Trang trại gà ở Phong Xuân (Phong Điền) mang lại thu nhập 100 triệu đồng/năm
Ông Đinh Văn Sơn ở xã Lộc Tiến (Phú Lộc) chia sẻ: Cách đây 5 năm, được Hội Nông dân (HND) xã tín chấp cho vay 30 triệu đồng từ QHTND, cộng thêm nguồn vốn tự có, vợ chồng tôi đầu tư gia trại chăn nuôi nhím 34 con, cầy hương 35 con. Sau một năm, các loại vật nuôi cho thu nhập 120 triệu đồng. Từ nguồn thu này, tôi mở rộng quy mô trang trại, nuôi thêm lợn rừng, 35 con dê, 40 con bò sinh sản và trồng măng tây. Từ năm 2012 đến nay, mỗi năm gia đình tôi thu nhập từ 180-200 triệu đồng, lãi ròng 80 triệu đồng. Tôi còn giúp bà con địa phương trồng măng tây nhằm tăng thu nhập; tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với thu nhập mỗi tháng 4,5 triệu đồng/người.
Tương tự, ông Phan Gia Hiền ở thị trấn Sịa (Quảng Điền), 7-8 năm về trước, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Nuôi trồng thủy sản thua lỗ triền miên. Trong lúc khó khăn, được HND xã tín chấp cho vay 5 triệu đồng từ nguồn QHTND, vợ chồng ông Hiều quyết định mua 3 con lợn giống về nuôi. Chưa đầy 9 tháng sau, lợn sinh sản lứa đầu tiên được 36 con giống, ông đưa hết vào nuôi thương phẩm… Lứa lợn thịt nuôi đầu tiên lãi ròng 25 triệu đồng. Vợ chồng ông Hiền bàn bạc, xin làm thủ tục vay thêm 10 triệu đồng từ QHTND và mượn thêm người dân 30 triệu đồng, mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn thịt và đầu tư mua máy xay xát lúa gạo. Có vốn, ngoài chăn nuôi lợn, gà, ông Hiền nuôi thêm cá trắm, chép, mè, chim với diện tích 3.000m2; tính cả nuôi lợn, cá và dịch vụ xay xát lúa gạo, mỗi năm thu lãi gần 100 triệu đồng.
Ông Lê Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sịa đánh giá cao hiệu quả QHTND mang lại. Ngoài nguồn quỹ của tỉnh, huyện, QHTND xã huy động được đến nay trên 100 triệu đồng, đã giải ngân quay vòng cho hàng trăm hộ vay, bình quân mỗi hộ khoảng 10-20 triệu đồng.
Với hình thức cho vay quay vòng, đến nay HND tỉnh đã giải ngân cho gần 1.000 lượt hộ vay với tổng vốn 11 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ được vay khoảng 25 triệu đồng, lãi suất 0,7%/năm, hạn vay 2 năm. Sắp đến, HND tỉnh sẽ xem xét, giải quyết và đề xuất nâng mức cho vay, hạn vay dài hơn và lãi suất hợp lý.
|
Nhiều nông dân đã lựa chọn mô hình trang trại, gia trại chăn nuôi bò, lợn, gà… kết hợp trồng hoa màu, dưa hấu, ớt, khoai lang... từ nguồn vốn vay QHTND. Ông Hồ Viết Cường ở Quảng Thái (Quảng Điền), lần đầu tiên được vay 20 triệu đồng từ QHTND vào năm 2015. Theo ông Cường, trong khi giá cả, chi phí đầu tư con giống hiện nay tăng cao, chi phí xây dựng chuồng trại khá lớn nên mức cho vay từ nguồn QHTND cần nâng lên gấp đôi, gấp ba lần so với trước đây mới có thể phát huy hiệu quả.
Ông Đinh Văn Sơn đề xuất cụ thể hơn: “Mức cho vay cần nâng lên từ 50-100 triệu đồng, mới đảm bảo yêu cầu sản xuất quy mô gia trại. Nguồn vốn vay này, người dân xây chuồng trại quy mô 30 con lợn, vài trăm con gà trở lên, có điều kiện mua con giống, thức ăn trong quá trình sản xuất. Cùng với nâng mức cho vay, HND các cấp xem xét giảm lãi suất và gia hạn cho vay dài hơn từ 3-5 năm, thay vì chỉ 2 năm như hiện nay”.
Ông Trần Văn Lập, Phó Chủ tịch Thường trực HND tỉnh cho biết, đến nay, QHTND toàn tỉnh huy động trên 11 tỷ đồng (do ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và hội viên nông dân đóng góp). Từ nguồn QHTND, HND các cấp đã tuyên truyền, vận động người dân tiếp cận, vay vốn nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, với nguồn vốn có hạn, hộ nông dân khó khăn còn nhiều, nên việc nâng mức cho vay là không dễ. Vậy nên, chủ trương của HND tỉnh là cho vay để tạo cú hích cho nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế”.
Bài, ảnh: HOÀNG THẾ