ClockThứ Bảy, 03/08/2019 11:34

Rau màu Quảng Điền thiệt hại nặng vì khô hạn

TTH.VN - Nắng nóng kéo dài, đồng ruộng khô nước khiến nhiều diện tích rau màu trên địa bàn huyện Quảng Điền bị khô hạn gây thiệt hại nặng.

Rau má Quảng Thọ đang chết dần vì khô hạn

Chị Nguyễn Thị Hường ở thôn La Vân Thượng, xã Quảng Thọ đứng ngồi không yên trước 5 sào rau má của mình bị khô hạn, không có nguồn nước tưới. Hầu hết những con kênh cạnh khu vực trồng rau má của gia đình chị Hường và nhiều hộ dân đều bị khô kiệt nước từ nhiều ngày nay. Hợp tác xã, người dân đã cố gắng nạo vét kênh mương, ao hồ tạo nguồn nước tưới, tiết kiệm nước nhưng cũng chỉ cầm cự trong một thời gian ngắn, giờ thì “lực bất tòng tâm”.

Chị Hường xót xa: “5 sào rau má là “nguồn sống” của gia đình từ nhiều năm nay. Từ đầu năm, gia đình đầu tư công sức, tiền của để cải tạo vườn, trồng mới lại rau, bón phân, tưới nước, ước chi phí 40 triệu đồng. Những tháng đầu năm thu tỉa bán, bình thường đạt 2,5 tạ/sào/lứa, nhưng vài tháng nay do hạn, năng suất thấp chỉ còn 1,2 tạ/sào/lứa. Nếu như không gặp hạn thì chỉ cần vài tháng nữa có thể hoàn vốn. Bây giờ (tính đến 3/8) hầu hết diện tích đã bị khô hạn, một số chết, số còn lại vàng lá và sẽ chết nếu như thời gian đến không có mưa lớn”.

Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Hoàng Công Phong cho biết, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng không thể cứu nổi rau màu trước thời tiết nắng hạn quá gay gắt và kéo dài từ đầu năm đến nay. Địa phương đã yêu cầu các hợp tác xã, nông dân nạo vét kênh mương, ao hồ để tạo nguồn nước tưới; tuy nhiên nguồn nước tại chỗ chỉ phục vụ cho trồng rau và lúa hè thu trong điều kiện mức độ, thời gian nắng hạn vừa phải, quá trình sản xuất có mưa lớn. Tính đến ngày 3/8, trên địa bàn xã Quảng Thọ có đến 30ha/50ha rau má toàn xã bị vàng lá có nguy cơ chết, không thể thu hoạch bán, một số diện tích đã chết khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Đối với những cây rau màu khác, mặc dù người dân Quảng Thọ đã dùng nhiều biện pháp, như kéo nối dây điện, sử dụng hệ thống phun nước tự động nhưng do thiếu nước dẫn đến nặng suất, sản lượng giảm rất lớn. Các loại rau màu giảm sản lượng, chỉ còn một nửa so với nhiều năm trước. Nhiều diện tích rau màu, hoa cúc, hoa thọ đến ngày 3/8 hầu như bị mất trắng gây thiệt hại lớn về kinh tế của người dân.

Tại xã Quảng Lợi, nhiều diện tích cây ăn quả cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự do khô hạn nặng. Đến ngày 3/8 trên địa bàn xã có hơn 1ha mướp đắng, dưa hấu bị chết. Những tháng trước đó do nắng hạn, cây mướp, dưa hấu không thể phát triển, tỷ lệ ra hoa, kết trái rất thấp nên sản lượng chẳng được là bao.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Lợi, ông Phan Đăng Bảo cho rằng, nhiều năm trước thì đây là vụ mướp đắng, dưa hấu thành công, người dân lãi lớn nhờ năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Năm nay, cả mướp đắng, dưa hấu đều cho trái còm cõi vì thiếu nước trầm trọng. Riêng trong một tuần nay, hầu hết diện tích đồng ruộng cao, nằm trong vùng không chủ động được nguồn nước đều bị chết, mất trắng hoàn toàn.

