Thành viên hội đồng thẩm định kết quả của DA chiều 17/12
DA do Trường đại học Nông lâm, Đại học Huế chủ trì và PGS.TS Đỗ Minh Cường chủ nhiệm triển khai thực hiện từ tháng 11/2020 đến tháng 9/2022 với kinh phí hơn 850 triệu đồng; trong đó ngân sách KHCN là 830 triệu đồng.
DA đã tiến hành điều tra tình hình canh tác vùng sản xuất cây lúa, ớt, rau má ở Quảng Phú, Quảng Thọ (Quảng Điền) và Vinh Xuân (Phú Vang) với 120 hộ gia đình tham gia.
Trên cơ sở đó, DA tiến hành nghiên cứu chế tạo 4 thiết bị sản xuất TSH theo mẻ, năng suất 50kg rơm/mẻ (100kg trấu/mẻ); đồng thời xây dựng 4 mô hình sản xuất ứng dụng TSH tại: xã Quảng Phú (trồng lúa với 1000m2 và cây lạc 500m2); xã Quảng Thọ (trồng rau má với 500m2) và xã Vinh Xuân (trồng cây ớt với 500m2 ).
Bên cạnh đó DA tiến hành đào tạo các kỹ thuật viên cơ sở, tập huấn kỹ thuật và triển khai hội nghị đầu bờ để người dân tiếp cận, nắm bắt thông tin về sản xuất và ứng dụng TSH trong canh tác cây trồng.
DA sẽ tận thu rơm rạ sau mỗi vụ thu hoạch để làm TSH phục vụ cây trồng ở địa phương
Kết quả DA cho thấy, hiệu quả về kinh tế khi thực hiện các mô hình, nhất là sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm (rơm, trấu), ít gây ô nhiễm môi trường khi ứng dụng công nghệ, thiết bị sản xuất TSH sử dụng để cải tạo đất trồng, đẩy mạnh việc tận dụng phụ phẩm từ cây lúa... Hơn nữa, TSH sử dụng để cải tạo đất trồng và cũng là hình thức cố định cacbon trong đất (trên 40 năm) giảm thiểu phát thải khí nhà kính...
Tại hội nghị nghiệm thu, các thành viên hội đồng đánh giá cao hiệu quả của DA có khả năng nhân rộng, thương mại hóa ở thị trường về thiết bị nhiệt phân và sản phẩm TSH để sản xuất từ cây lúa, ớt, cây đậu-những phụ phẩm cây trồng hiện nay không riêng ở Thừa Thiên Huế chiếm tỷ lệ lớn nhưng sau mỗi vụ mùa chỉ đốt bỏ, lãng phí.
Tin, ảnh: MINH THƯƠNG