Rừng keo được trồng phổ biến ở nhiều địa phương
Những thảm họa thiên tai năm 2020 cho thấy, chức năng phòng hộ của rừng xanh đang giảm sút trông thấy. Cả nước nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng xuất hiện dồn dập các vụ lở đất, lở núi. Đáng chú ý là thực trạng ấy diễn ra ngay tại các triền đồi, quả núi trống, hoặc được bao bọc bởi cánh rừng keo, nếu có rừng phòng hộ cũng trong trạng thái suy kiệt.
Bây giờ, không khó nhận ra bạt ngàn những cánh rừng keo khắp các vùng gò đồi, có người trở thành tỉ phú, đại gia nhờ keo, có người sở hữu riêng vài ha đất đồi cũng trồng keo như là phương án dự trữ nguồn kinh tế. Việc làm ấy không sai, thậm chí phù hợp với chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc của Nhà nước.
Tại sao trồng keo có sức hút đến thế? Lý giải chẳng khó khăn gì bởi chủ trương như đã nói, chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện. Thứ nữa trồng keo rất dễ bán, sản phẩm đầu ra luôn được bao tiêu. Nhiều nhà máy chế biến gỗ đứng chân trên địa bàn, chưa kể những thương lái thu mua từ vùng lân cận khiến cây keo thu hoạch đến đâu, bán sạch đến đó. Có chăng, tùy từng thời điểm giá nhích lên, giảm xuống không đáng là bao. Vì lợi ích trước mắt, một số hộ dân nhận thấy được giá bán luôn cả keo non, bởi đối tượng thu mua không có ràng buộc gì về tuổi của keo.
Hiện nay, chu kỳ trồng keo của người dân thường kéo dài 4 năm, năng suất khoảng 60- 70 tấn/ha. Giá thị trường mỗi tấn keo đang trên dưới 1 triệu đồng. Với con số này, nếu ai sở hữu cỡ chục ha keo trở lên, trồng và thu hoạch theo phương thức gối đầu sẽ giải quyết tốt bài toán kinh tế hộ gia đình.
Tại Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020, hiện trạng đất lâm nghiệp năm 2008 có tổng diện tích 307.201,8ha, trong loại đất có rừng (282.986,4ha) thì đất rừng tự nhiên là 205.695,4ha; đất rừng trồng là 77.291ha. Song, Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 9/5/2016 của UBND tỉnh tiếp tục điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020, khi đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp 325.182,3ha, trong loại đất có rừng (293.239,8ha), diện tích đất rừng tự nhiên 205.188,4ha; diện tích đất rừng trồng 88.051,4ha. Và đến nay, toàn tỉnh có khoảng, 100.000ha rừng trồng.
Những con số ấy cho thấy, chưa bàn đến chất lượng, diện rừng trồng tăng đáng kể. Và rừng trồng ở đây là gì? Ngoài diện tích nhỏ cây cao su, chủ yếu keo tràm, loại cây giữ đất, giữ nước rất kém. Hơn nữa, phương thức trồng rừng theo kiểu ăn xổi của người dân khiến rừng khó mà ứng phó được thiên tai.
Với hiện trạng như vậy, song câu chuyện tăng chất lượng rừng trồng đang là bài toán lắm thách thức. Giải pháp từ việc trồng cây gỗ lớn hay hồi sinh rừng bằng cây bản địa xem ra lộ trình vẫn còn chậm và chưa phát huy hiệu quả. Trong 100.000ha rừng trồng, bây giờ chỉ có khoảng 9.000ha rừng gỗ lớn. Điều này một phần từ thực tiễn, do thói quen, ý thức của người trồng, muốn thay đổi liên quan đến bài toán kinh tế. Ví như, một hộ dân sở hữu vài ha đất lâm nghiệp, muốn họ chuyển sang chu kỳ trồng cây gỗ lớn đến 10 năm mới thu hoạch sẽ rất khó, trước mắt là việc đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, trồng keo tràm cũng đối diện với nhiều thách thức trong mùa gió bão, gây thiệt hại kinh tế. Còn với các loại cây bản địa có giá trị kinh tế lớn và tác dụng tích cực với môi trường không phải ai cũng đủ kiên nhẫn, nguồn lực đợi chờ hàng chục năm mới thu hoạch.
Rất nhiều cái khó, nhưng việc phát triển rừng trồng cần xem xét lại theo chiều hướng bảo vệ môi trường khi thiên tai ngày một cực đoan. Riêng trồng rừng gỗ lớn cần đảm bảo sự liên kết với doanh nghiệp vẫn đang còn rất nhiều hạn chế như hiện nay. Nghĩa là phải đầu tư, hợp tác, xây dựng chuỗi giá trị rừng trồng bài bản, đáp ứng cả nhu cầu kinh tế của người dân lẫn tác động tích cực đến môi trường, sinh thái. Và trước mắt có biện pháp kiểm soát, ràng buộc các doanh nghiệp thu mua, chế biến gỗ. Vấn đề quy hoạch 3 loại rừng cũng cần phù hợp với thực tiễn, theo đó, việc khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên, cây bản địa đóng vai trò quan trọng…
Nếu phủ xanh mà không chất lượng có khi phản tác dụng!
Bài, ảnh: Quỳnh Viên