ClockThứ Năm, 02/08/2012 03:18

Sinh kế bền vững cho đồng bào miền núi

TTH - Vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi (MN) chiếm 2/3 tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, chủ yếu là rừng và đất lâm nghiệp. Trong lúc đó, cư dân nơi đây chỉ chiếm khoảng 10% dân số toàn tỉnh (đồng bào DTTS chiếm khoảng hơn 5%), tuyệt đại đa số hoạt động sản xuất (SX) nông nghiệp, lấy đất đai làm tư liệu SX chủ yếu.

Nguy cơ tái nghèo cao

Liên tục 15 năm gần đây, Đảng và Nhà nước thông qua nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tập trung đầu tư mạnh và đã tạo được sự chuyển biến hết sức mạnh mẽ, thay đổi diện mạo nông thôn MN ngày càng khởi sắc. Điều nghịch lý là, dân rất ít, đất rất nhiều, song đây vẫn là vùng khó khăn và nghèo nhất tỉnh. Hộ nghèo toàn tỉnh có 11,16% thì MN có 18,9%, vùng DTTS có 28,57%. Hộ cận nghèo toàn tỉnh có 6,83% thì vùng DTTS có 14,72%. Tất cả 18 xã có tỷ lệ hộ nghèo >25% đều thuộc vùng DTTS &MN. Số liệu thống kê hằng năm cho thấy, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở vùng này rất cao.

Mây tre đang là nguồn thu nhập chính của người dân miền núi. Ảnh: Hoài Thương

Đại đa số là những hộ không có hoặc thiếu đất trồng cây công nghiệp dài ngày hay trồng rừng kinh tế; vì vậy, họ không có cơ hội tạo thu nhập tiềm năng. Trong bối cảnh quỹ đất trồng cây công nghiệp dài ngày và trồng rừng kinh tế ngày càng hạn hẹp, yêu cầu đặt ra là, phải tập trung bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên (RTN) hiện còn. Vậy làm thế nào giải bài toán đất SX để trồng các loại cây khác hay chăn nuôi nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững cho cư dân MN, nhất là đồng bào DTTS?

Thử nhìn một lát cắt diễn biến rừng dưới tác động của xã hội từ khu dân cư lên đến rừng sâu giáp biên giới nước bạn hoặc ranh giới tỉnh bạn, chúng ta dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường: bắt đầu là khu dân cư, tiếp theo là các vùng đất SX, đồi trọc rừng trồng, tiếp đến là đất trống còn mang tính chất đất rừng (thuật ngữ lâm nghiệp gọi là đất Ic), tiếp đến nữa là RTN nghèo kiệt hoặc rừng phục hồi, rừng trung bình và rừng giàu ngày càng lùi sâu, rất xa các khu dân cư. Thực trạng RTN ngày càng có xu hướng sút giảm chất lượng và tính đa dạng sinh học. Vậy, làm thế nào để ngăn chặn tình trạng trên, bảo đảm diện tích RTN nghèo kiệt sẽ dần dần phục hồi; trong bối cảnh, đồng bào MN thiếu đất SX?

Cần “chìa khóa” chính sách

Nhìn rộng ra cả miền Trung, đất SX nông nghiệp ít, manh mún; rừng lại có vai trò rất to lớn trong việc bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đất nông nghiệp có nguy cơ ngày càng bị thu hẹp do công nghiệp hoá và đô thị hoá, việc giải quyết đất cho đồng bào bằng cách sử dụng RTN nghèo kiệt để SX nông lâm kết hợp mà vẫn giữ được rừng là một hướng đi cần đặc biệt quan tâm xem xét. Như đã phân tích, RTN nghèo kiệt và rừng phục hồi thường phân bổ gần các khu dân cư của đồng bào MN, nên phát triển đất SX theo hướng này vừa bảo đảm tính bền vững, vừa có tính khả dụng.

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Hương Nguyên ươm mây nước để trồng. Ảnh: Võ Văn Dự

Theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh thời kỳ 2009 -2020, diện tích RTN nghèo và phục hồi toàn tỉnh quy hoạch cho rừng phòng hộ và SX là 87.254 ha. Nếu chỉ sử dụng 1/3 diện tích đất dưới tán rừng cho SX nông lâm nghiệp vẫn là một con số có ý nghĩa rất lớn, trong bối cảnh đất nông nghiệp tỉnh ta chỉ khoảng gần 60.000 ha.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án giao rừng, cho thuê rừng của tỉnh thời kỳ 2010 -2014; theo đó, từ nay đến năm 2014, 33.513ha RTN, với đa số là rừng nghèo kiệt do UBND xã sở tại tạm quản lý sẽ được tiến hành giao cho đối tượng chính là các cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sinh sống tại địa phương. Việc thực hiện tốt đề án này sẽ là cơ sở tiền đề để hiện thực hoá ý tưởng nói trên.

