Đường về Quảng Thọ khang trang
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất anh hùng Quảng Thọ đến nay ngót ngét 70 tuổi, ông Nguyễn Sinh ở thôn La Vân Thượng cảm nhận được niềm vui trong sự đổi mới của địa phương. Những năm gần đây, đời sống của người dân đổi thay rất nhiều. Con em được ăn học đến nơi đến chốn, nhiều em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng... Những con đường bê tông vừa xây mới còn nồng mùi xi măng được trồng cây xanh tươm tất. Hầu hết nhà dân được xây kiên cố, thấp thoáng những ngôi nhà hai, ba tầng. Hệ thống điện thắp sáng, nước sạch vào tận từng nhà.
Khi đời sống ổn định, người dân Quảng Thọ sẵn sàng hiến đất, hiến cây và tham gia ngày công xây dựng các công trình. Hệ thống giao thông, giao thông nội đồng, đê bao, thủy lợi trên địa bàn đến nay cơ bản hoàn thiện. Điều kiện đi lại, thủy lợi thuận tiện, là động lực tổ chức sản xuất “cánh đồng mẫu lúa” với hơn 60 ha; trồng rau má an toàn tập trungvới diện tích hơn 50 ha phục vụ chế biến trà rau má và các loại rau sạch, ớt, cà…; hàng trăm lồng nuôi cá trên sông Bồ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hầu hết các mô hình đều cho thu nhập bình quân từ trên 100-250 triệu đồng/năm/ha.
Theo ông Trần Kìm, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, dù còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy Quảng Thọ phát triển bền vững, song với những đổi thay rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực, việc đạt chuẩn NTM đang ở trong tầm tay. Một trong những tiêu chí mà chúng tôi trăn trở nhất là thu nhập đến nay đã đạt được, bình quân đầu người năm 2018 ước trên 27 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã đến cuối năm nay sẽ còn dưới 5%, chủ yếu là các hộ già neo đơn, tàn tật.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong cởi mở: Người dân là chủ thể, hưởng lợi trong xây dựng NTM nên các vấn đề liên quan đến tài chính, huy động nhân lực xây dựng các công trình đều được xã tiến hành một cách công khai, minh bạch, dân chủ để người dân tham gia, giám sát. Bà con tự nguyện hiến hàng nghìn m2 đất để phục vụ xây dựng bê tông hóa đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, tạo điều kiện thuận lợi đi lại, sản xuất, vận chuyển nông sản. Nhân dân còn đóng góp tiền công xây dựng cổng vào các thôn và nhà văn hóa cộng đồng. Đến nay 100% đường trục chính (trung tâm xã), trên 86,2% đường giao thông nội thôn, 96,6% đường nội đồng đã được nâng cấp, thảm nhựa và bê tông hóa.
Theo ông Hoàng Công Phong, để nâng cao thu nhập, đời sống người dân, cùng với kết cấu hạ tầng không có con đường nào khác ngoài phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội. Các cấp, ngành tổ chức vận động, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các hộ gia đình mua máy cày đất, thu hoạch nông sản nhằm giảm chi phí đầu tư trong khâu sản xuất và thu hoạch...
Quảng Thọ hướng đến phát triển chăn nuôi theo mô hình tập trung, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đàn lợn và gia cầm, nuôi cá lồng trên sông Bồ với các loại có giá trị kinh tế như diêu hồng, trắm cỏ, chình... Mô hình trồng rau má theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng hoa chất lượng cao, mô hình trồng nưa… mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, Quảng Thọ đã có 17/19 tiêu chí đạt chuẩn; 2 tiêu chí chưa đạt, đang được xây dựng là trường học và văn hóa. Đảng ủy, chính quyền địa phương đã phân công cán bộ, từng bộ phận phụ trách bám sát cơ sở, tiếp tục vận động Nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn cùng chung tay xây dựng các tiêu chí đảm bảo hoàn thành vào cuối năm nay. |
Bài, ảnh: HOÀNG THẾ