ClockThứ Năm, 16/03/2017 09:40

Phú Vang: Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng nặng

TTH - Mới đây, tại buổi làm việc của Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu và các sở, ngành liên quan với địa phương, lãnh đạo huyện Phú Vang đề nghị tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí để nâng cấp, sửa chữa một số công trình thủy lợi lớn trên địa bàn đã xuống cấp trầm trọng.

Nhiều diện tích đất ở Vinh Thái vẫn chưa gieo được sạ do ngập úng

Ảnh hưởng lớn đến sản xuất

Liên tiếp trong những đợt mưa lũ kéo dài gần đây đã làm hư hỏng nặng nhiều tuyến đê bao, hệ thống kênh mương nội đồng, gây ngập lụt nhiều diện tích lúa của bà con xã Vinh Thái. Một trong những nguyên nhân chính là do các tuyến đê bao xây dựng đã lâu.

Ông Đỗ Viết Tư, Chủ tịch UBND xã Vinh Thái cho biết: “Nhiều tuyến đê trước đây xây dựng cao trình chỉ 0,7m, lại nằm cuối nguồn sông Đại Giang và xây dựng đã lâu, xuống cấp trầm trọng, nên nhiều đoạn bị bong tróc, dễ vỡ. Từ đầu năm đến nay, qua các đợt mưa lũ dài ngày, xã có 3 tuyến đê bị vỡ nhiều đoạn, đó là, tuyến đê vùng bàu A, vùng bàu B và tuyến bàu Diêm Tụ”.

Tuyến đê bao sông Thiệu Hóa dài 17km hiện cũng đã xuống cấp trầm trọng, với nhiều điểm sạt lở. Theo ông Nguyễn Trường Còn, Phó Giám đốc HTX NN Vinh Thái, tuyến đê này xây dựng từ năm 2000, với diễn biến thất thường của thời tiết như hiện nay là khó đảm bảo việc ngăn nước phục vụ tưới tiêu cho diện tích trồng lúa của xã. Các đợt mưa lũ, nhất là trận mưa kéo dài trong tháng hai vừa qua đã làm nhiều đoạn đê bao sông Thiệu Hóa bị vỡ. HTX đã trích kinh phí mua các trang thiết bị, huy động máy móc, nhân công, với tổng kinh phí hơn 1,2 tỷ đồng để khắc phục, sửa chữa lại những điểm bị vỡ nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Ở Vinh Hà, tình trạng đê điều xuống cấp cũng đe dọa nhiều diện tích lúa của người dân. Nặng nhất là tuyến đê Tây phá Cầu Hai (Đập Làng) đoạn qua xã này có 10 điểm sạt lở nghiêm trọng. Ông La Đình Tân, Chủ tịch UBND xã Vinh Hà cho biết: Vừa ngăn mặn vừa phục vụ việc tưới tiêu cho 457 ha lúa của xã, tuyến đê này còn phục vụ cho việc tưới tiêu nhiều diện tích lúa và hoa màu của các xã: Vinh Thái, Vinh Phú và thị trấn Phú Đa. Trước năm 1985, huyện, xã đã nâng cấp sửa chữa một lần, nhưng nay, tuyến đê xuống cấp trầm trọng. Cao trình đê là 1,1 mét, nhưng do mưa lũ gây sụt lún, nên hiện chỉ còn 0,6 – 0,7m. Trước đó, để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, ngăn triều cường từ phá Cầu Hai, UBND xã đã cho xây dựng con lươn dài 500m dọc tuyến, nhưng nay con lươn cũng đã bị hư hỏng nhiều đoạn. Do thường xuyên xảy ra ngập úng cục bộ, toàn bộ diện tích lúa dọc tuyến đê chỉ sản xuất được 1 vụ”.

Sẽ phân cấp quản lý đê điều cho hợp tác xã

Với tinh thần chủ động, thời gian qua, Phú Vang cũng đã rất nỗ lực để nâng cấp hệ thống đê, nhất là tuyến kênh mương nội đồng phục vụ nông nghiệp. Ông Nguyễn Viết Mạnh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Vang cho biết: “Mỗi năm huyện trích từ 3 đến 5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí đổi đất lấy hạ tầng để đầu tư xây dựng, sửa chữa hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn. Năm 2016, huyện hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để đầu tư xây dựng hệ thống các trạm bơm Lương Lộc, Cồn Đâu xã Phú Lương; hệ thống đê bao phân vùng Phú Lương, Phú Đa... phục vụ công tác tưới tiêu, tiêu úng khi cần thiết. Tuy nhiên, đây là những công trình nhỏ, với những công trình lớn ngoài kinh phí của huyện thì rất cần sự hỗ trợ của tỉnh”. 

Tại buổi làm việc mới đây của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu và đại diện các sở, ngành liên quan với địa phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phú Vang La Phúc Thành đề nghị: Cho lập dự án nâng cấp đê Tây Phá Cầu Hai đoạn qua xã Vinh Hà, nhưng trước mắt tỉnh cần bố trí khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa khoảng 1,5 km đê đã xuống cấp không đảm bảo ngăn mặn; nâng cấp đê bờ sông Thiệu Hóa phục vụ ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn và phục vụ việc tiêu úng cho các xã: Vinh Thái, Vinh Phú, Vinh Hà và thị trấn Phú Đa; hỗ trợ một phần kinh phí để tôn cao, mở rộng mặt đê phục vụ sản xuất trong lúc chờ dự án đầu tư.

Huyện cũng đề xuất  tỉnh bố trí nguồn vốn để nâng cấp cống Lạch Chèo trên đê Quy Lai – Tân Mỹ ở Thuận An để đảm bảo ngăn mặn, thoát lũ cho các xã: Phú Thượng, Phú Dương, Phú Mậu, Phú Thanh và thị trấn Thuận An; từng bước bố trí vốn đầu tư kiên cố hóa hệ thống đê nội đồng, kết hợp giao thông đồng ruộng và tưới tự chảy cho diện tích lúa vùng trũng.

Ông Hồ Sỹ Nguyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin, hiện một số công trình đê, cống, hệ thống đê nội đồng đang được triển khai và chuẩn bị triển khai, như đê bao nội đồng Dương Thanh Mậu; đê sông Đại Giang chuẩn bị triển khai và dự kiến hoàn thành trong năm 2018. Những công trình như: Nâng cấp mở rộng thoát lũ cống Lạch Chèo hạ lưu sông Chợ Nọ; nâng cấp chống tràn đê Tây phá Cầu Hai – Vinh Hà; nâng cấp chống tràn kết hợp giao thông nội đồng đê Thiệu Hóa… sẽ được nâng cấp trong thời gian tới.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu yêu cầu, ngoài chờ đợi ngân sách đầu tư, huyện cần chủ động, phát động phong trào chính quyền và người dân cùng làm thủy lợi. Tới đây, tỉnh sẽ xem xét, phân cấp cho HTX các địa phương quản lý, bảo vệ đê điều thủy lợi, để có phương án duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, kịp thời.

Vụ đông xuân 2016 – 2017, Phú Vang gieo cấy hơn 6.869 ha lúa; trong đó, lúa đông xuân chính vụ hơn 6.175 ha; vụ đông xuân muộn 694 ha (Vinh Thái 237 ha, Vinh Hà 457 ha). Các đợt mưa lũ làm 12km kênh mương bị hư hỏng, 18,4km đê bao bị tràn và 57m đê bị vỡ, gây ngập úng 1.961 ha lúa, phải gieo sạ lại nhiều lần.

Bài, ảnh: Anh Phong

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top