Vấn đề đặt ra, động lực nào để người dân được giao RTN nghèo kiệt yên tâm khoanh nuôi và bảo vệ? Chính sách hưởng lợi hiện hành theo Quyết định 178/QĐ –TTg ngày 12/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ cho phép người dân nhận RTN nghèo kiệt thuộc quy hoạch là rừng SX hưởng lợi đến 100% sản phẩm gỗ; song để có sản phẩm khai thác, chí ít cũng mất 30 năm. Người dân sẽ lấy gì để sinh sống và làm nhiệm vụ bảo vệ rừng? Cũng theo chính sách hưởng lợi nói trên, người dân được quyền trồng xen các loại cây nông nghiệp, cây dược liệu, chăn thả gia súc và khai thác các lợi ích khác của rừng phù hợp với quy chế quản lý rừng SX. Đây chính là “chìa khoá” chính sách để mở ra hướng phát triển SX mới ở nông thôn MN cần thật sự quan tâm vận dụng thực hiện. Người dân đã và đang được giao RTN; chính sách đã tạo điều kiện thực hiện; vấn đề còn lại là trách nhiệm và quyết tâm của chúng ta. Khó khăn lớn nhất của người dân khi muốn SX nông lâm nghiệp dưới tán rừng là mô hình SX nào có hiệu quả đã được kết luận để áp dụng và thị trường ở đâu.

Để khắc phục khó khăn đó, ngành nông nghiệp &PTNT tỉnh cần chú trọng phối hợp với các bên liên quan và chính quyền địa phương nghiên cứu các loại cây chịu bóng, có giá trị kinh tế và các loài gia súc, phù hợp với điều kiện thổ ngơi, đáp ứng yêu cầu của thị trường, như các loài mây song, dược liệu, heo rừng, bò…; từ đó, lập kế hoạch khuyến lâm; đầu tư xây dựng các mô hình SX, rút kinh nghiệm nhân rộng. Ở những nơi đất trống trong rừng (thường có rải rác trong rừng nghèo kiệt), tiến hành trồng rừng kinh tế hoặc trồng cây công nghiệp dài ngày.

Đối với việc trồng các loài cây chịu bóng, cần quan tâm đặc biệt đến các loài mây. Mây là cây dễ trồng với yêu cầu phải có giá thể để leo bám nên sẽ góp phần bảo vệ cây RTN. Sau 4 -5 năm trồng có thể cho sản phẩm; trồng một lần cho thu hoạch nhiều lần, nếu khai thác hợp lý. Đặc biệt, trồng mây sẽ góp phần nâng cao năng lực phòng hộ của rừng. Nhu cầu nguyên liệu mây của thị trường rất lớn, riêng mây ở tỉnh ta hằng năm chỉ đáp ứng khoảng 49% nhu cầu cho thành phố Huế và có nguy cơ ngày càng giảm sút sản lượng. Những năm gần đây, thông qua Dự án Mây bền vững của WWF Huế đã xây dựng một số mô hình về trồng mây dưới tán rừng ở Nam Đông và A Lưới. Tuy nhiên, việc xây dựng các mô hình này chỉ có tính chất hỗ trợ. Đáng lưu ý là, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và lồng ghép nguồn lực để thường xuyên theo dõi, chỉ đạo nên các mô hình này vẫn chưa đủ điều kiện để tổng kết kinh nghiệm.

Đối với chăn nuôi gia súc, ở A Lưới và một số nơi khác đã có vài mô hình nuôi heo rừng dưới tán rừng do một số hộ dân lập trang trại; cần quan tâm hỗ trợ đầu tư, theo dõi để tổng kết, rút kinh nghiệm nhân rộng; đồng thời, xây dựng thêm các mô hình đa dạng hoá vật nuôi dưới tán rừng.