Cây nưa héo rũ, nguy cơ chết nếu không có mưa sớm

Vụ hè thu 2019, toàn huyện Quảng Điền gieo cấy khoảng 5.500 ha lúa và hoa màu, cây trồng ngắn ngày; trong đó, diện tích hoa màu, cây củ, quả ngắn ngày gần 1.300 ha, các loại cây chủ lực chủ yếu là rau má, mướp đắng, cải, xà lách, nưa, môn… Trong điều kiện thời tiết bình thường, năng suất rau đạt khá, bình quân mỗi ha cây trồng ngắn ngày cho thu nhập trên dưới 100 triệu đồng/ha, riêng năm nay năng suất, thu nhập có thể giảm gần một nửa do thời tiết khắc nghiệt…

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Nguyễn Ngọc Tiến thông tin, từ nhiều năm trở lại đây chưa năm nào thời tiết nắng hạn lại gay gắt và kéo dài như năm nay. Ngay từ đầu năm đã xuất hiện nắng nóng, cao điểm là từ đầu mùa vụ hè thu đến nay, hầu như ngày nào nhiệt độ cũng dao động ở mức cao khiến nguồn nước tại các ao hồ, kênh mương giảm rất nhanh. Thêm vào đó, các đồng ruộng khô nước cần phải tưới liên tục khiến nguồn nước các ao hồ trên địa bàn huyện sớm khô kiệt. Đỉnh điểm là trong vòng 10 ngày trở lại đây, hàng trăm ha rau màu trên địa bàn huyện bị vàng lá, không thể bán được, trong đó nhiều diện tích đã bị chết, gây thiệt hại hoàn toàn.

Trong điều kiện thời tiết, nguồn nước như hiện nay, không còn cách nào khác, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương huy động Nhân dân tiếp tục nạo vét kênh mương, ao hồ, tạo nguồn nước phục tưới với phương châm “còn nước còn tát” để cứu lấy rau màu trong điều kiện, khả năng có thể. Tuy nhiên nếu trong một tuần tới mà không có mưa lớn tạo nguồn nước cho ao hồ, thủy lợi thì trên địa bàn huyện Quảng Điền có đến cả ngàn ha rau màu bị khô hạn, mất năng suất, nhiều diện tích có khả năng mất trắng.

Bài, ảnh: Triều Cường

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến

Quảng Điền là vùng thấp trũng, hàng năm thường chịu ảnh hưởng của thiên tai. Để giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra, liên tục những ngày qua, lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn đã trực tiếp về tận cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.

Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến
Anh Ngữ vượt khó thành công

Dù gặp khó do thị lực yếu, nhưng anh Nguyễn Văn Ngữ (xã Hương Phong, TP. Huế) vẫn tạo lập nên cơ ngơi khang trang nhờ hướng đi mới, đó là sản xuất các loại phân hữu cơ cung ứng cho thị trường.

Anh Ngữ vượt khó thành công
Quảng Điền: Khi lãnh đạo về với cơ sở

Bám sát thực tế, tăng cường làm việc với các chi bộ ở cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cán bộ, đảng viên và người dân để tập trung lãnh, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn... là việc làm thường xuyên của đội ngũ lãnh đạo chủ chốt huyện Quảng Điền.

Quảng Điền Khi lãnh đạo về với cơ sở
Truyền lửa cho lớp trẻ

Với nhiều hoạt động bồi dưỡng tình yêu nước cho các em học sinh, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền là điểm sáng trong giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Truyền lửa cho lớp trẻ
“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân

Ngoài mảnh đất Niêm Phò - nơi lưu giữ những những ký ức về tuổi thơ thì mảnh đất Nam Dương thuộc xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền là một phần không thể thiếu trong những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết của chàng thanh niên Nguyễn Vịnh. Và chính tại làng quê này, anh đã gặp và thầm cảm mến cô gái dịu hiền, thùy mị với đôi mắt đen thông minh có tên là Nguyễn Thị Cúc - người sau này đã trở thành người vợ thủy chung, “hậu phương” vững chắc cùng gắn bó bên nhau qua mọi gian khó, thăng trầm với người chồng của mình - Nguyễn Vịnh (sau này Đại tướng Nguyễn Chí Thanh).

“Hậu phương” vững chắc của vị đại tướng nông dân
Return to top