ClockThứ Hai, 07/09/2015 07:10

Sản xuất cây giống giá trị cao

TTH - Trước xu thế tăng giá trị sản xuất cho cây trồng, Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty LN Tiền Phong) đã nghiên cứu và sản xuất ra nhiều giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô cho chất lượng, năng suất cao.

Vườn lan đại hồ điệp sẽ cho ra thị trường vào dịp Tết năm nay

Chủ động nguồn giống

Năm 2012, sau khi nghiên cứu thành công và đưa vào trồng khoảng 650 ha keo từ giống nuôi cấy mô, Công ty LN Tiền Phong tiếp tục những nghiên cứu mới để sản xuất ra những giống cây như chuối, gừng và lan bằng phương pháp nuôi cấy mô. Chị Lê Thị Thúy Nga, cán bộ phụ trách ươm trồng Đội Thiên An - Công ty LN Tiền Phong cho biết, để đáp ứng yêu cầu mới, thời gian qua, kết hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, đơn vị đã đầu tư về nguồn nhân lực, thiết bị, nhà xưởng để chuyển sang sản xuất cây nông nghiệp giá trị cao.
Từ đầu năm 2015, công ty bắt đầu đưa vào nuôi cấy mô giống lan chất lượng cao, trong đó chủ yếu là 2 giống lan đại hồ điệp và đen-rô. Những năm qua, dù nghề trồng lan trên địa bàn phát triển nhanh, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu về giống. Hoa lan phục vụ cho thị trường trong tỉnh phần lớn phải nhập từ các tỉnh phía Bắc, Nam hoặc từ nước ngoài với giá cao. Nhiều người dân ở những vùng không chuyên sản xuất muốn trồng để kinh doanh nhưng do số lượng ít, không chủ động về giống, nên vừa khó khăn đầu vào lẫn đầu ra. Điển hình ở các vùng chuyên trồng hoa như Phú Mậu, Phú Thượng (Phú Vang), Thủy Vân, Thủy Thanh (Hương Thủy)…, ngoài trồng cúc, bà con đã trồng thêm lan để làm phong phú thêm sản phẩm hoa tươi vào dịp tết và tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy nhiên, do giống khan hiếm, giá còn khá cao nên lợi nhuận vẫn chưa vượt trội.
Với mong muốn miền Trung có được giống lan chất lượng cao, có nguồn gốc, Công ty LN Tiền Phong đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sản xuất 2 giống lan được ưa chuộng, phù hợp. Dự kiến đến cuối năm 2015, đơn vị sẽ cho ra 5.000 cây con giống lan đại hồ điệp và 6.000 cây trường thành trồng tại vườn ươm để phục vụ thị trường dịp tết năm nay. Đối với lan đen-rô số lượng sản xuất cũng tương tự.
Kỹ sư Ngô Hoàng Hải, phụ trách chăm sóc vườn lan cho biết, mỗi loài có đặc điểm khác nhau, khác với lan đen-rô, lan đại hồ điệp đòi hỏi điều kiện khắt khe hơn, nhiệt độ lúc nào cũng đảm bảo từ 15- 180C cây mới cho ra hoa đẹp. Vì thế, công ty đã đầu tư 1,7 tỷ đồng để xây dựng nhà lưới nuôi trồng lan đại hồ điệp. Để sản xuất ra được một cây lan đại hồ điệp thành phẩm rất công phu và đòi hỏi thời gian dài. Tính từ khi vào mẫu đến khi ra cây con phải mất hơn 1 năm và từ nhà nuôi cấy mô ra đến vườn ươm phải mất thêm 2 năm nữa, còn lan đen-rô mất hơn 1 năm từ nhà mô ra đến vườn ươm. Chính vì sự chênh lệch về thời gian, kỹ thuật chăm sóc công phu, tốn kém, nên giá thành cũng khác rõ. Giá đại hồ điệp từ 100- 120 nghìn đồng/cây, còn giá đen-rô từ 40- 60 nghìn đồng/cây.
Hiệu quả chưa được nhân rộng

Nuôi cấy mô trong phòng trước khi đưa ra vườn ươm

 
Không chỉ đầu tư sản xuất một số giống lan chất lượng cao từ phương pháp nuôi cấy mô, Công ty LN Tiền Phong còn chú trọng nghiên cứu và sản xuất giống chuối, gừng để cung ứng cho người dân. Xưa nay, hai giống cây này được xem là cây trồng truyền thống và chủ lực để cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến món ăn đặc sản ở địa phương, đem lại nguồn thu nhập khá cho người trồng. Theo tính toán, nghề trồng keo cho hiệu quả cao rồi, nhưng nếu so sánh cùng trồng trên 1ha, chắc chắn cây chuối hay gừng sẽ cho giá trị cao hơn và thu hồi vốn nhanh. Cụ thể, cứ 1ha chuối, bình quân 1 năm thu hoạch đạt doanh thu từ 400 đến 500 triệu đồng, trong khi đó 1ha keo trong 5 năm trồng cho doanh thu khoảng 120 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào sản lượng tại địa phương cũng ổn định và đúng thời vụ. Do đó, tình trạng được mùa mất giá hay được giá lại mất mùa đã giảm hiệu quả sản xuất của người dân.
Tìm hiểu và khảo sát nhu cầu thực tế, thời gian qua, đơn vị đã đưa ra thị trường một số giống chuối từ nuôi cấy mô như: tiêu hồng, thanh tiên, mốc, ba lùn… nhưng số lượng vẫn còn khiêm tốn. Riêng cây gừng, do nhu cầu người dân còn ít vì tính toán chênh lệch về giá thành nên đơn vị mới xuất quy mô nhỏ. Năm 2014, sản xuất được 10 nghìn cây con nhưng vẫn còn nằm trong phòng nuôi cấy mô là chủ yếu. Đơn vị mong muốn phối hợp với đơn vị khuyến nông để thực hiện mô hình trình diễn. Qua đó sẽ dần dần khẳng định chất lượng, hiệu quả cây giống, giúp người dân thấy được giá trị để đầu tư ứng dụng giống chất lượng trồng tập trung thành vùng nguyên liệu lớn.
Theo Công ty LN Tiền Phong, để sản xuất cây công nghệ sinh học phải đầu tư nghiên cứu và đòi hỏi kinh phí khá lớn, từ giống, nhân công, vật tư, hóa chất, điện nước... Tuy nhiên, lợi ích về lâu dài sẽ góp phần đa dạng hóa loại giống, giúp chủ động nguồn giống và cho chất lượng tốt hơn. Vì thế, đơn vị sẽ sớm hoàn thiện quy trình, ứng dụng kỹ thuật cao để sản xuất nhiều giống cây nông nghiệp chất lượng và có đủ số lượng cung ứng cho bà con nông dân, từng bước nâng cao giá trị kinh tế và đáp ứng mục tiêu sản xuất bền vững.
Bài, ảnh: Hoài Thương
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di dời lồng cá trên sông Bồ

121 lồng cá trắm cỏ của 38 hộ dân thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú (Quảng Điền) đang nuôi trên sông Bồ buộc phải di dời đến nơi khác và giảm lồng nuôi để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt. Đây là quyết định của UBND huyện Quảng Điền cũng như theo phân tích của các sở, ngành liên quan, nhằm bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho người dân vùng phụ cận.

Di dời lồng cá trên sông Bồ

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Cây hoa ban Tây Bắc
Return to top