Xác định được cây và con cụ thể để đầu tư SX dưới tán RTN rồi, cần quan tâm hỗ trợ người dân giải quyết nguồn lực cho đầu vào và đầu ra cho sản phẩm. Thông qua vai trò của ngành nông nghiệp &PTNT hay hội nông dân để làm đầu mối xây dựng các chuỗi liên kết dọc giữa người dân SX với các cơ sở ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm và doanh nghiệp cung cấp tín dụng (theo hình thức liên kết 4 nhà).

Việc SX dưới tán RTN là hướng làm mới, chắc chắn sẽ gặp những khó khăn, trở ngại nhất định; nhất là trong bối cảnh người nông dân MN nói chung, đồng bào DTTS nói riêng, có những hạn chế về tổ chức SX. Do vậy, cần khuyến khích mạnh mẽ việc hình thành các tổ hợp tác theo tinh thần Nghị định 51/2007/CP hoặc các hợp tác xã quy mô nhỏ (chỉ cần 7 thành viên) để giúp đỡ lẫn nhau trong SX cũng như kinh doanh, dịch vụ. Việc hình thành các tổ hợp tác, hay hợp tác xã sẽ mở ra triển vọng liên kết giữa các hộ gia đình có đất rừng với các hộ dân có vốn, có kinh nghiệm; hoặc giữa hộ người DTTS với hộ người kinh cùng hợp tác SX và phân phối lợi ích.

Đối với chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp &PTNT, ngoài việc quan tâm các nội dung trên, cần có kế hoạch hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là đường giao thông vào các khu SX theo các chương trình, dự án hiện có trên địa bàn và theo tinh thần Quyết định số 11/2011/QĐ –TTg của Thủ tướng Chính phủ (đối với các vùng rừng quy hoạch nguyên liệu mây tre) nhằm thúc đẩy nhanh việc mở rộng quy mô SX và nâng cao hiệu quả sản phẩm hàng hoá dưới tán RTN.

Để thúc đẩy mạnh mẽ việc SX các nông lâm sản dưới tán RTN, cần chủ động đề xuất Trung ương ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi cụ thể để khuyến khích nhân dân đầu tư. Trước mắt, đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 50/2010/CP nhằm bảo đảm tất cả các sản phẩm do nuôi trồng dưới tán RTN đều đương nhiên được miễn thuế tài nguyên (quy định hiện hành chỉ có các loài quế, hồi, sa nhân, thảo quả gây trồng dưới tán RTN là không thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên rừng); đồng thời đề xuất UBND tỉnh xây dựng đề án sử dụng đất dưới tán RTN nghèo kiệt và ban hành quy chế để khuyến khích sử dụng bền vững, có hiệu quả.

Đây thực sự là công việc hoàn toàn không dễ dàng. Song, nếu có quyết tâm cao và phương pháp tiếp cận đúng đắn, các ý tưởng trên có thể thực hiện được sẽ góp phần to lớn không chỉ trong việc giải quyết đất SX, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống bền vững cho đồng bào MN mà còn góp phần hết sức quan trọng trong việc bảo vệ diện tích và nâng cao chất lượng, tính đa dạng sinh học của RTN hiện còn trên địa bàn; thực hiện hài hoà, sinh động giữa bảo vệ tài nguyên và phát triển bền vững.

Võ Văn Dự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi

Nhằm hạn chế thiệt hại về gia súc trong mùa mưa rét năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã yêu cầu các địa phương chú trọng các biện pháp phòng rét cho vật nuôi.

Chủ động phòng, chống rét cho vật nuôi
Vui với nông nghiệp Quảng Điền

Kết thúc năm 2024, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Điền đã đạt được những kết quả ngoài mong đợi, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện theo hướng nông nghiệp xanh, hữu cơ.

Vui với nông nghiệp Quảng Điền
Chủ động ứng phó diễn biến xấu của thời tiết

Sáng 19/12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh gửi thông báo đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cơ quan, đoàn thể trong tỉnh; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các huyện, thị xã và TP. Huế; các chủ hồ chứa thuỷ lợi, thuỷ điện trong tỉnh chủ động các phương án ứng phó với diễn biến xấu của thời tiết.

Chủ động ứng phó diễn biến xấu của thời tiết
Trợ lực giúp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Năm 2024, trên địa bàn huyện Phú Lộc có gần 4.850 hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi. Điều này phản ánh thực tế những nỗ lực của hội viên, nông dân (HVND) trên địa bàn trong phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Trợ lực giúp nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi
Return to top