ClockThứ Hai, 31/07/2017 13:31

Quảng Điền: Hướng đến đánh bắt thân thiện

TTH - Những năm gần đây, Quảng Điền thực hiện song song nhiều giải pháp gắn đánh bắt với bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS).

Trước, nghề dậm hến mang lại thu nhập từ 100-150 ngàn đồng/ngày cho bà Lê Thị Bé, xã Quảng Lợi nhưng hơn hai năm trở lại đây, nguồn thu này ngày càng eo hẹp. Theo bà Bé, nguồn hến tại địa phương ngày càng cạn kiệt do nhiều người  sử dụng thuyền máy khai thác ồ ạt theo kiểu tận thu.

Mô hình chuôm ở Quảng Điền mang lại thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng vừa góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Về thực trạng khai thác thủy sản bừa bãi, ông Hà Văn Duy, cán bộ phụ trách thủy sản thuộc Phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền thông tin, thông thường phương tiện khai thác kích điện trên phá mỗi ghe có 2 người; cào lươn, cào hến có 3-4 người. Các đối tượng thường dùng thuyền máy công suất lớn đi thành nhóm từ 8 -10 chiếc. Một số đối tượng còn ngang nhiên vào hồ đang nuôi trồng thủy sản của người dân để đánh bắt bằng xung điện.

Các đối tượng khai thác trái phép chủ yếu là người của các địa phương khác nên khó quản lý, xử lý. Theo số liệu tổng hợp từ các biên bản vi phạm trên địa bàn huyện từ năm 2012 đến 2016, có 84 vụ khai thác trái phép bị xử lý, trong đó 31 vụ vi phạm trên phá Tam Giang thì có 27 vụ là người từ địa phương khác.

Từ thực trạng trên, huyện Quảng Điền chủ trương xây dựng mô hình bảo vệ NLTS dựa vào cộng đồng theo hướng giao quyền khai thác và quản lý mặt nước cho các chi hội nghề cá (CHNC), thành lập khu bảo vệ NLTS, nhân rộng các mô hình trộ chuôm…

Hiện Quảng Điền có 4 khu bảo vệ NLTS gồm: khu Vũng Mệ (Quảng Lợi), khu cồn Máy Bay (Quảng Ngạn); khu doi Trộ Kèn (Sịa); khu An Xuân (Quảng An); giao quyền quản lý mặt nước cho 16 CHNC ven phá với tổng diện tích mặt nước được cấp quyền 2.969ha.

Chi cục Thủy sản tỉnh đã đầu tư các hạng mục cột mốc, bảng pano tại 2 khu bảo vệ thuỷ sản mới với diện tích 36,5 ha (doi Trộ Kèn 21,5 ha và An Xuân 15ha). Dự án Lux cũng hỗ trợ trang bị 5 thuyền tuần tra có công suất lớn cho 5 CHNC, nâng tổng số thuyền tuần tra lên 9 chiếc, góp phần hạn chế tình trạng khai thác trái phép thủy sản so với trước đây.

Mới thành lập vào năm 2015, khu bảo vệ thủy sản An Xuân, xã Quảng An có diện tích 15 ha được giao cho CHNC An Xuân quản lý. Ông Đặng Công Minh, Chi hội trưởng CHNC xã Quảng An cho biết: Sau giao quyền quản lý mặt nước cho cộng đồng, chi hội chính thức thành lập và tiếp quản khu bảo vệ thủy sản An Xuân.

Hiện chi hội có 110 hội viên, thường xuyên hoạt động tuần tra phát hiện các trường hợp khai thác hủy diệt, kết hợp đánh bắt hợp lý nên hiệu quả bảo vệ nguồn lợi thủy sản khá cao. Chi hội còn thường xuyên nắm thông tin các hộ phát triển nghề khai thác hủy diệt trên địa bàn, vận động chuyển đổi nghề hướng đến bảo vệ môi trường, đánh bắt thân thiện.

Nhiều mô hình khai thác thân thiện gắn với bảo vệ NLTS sản cũng được nhân rộng; trong đó có mô hình chuôm, với 160 trộ trên toàn xã, trung bình mỗi trộ cho thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng/đợt thu hoạch.

Dẫn chúng tôi thăm mô hình chuôm của các ngư dân, ông Nguyễn Nhân, thôn Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi nói chắc nịch: Nhờ làm tốt công tác bảo vệ NLTS, nhất là huy động sự tham gia của cộng đồng trong ngăn chặn các ngành nghề hủy diệt nên các loại thủy sản đang phong phú trở lại. Ông kể: “Trong những đợt thu hoạch chuôm mới đây nhiều hộ trúng đậm cá nâu, cá ong bầu vốn là các loại cá đặc sản vùng đầm phá, cho thu nhập mỗi trộ lên tới 25 triệu đồng”.

Để hoạt động bảo vệ môi trường đầm phá có tính bền vững hơn, theo ông Hà Văn Duy, tỉnh cần tạo cơ chế để lại 100% kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản cho các đơn vị cơ sở, cũng như các chi hội nghề cá tham gia thực hiện bảo vệ NLTS. Nguồn kinh phí này sẽ phục vụ hoạt động bảo vệ ngư trường cũng như đầu tư cho công tác xây dựng, tuần tra tại các khu bảo vệ thủy sản.

Các cơ quan liên quan cần thường xuyên phối hợp với các chi hội ra quân đồng bộ thực hiện tốt công tác tuần tra bảo vệ NLTS, ngăn chặn triệt để, kịp thời tình trạng khai thác trái phép hướng tới môi trường khai thác thân thiện trên đầm phá Tam Giang.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng

Nhiều người, nhất là các chị em phụ nữ có khi vẫn chưa nhận ra được mình đang hoặc đã từng bị bạo lực giới, dù ở mức độ ít hay nhiều, nặng hay nhẹ. Một khi nhận diện được vấn đề này, phụ nữ hay trẻ em gái mới có thể phát huy và thúc đẩy bình đẳng trong cuộc sống.

Nhận diện bạo lực giới và hướng đến sự bình đẳng
Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt

Với mục tiêu ngăn chặn, đẩy lùi việc người dân đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành chức năng của huyện Quảng Điền đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.

Đẩy lùi tình trạng đánh bắt thủy sản mang tính hủy diệt
Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng

Sau gần 5 năm triển khai và tạo hiệu ứng tích cực từ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, “Chủ nhật vì cộng đồng” trên địa bàn chợ Đông Ba, Ban Quản lý (BQL) chợ Đông Ba vinh dự là đơn vị điển hình tiêu biểu được thành phố tuyên dương trong phong trào xây dựng TP. Huế “Văn minh - Thân thiện - An toàn - Giàu bản sắc” giai đoạn 2020 - 2024.

Vì một Đông Ba xanh - sạch - sáng
Return to top