiệp, hộ cá thể còn ở thiểu số.

Ông Khoa nhận định, quy mô hộ sản xuất nhỏ, ít nhân công nên việc áp dụng NNS, NNCNC cần sự liên kết từ nhiều hộ hoặc các tổ hợp tác mới phát huy được hiệu quả mô hình. Việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, quy mô liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế.

Hiện nay, tỷ lệ sản lượng sản phẩm rủi ro cao, bức xúc về ATTP được kiểm soát theo chuỗi chỉ đạt 30% tổng sản lượng sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực có mức độ rủi ro cao trong sản xuất, tiêu thụ tại địa phương. Trong đó, số lượng cửa hàng bày bán sản phẩm an toàn theo chuỗi tại địa phương còn thấp (hiện chỉ 6 điểm bán hàng), kết nối giữa cung và cầu chưa chặt chẽ.

Nguồn kinh phí còn hạn chế, chi phí phân tích mẫu cao nên giá thành sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm cao, gây khó khăn cho việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Trong khi đó, nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản của một số cơ sở chưa đúng mức, quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình.

Việc ứng dụng tem điện tử thông minh gắn mã QR vào sản phẩm, hỗ trợ truy cập phần mềm trên thiết bị thông minh chưa phổ biến rộng rãi với người sản xuất và người tiêu dùng trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tái cơ cấu theo hướng nông nghiệp thông minh

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, trong điều kiện hội nhập hiện nay, ngành nông nghiệp các địa phương muốn tiếp tục phát triển thì công cuộc tái cơ cấu phải theo hướng một nền nông nghiệp thông minh, tùy đối tượng, vùng, mục tiêu sản xuất mà ứng dụng công nghệ cao cho phù hợp; nông nghiệp đặc hữu, sản xuất những loại nông sản có tính khác biệt, người ta không có mà mình có; nông nghiệp hữu cơ; nông nghiệp chia sẻ, không ai bị bỏ lại phía sau và nền nông nghiệp tuần hoàn, không bỏ đi thứ gì.

Bài, ảnh: Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thông tin doanh nghiệp:
Hướng dẫn sử dụng Traffic User hiệu quả bứt phá SEO website

Trong số các công cụ hỗ trợ đắc lực cho SEO, Traffic User nổi lên như một giải pháp hiệu quả giúp gia tăng lượng truy cập và bứt phá thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn hướng dẫn sử dụng Traffic User hiệu quả, từ đó giúp bạn tối ưu hóa chiến lược SEO và đạt được thành công trong việc thu hút khách hàng tiềm năng.

Hướng dẫn sử dụng Traffic User hiệu quả bứt phá SEO website
“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới

Kết quả xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm của Việt Nam rất khả quan với mức tăng trưởng trung bình khoảng từ 14-16%. Việt Nam cũng đang duy trì mức xuất siêu khoảng từ 8-10 tỷ đô la Mỹ. Những con số biết nói cho thấy cơ hội trên thị trường toàn cầu vẫn tiếp tục rất lớn với doanh nghiệp Việt. Tuy nhiên, liệu doanh nghiệp trong nước đã sẵn sàng “đẩy thuyền” trên con sóng thương mại điện tử đang ngày một lớn?

“Hợp lực” để doanh nghiệp Việt bứt phá trong xuất khẩu xuyên biên giới
Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đang là xu hướng phát triển của nền nông nghiệp nói chung và ngành nông nghiệp tỉnh nói riêng. Tuy nhiên, với chi phí đầu vào đắt đỏ và đầu ra vẫn còn chưa phổ dụng thì cần có chính sách kích cầu cho doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Kích thích làm nông nghiệp công nghệ cao

TIN MỚI

Return to top