Chủ động
Tính đến chiều 23/5, trên địa bàn TX. Hương Thủy đã tiêu hủy 48 con lợn (2.664kg) tại những điểm phát hiện và nghi có dịch tả lợn châu Phi ở các xã, phường: tổ 6, tổ 8 phường Phú Bài; tổ 4 phường Thủy Phương; thôn Thanh Thủy, Thanh Toàn, Lang Xá Cồn (Thủy Thanh); thôn Tô Đà 2 (Thủy Tân). Số heo chết do dịch bệnh ban đầu được lực lượng chức năng xác minh đều sử dụng nguồn thức ăn từ một số quán ăn, nhà hàng… trên địa bàn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà (ngoài cùng, bên phải) thị sát điểm chôn lấp heo nhiễm dịch ở địa bàn phường Phú Bài
Trong những ngày xảy ra dịch tả lợn châu Phi, ở Hương Thủy có nhiều trường hợp người dân chủ động thông báo với chính quyền địa phương và lực lượng chức năng ngay khi lợn mới có biểu hiện “lờ đờ”. “Có trường hợp lợn mới bỏ ăn 1 bữa là bà con gọi ngay. Đây là điều đáng mừng bởi người dân đã hiểu và không giấu dịch, giấu bệnh”, ông Nguyễn Khai – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy chia sẻ.
Hay như trường hợp hộ gia đình bà Trương Thị Lưu (tổ 4 – phường Thủy Phương), tuy đàn lợn 20 con chưa xảy ra hiện bất thường nhưng chiều 23/5, bà đã đến Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để nhận thuốc phòng dịch. “Đàn lợn nhà tôi vẫn bình thường, nhưng nghe thông tin trên báo, đài gia đình tôi chủ động phòng ngừa trước, chứ để lợn chết, không chỉ gia đình mà các hộ nuôi xung quanh cũng bị ảnh hưởng”, bà Lưu chia sẻ.
Trưa 23/5, thị xã Hương Thủy công bố dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Cụ thể, vùng dịch: tổ 6, tổ 8 phường Phú Bài và thôn Thanh Toàn, thôn Thanh Thủy (xã Thủy Thanh). Vùng uy hiếp, gồm các phường, xã: Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Phú Sơn, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Dương và Thủy Vân
Trong thời gian có dịch, tạm dưng các hoạt động mua, bán, giết mổ lợn tại các điểm giết mổ nhỏ lẻ trên địa bàn các phường, xã: Thủy Phương, Thủy Châu, Thủy Lương, Phú Sơn, Thủy Phù, Thủy Tân, Thủy Dương và Thủy Vân.
|
Tuy nhiên, bên cạnh điều đáng mừng bởi tinh thần tự giác của người dân, cũng có không ít trường hợp người dân vứt bỏ heo chết ra sông, không báo với chính quyền địa phương, khiến công tác phòng, chống dịch càng thêm khó khăn, nhất là trong thời điểm cả tỉnh đang căng mình chống dịch.
Một bất cập nhưng cũng là khó khăn của một số địa phương ở TX. Hương Thủy là không có quỹ đất để chôn lấp khi phát hiện lợn nhiễm dịch. Đơn cử như ở Thủy Thanh, đây là vùng đất thấp trũng, chủ yếu là đồng ruộng, trong khi việc chôn lấp gia súc nhiễm dịch yêu cầu phải ở những vùng đất cao, khô ráo. Minh chứng là sáng 22/5, sau khi xử lý các biện pháp tiêu độc, khử trùng số lợn nhiễm dịch nhưng phải đến cuối giờ trưa mới tìm được điểm chôn lấp thuộc địa phận phường Phú Bài.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra kho hóa chất dự trữ của Trung tâm dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy
Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ bùng phát trên diện rộng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TX. Hương Thủy đã lên kế hoạch vào thứ 7 tới, sẽ phối hợp với khoa Thú Y – Trường ĐH Nông Lâm Huế tiến hành phun thuốc tiêu độc, khử trùng ở những nơi có dịch và chưa có dịch. “Tại 2 địa phương đã có dịch là Phú Bài và Thủy Thanh, ngày 24/5 sẽ tiến hành lập chốt để kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động vận chuyển, giết mổ và sản phẩm động vật đến và đi”, ông Khai báo cáo.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cho rằng, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện trên địa bàn thị xã mấy ngày qua nhưng hiện vẫn chưa có chốt chặn ở 2 vùng có dịch đầu tiên là quá chậm. “Nếu thiếu người, có thể huy động các lực lượng công an, dân quân, ĐVTN… cùng phối hợp. Vấn đề này cần phải làm ngay”, ông Bùi Thanh Hà nhấn mạnh.
Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu
Chia sẻ với Bí thư Thị ủy Hương Thủy - Lê Văn Chính và các lực lượng liên quan, Phó Bí thư Thường trực Bùi Thanh Hà cho rằng, đây là lúc người dân cần lãnh đạo nhất. “Phòng, chống dịch tả lợn châu Phi là nhiệm vụ cấp bách phải làm ngay và liên tục. Lãnh đạo phải xắn tay, lăn xả cùng dân, nhất là với người dân vùng có dịch. Bên cạnh cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để giúp người dân hiểu rõ hơn, tránh hoang mang, chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu nếu chần chừ rồi để dịch bùng phát”, ông Bùi Thanh Hà nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà yêu cầu lãnh đạo phường Phú Bài phải cắm biển báo và có hàng rào tại khu vực chôn lấp lợn nhiễm dịch
Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tính nguy hiểm, tác hại nghiêm trọng của dịch bệnh, cần thực hiện tốt "5 không", bổ sung đầy đủ cơ sở vật chất, con người, hóa chất để vận chuyển lợn bị bệnh đi tiêu hủy và chôn lấp; hỗ trợ kịp thời, công khai minh bạch cho các hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch; chuẩn bị tốt các điều kiện sau khi hết dịch để tái đàn, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cũng như ổn định cuộc sống người dân. “Tuy nhiên, những nơi nghi có dịch hoặc chưa có dịch cũng phải được lên phương án cụ thể, không được chủ quan”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh.
Thị sát tại hố chôn lấp lợn nhiễm dịch trên địa bàn phường Phú Bài, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà không hài lòng với khoảng cách chôn lấp quá gần với đường cái cũng như không có biển báo hiệu vùng chôn lấp. “Ngoài cắm biển báo để người dân biết, phải có hàng rào để khoanh vùng chứ như thế này người dân không biết, cho xe cộ ra vào ngay trên hố chôn lấp là không ổn” Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao nhiệm vụ cho lãnh đạo phường Phú Bài.
Giảm áp lực cho quỹ đất chôn lấp lợn nhiễm dịch, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà cho rằng, nếu phải tiêu hủy, chôn lấp số lượng nhiều thì có thể chôn tại địa điểm tập trung thuộc địa phận phường Phú Bài, nhưng nếu nhỏ lẻ, 1-2 con thì có thể chôn tại khu vực lân cận địa điểm chăn nuôi. “Tất nhiên phải áp dụng đúng phương pháp tiêu độc, khử trùng và có sự giám sát lực lương chuyên môn”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã và đang có kế hoạch chỉ đạo một số đơn vị hữu quan thiết lập khu vực bán thịt heo sạch ở các chợ, siêu thị… để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, lưu thông nguồn cung những nơi có lợn không nhiễm dịch, ông Bùi Thanh Hà cho biết. |
Bài, ảnh: Hàn Đăng