ClockThứ Sáu, 20/01/2017 11:44

Quảng An: Sạt lở uy hiếp nhà dân

TTH.VN - Những ngày qua, người dân sống dọc sông Bồ, xã Quảng An, huyện Quảng Điền nơm nớp lo sợ khi nhiều diện tích đất dọc sông bị "nuốt chửng", uy hiếp nhà dân, đường sá...

Sau 2 đợt lũ liên tục trong tháng 12/2016, nhiều diện tích đất đai, căn nhà vợ chồng chị Hoàng Thị Xuân Thủy, đội 3, thôn Phú Lương B, xã Quảng An bị uy hiếp trực tiếp. Một số điểm sạt lở đã ăn sâu sát móng nhà dân, nhiều diện tích đất, tre chống sạt lở dọc tuyến cũng bị nuốt chửng. Chị Thủy than thở: Tình trạng sạt lở mới diễn ra trong tháng 12/2016, sâu chừng 2,5m. Những ngày đầu, vợ chồng tôi đêm chẳng dám ngủ, vật nuôi trong nhà cũng phải bán tháo vì sợ hà bá nuốt mất. Ai đi ngang nhà cũng ái ngại cho hoàn cảnh của gia đình. Lúc trước, học sinh thích ngồi sát mép sông học bài giờ cũng chuyển hẳn vào sân nhà. Tôi mong Nhà nước sớm triển khai xây dựng kè dọc bờ sông, chứ tình trạng này, không biết năm sau sẽ ra sao.

Sạt lở uy hiếp nhà dân thôn Phú Lương B

Cách điểm sạt lở của gia đình chị Thủy chừng 1,5km cũng có hai điểm sạt lở tương tự. Đoạn thứ nhất cách cống Ba Cửa chừng 10m với chiều sâu gần 1,5m chiều dài 40m; đoạn thứ hai sạt lở bờ sông ăn sâu vào đường giao thông, làm nứt gãy toàn bộ hệ thống đường giao thông với chiều dài gần 30m. UBND xã Quảng An phải cắm biển báo nguy hiểm, hạn chế các phương tiện qua lại khu vực này tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.

Là tuyến giao thông chính của người dân thôn An Xuân Bắc và Mỹ Ổn nên tình hình sạt lở ảnh hưởng đến việc đi lại và đời sống của bà con. Nhiều cư dân sống gần điểm sạt lở chia sẻ: Đường giao thông qua đoạn này đã bị đứt gãy hoàn toàn, vào ban đêm đến chẳng ai dám đi qua đây,  sơ ý là rớt xuống sông.

Sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất

Theo ông Đặng Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng An, sau khi cống An Xuân thi công xong, khẩu độ lớn, nước chảy xiết. Hơn nữa trong tháng 12/2016 có hai đợt lũ, nước từ thượng nguồn về với lưu lượng lớn khiến nhiều đoạn đê dọc sông Bồ của xã bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, có 3 điểm nghiêm trọng kéo dài từ thôn Phú Lương B đến An Xuân Tây và An Xuân Bắc với nhiều điểm sâu gần 5m; điểm sát chân cầu đội 3, thôn An Xuân uy hiếp trực tiếp 2 hộ dân. Ngoài ra, chạy dọc tuyến sông Bồ đi qua xã với chiều dài hơn 2km nhiều điểm cũng bị sạt lở, lộng hàm ếch rất nguy hiểm, nguy cơ uy hiếp đường giao thông và đất đai người dân.

Đường giao thông thôn An Xuân Bắc bị sạt lở

Trước đây, các cửa thoát lũ trên đê Eco thông ra phá Tam Giang của cống An Xuân, xã Quảng An có khẩu độ quá nhỏ không thể dẫn nguồn tối đa để hạ thấp mặt nước. UBND tỉnh đã đầu tư cống An Xuân và kè gia cố hai bờ hói An Xuân, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng. Giai đoạn một, dự án đầu tư cống đã cơ bản hoàn thành, giai đoạn 2 xây dựng kè gia cố hai bờ hói sẽ được thực hiện trong năm 2017. Công trình được đầu tư góp phần ngăn mặn, tiêu thoát lũ nhanh và không gây ngập úng dài ngày, ngăn lũ tiểu mãn và lũ sớm cho gần 2.000 ha đất nông nghiệp của vùng dự án (gồm các xã: Quảng Phước, Quảng An, Quảng Thành).

Sau khi nắm tình hình, chúng tôi liên hệ với ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngay sau đó, ông Đức đã trực tiếp đến hiện trường và chỉ đạo khắc phục tại các điểm sạt lở. Đồng thời nhấn mạnh sẽ đẩy nhanh tiến độ giai đoạn 2 dự án nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

                                                                            Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

Chiều 5/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cho biết sóng lớn đã đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền) chiều dài khoảng 100m, trong đó có đoạn khoảng 50m chiều dài lấn sâu vào đường dân sinh.

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

Việc xác định các vị trí có biểu hiện trượt lở đất và các vấn đề địa chất khác có liên quan để đưa vào cơ sở dữ liệu hiện trạng trượt lở đất đá trên địa bàn tỉnh nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác ứng phó, cũng như quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

Chủ động ứng phó với sạt lở để an cư

TIN MỚI

Return to top