Cứ tưởng do khác biệt giống, chất đất, nguồn nước... nhưng không phải. Lão nông Ngô Xuân Bun (thôn Châu Chữ) bảo, tui là nông dân nên tui không đề cập đến nghiên cứu nồng độ, độ đậm, chất này chất kia chi hết, vì tui không hiểu. Tui nói đơn giản, chè Truồi người ta tỉa từng lá để bán, còn chè Thủy Bằng nói chung (trong đó có cả Kim Sơn, Nguyệt Biều và Châu Chữ) thì cắt cả cành.
Vườn chè xanh của bà Nguyễn Thị Nếp (thôn Châu Chữ)
Mà, kể cả bó hay cân, bán cả lá cả cành khi mô cũng lợi cho người bán hơn là bán lá không, trong khi giá cả không xê xích với chè Truồi là mấy. Thôn Châu Chữ có 170 hộ thì đến 150 hộ trồng chè xanh, tổng diện tích khoảng 17ha, gấp khoảng 3 lần Kim Sơn, Nguyệt Biều. Một ngày, cả thôn bán cho thương lái tầm 1 tấn, riêng nhà tui trồng 3.000 gốc chè/0,5ha, mỗi năm thu nhập khoảng 35-40 triệu đồng, ông Bun cười lớn bên ấm chè xanh thoảng mùi gừng.
Ngang đây, quả thật khó để thắc mắc thêm, một phần bản thân không phải là người có chuyên môn để phân biệt chè nào ngon hơn, phần còn lại, so sánh chân chất của ông Bun không phải không có lý, và cũng như ông Bun “chốt”: “Mô không biết chớ chè Thủy Bằng không khi mô ế. Vô vụ sợ không có mà bán”.
Hỏi chuyện làm sao phân biệt được đâu là chè Truồi, đâu là chè Thủy Bằng, anh Nguyễn Văn Quốc, một nông dân có 1ha chè với 10.000 gốc ở thôn Kim Sơn xen vào góp chuyện, chè ở đây lá dày, màu đậm hơn, và đặc điểm dễ nhận dạng nhất khi ra chợ mua, như đã nói, một bó chè xanh luôn có cả lá lẫn cành. “Nấu chè xanh đập thêm miếng gừng là đúng rồi. Nhưng để thật sự đúng điệu phải có thêm miếng đường cục bên cạnh. Bất kể ngày nắng hay mưa, cứ cắn miếng đường, nhâm nhi miếng gừng rồi tu một hơi chè xanh thì… ui chao là sướng!”, anh Quốc tấm tắc.
Lại hỏi mấy bác mấy anh có biết ngày 23/11, Huế tổ chức cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới, với nhiều nghệ nhân hàng đầu đến từ những quốc gia sản xuất và tiêu thụ chè hàng đầu thế giới, như: Trung Quốc, Nga, Ukraina, Ba Lan, Hàn Quốc, Úc, Singapore, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ… không? Ngẫm nghĩ một lúc, anh Nguyễn Đức Chuẩn, Chi hội trưởng Hội nông dân Châu Chữ vỗ tay, cái ni mà kết nối được thì quá hay.
Hