Quảng Thọ lắp đặt 13 camera ở các cổng chào, ngã tư các tỉnh lộ, điểm xung yếu hay ngập lụt qua địa bàn xã
Từ “xã thông minh”
Ông Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ (Quảng Điền) cho biết, từ khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, Quảng Thọ ưu tiên mọi nguồn lực xây dựng xã NTM nâng cao. Mục tiêu của địa phương hướng đến nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trong đó, xã đã bắt tay xây dựng mô hình “xã thông minh” với mục tiêu hoàn thiện chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn trật tự ở nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất nông nghiệp (SXNN), phát triển nông nghiệp công nghệ cao; tăng giá trị nông sản và giao dịch trên internet.
Thời gian vừa qua, Quảng Thọ đã phối hợp với Sở TT&TT, HTX Nông nghiệp số, Trung tâm CNTT, Trung tâm Điều hành giám sát đô thị thông minh tỉnh từng bước nâng cấp hệ thống hạ tầng CNTT cấp xã. Theo đó, đã trang cấp 2 bộ máy vi tính, 6 màn hình hiển thị và 1 màn hình hiển thị 65 inch phục vụ quan sát, theo dõi qua hệ thông camera đã được lắp đặt; nâng cấp đường truyền internet phục vụ hoạt động phòng điều hành xã thông minh và phục vụ truyền tải hình ảnh camera từ xã lên IOC Huế. Địa phương còn lắp đặt 13 camera ở các cổng chào, ngã tư các tỉnh lộ, điểm xung yếu hay ngập lụt qua địa bàn xã nhằm đảm bảo an ninh trật tự; lắp 9 điểm wifi công cộng trên địa bàn và tiến hành ký kết hợp đồng với ViettelPlay triển khai tuyên truyền về thanh toán không dùng tiền mặt cho người dân, mở tài khoản tín dụng cho người dân có nhu cầu.
Ngoài ra, xã triển khai hệ thống thông tin phục vụ chính quyền số, xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ cho xã hội số, mô hình HTX số và từng bước triển khai một số dịch vụ cho kinh tế số nhằm quảng bá cảnh quan của xã bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tại ảo tăng cường); tích hợp trên trang thông tin tổng hợp xã thông minh tại địa chỉ: http://quangtho.huecit.com.
Ông Hoàng Công Phong khẳng định, thời gian qua, UBND xã triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ nhằm tăng cường ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, trong đời sống sản xuất của người dân và đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc triển khai mô hình xã thông minh với mục tiêu phát huy cao hơn nữa những giá trị của giai đoạn đầu phát triển dịch vụ đô thị thông minh là điều vô cùng cần thiết, bước tìm hiểu mô hình mới, cho giai đoạn mới theo nhận thức mới. Địa phương kiến nghị cấp trên quan tâm bổ sung nguồn lực 1 biên chế chuyên trách phục vụ vận hành, duy trì và cập nhật hệ thống điều hành thông minh, làm việc tại phòng điều hành xã. Triển khai lắp đặt và đưa vào hoạt động trạm quan trắc nước và không khí trên địa bàn xã nhằm phục vụ SXNN cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Đến huyện nông thôn mới
Sau 10 năm thực hiện xây dựng NTM đến nay, Quảng Điền có 10/10 xã đạt chuẩn NTM, huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM. Bộ mặt nông thôn đã được đổi mới với kết cấu hạ tầng đồng bộ. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện ước đạt 37 triệu đồng/người/năm, cao hơn khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình 25 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 10,11% so với khi bắt đầu triển khai thực hiện chương trình; số tiêu chí bình quân toàn huyện tăng 12,9 tiêu chí/xã so với khi triển khai thực hiện chương trình.
Trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất mới, hiệu quả cao, ngày càng được nhân rộng như mô hình sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP; mô hình ươm, nuôi cá chình thương phẩm; mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn sinh học... Trong 2 năm 2019, 2020, huyện đã triển khai thực hiện 17 chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản, chăn nuôi, từng bước khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của huyện.
Một trong những điểm nhấn của huyện NTM Quảng Điền là đầu tư kết cấu hạ tầng. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí vốn để xây dựng, nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Tổng chiều dài đường giao thông của các xã trên địa bàn huyện là 715,377km.
Giai đoạn 2010-2020 kết hợp nhiều nguồn vốn khác nhau, với tổng kinh phí thực hiện là gần 885 tỷ đồng, các xã trên địa bàn huyện đã đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp 369km đường giao thông các loại, cấp kỹ thuật đường đạt chuẩn theo quy định và phù hợp với quy hoạch được duyệt. Đến nay, hệ thống giao thông trên địa bàn các xã cơ bản đã được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo kết nối giữa các địa phương trong huyện phục vụ cho phát triển kinh tế.
Ông Lê Ngọc Bảo, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền khẳng định, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM là tiền đề để hướng tới xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, là điều kiện thuận lợi cho các địa phương phát triển bền vững, tạo sự đồng đều giữa các xã trong huyện.
Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân là nội dung cốt lõi trong xây dựng NTM hiện nay. Huyện đang triển khai giải pháp như đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành nông - lâm nghiệp - thủy sản, tiếp tục cơ cấu lại và hiện đại hóa ngành nông nghiệp theo hướng phát triển vùng, hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nhằm tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Đồng thời, tranh thủ tối đa nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn từ các chương trình, dự án, các thành phần kinh tế, vốn trong dân, để đầu tư kết cấu hạ tầng và đầu tư trực tiếp vào sản xuất, trong đó ưu tiên đầu tư cho các dự án phát triển giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; hạ tầng nuôi trồng thủy sản tập trung, công trình thủy lợi đầu mối, thủy lợi gắn với giao thông nội đồng tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Kết quả huy động nguồn lực từ năm 2010 đến nay trên toàn huyện Quảng Điền đạt hơn 4.661 tỷ đồng, trong đó vốn trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM là hơn 1.175 tỷ đồng (chiếm hơn 25%).
Bài, ảnh: Hà Nguyên