Phong Điền định hướng phát triển các cây trồng chủ lực, phát triển kinh tế, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu nông thôn mới
Phấn đấu hoàn thành cuối năm 2022
Tháng 4/2022, tức là còn khoảng 8 tháng nữa để Phong Sơn thực hiện, hoàn thiện 5 tiêu chí còn thiếu để được công nhận xã NTM. Các tiêu chí mà Phong Sơn còn thiếu là giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường đạt chuẩn quốc gia, môi trường và quy hoạch.
Bà Phạm Thị Ánh Tuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho biết, theo Quyết định 318/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025 thì có thêm tiêu chí quy hoạch. Trong 5 tiêu chí chưa đạt, quy hoạch là tiêu chí mà xã đang gặp khó khăn nhất. Trước đây, vào năm 2013, xã đã có quy hoạch tổng thể, nhưng trong quá trình phát triển nhiều thay đổi, dẫn đến các quy hoạch cũng có những điều chỉnh theo; do đó, gây ra những khó khăn, chồng chéo nhất định trong việc quy hoạch lại.
Riêng xã Phong Chương đặt mục tiêu hoàn thành NTM vào cuối năm nay. Hiện xã còn thiếu 4 tiêu chí gồm giao thông, trường học, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm.
Điểm chung của cả hai xã là thiếu tiêu chí về giao thông. Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền cho biết, huyện vừa có buổi làm việc với hai xã Phong Sơn và Phong Chương để đánh giá lại các tiêu chí chưa đạt, nhất là nhu cầu cần đầu tư để đạt mức tối thiểu các tiêu chí. Trên cơ sở đó, rà soát nguồn lực đã được tỉnh, huyện phân bổ cùng với nguồn đối ứng, đầu tư của địa phương và huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư, hướng đến đạt chuẩn tiêu chí thành phần về tỷ lệ đường liên thôn được bê tông hóa. Sớm hoàn thành việc lập quy hoạch NTM ở cả hai xã; trong đó, lưu ý định hướng quy hoạch phát triển dọc tuyến đường cứu hộ cứu nạn thị trấn Phong Điền - Điền Lộc đoạn qua địa bàn xã Phong Chương và dọc tuyến Tỉnh lộ 11B qua xã Phong Sơn.
Ông Hồ Đôn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn NTM; trong đó 3 - 4 xã đạt chuẩn nâng cao, kiểu mẫu; 3 - 5 thôn xây dựng thôn kiểu mẫu. Đến năm 2023, huyện sẽ hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Theo tinh thần Nghị quyết 15 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển Phong Điền thành thị xã vào năm 2024, do đó, lộ trình thực hiện xong chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM trong năm 2022, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2023 là nhiệm vụ phải hoàn thành.
Gắn thực hiện phát triển thị xã
Ông Nguyễn Đình Đức, Giám đốc Sở NN&PTNT lưu ý, theo các tiêu chí huyện NTM, để được công nhận thì thị trấn Phong Điền phải đạt chuẩn đô thị thông minh, các dịch vụ công trực tuyến phải đạt mức độ 3; lượng cây xanh 2 bên trên trục đường trung tâm huyện phải đạt 50%, trong khu dân cư tối thiểu 2m2 cây xanh trên đầu người… Đây là những tiêu chí rất khó đạt được nếu không tập trung nguồn lực, nhân lực để thực hiện...
Nếu thuận lợi, năm 2023, Phong Điền sẽ là huyện NTM. Ngay sau khi huyện Phong Điền hoàn thành chương trình NTM thì bắt tay ngay vào phát triển thành thị xã. Từ 15 xã, thị trấn, Phong Điền sẽ được hợp thành 6 phường và 6 xã. Thách thức cho Phong Điền không phải nhỏ, bởi vào năm 2024 phải thành thị xã, đây là tiêu chí bắt buộc để Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025.
Ông Hồ Đôn cho biết, bên cạnh tập trung đầu tư nguồn lực cho hai xã Phong Sơn, Phong Chương hoàn thành xã NTM; hoàn thành xã NTM nâng cao cho một số xã, hiện tại, huyện đang đồng bộ triển khai hai nhiệm vụ NTM và xây dựng thị xã. NTM sẽ hỗ trợ cho quá trình xây dựng thị xã của huyện. Trong xây dựng thị xã, một yếu tố quan trọng là phát triển đô thị, hạ tầng, cây xanh, nên huyện đang cố gắng để những tiêu chí về giao thông trong NTM tiệm cận với chỉ tiêu trong xây dựng thị xã.
Theo ông Đôn, thời gian tới, huyện Phong Ðiền tiếp tục triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đẩy mạnh công tác hỗ trợ chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Ðồng thời, phát triển các hình thức liên kết sản xuất với doanh nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, an toàn và bền vững nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Cùng đó, đẩy mạnh thực hiện đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng cảnh quan môi trường, trồng cây xanh, hoa kiểng; tăng tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn huyện…
Bài, ảnh: Đức Quang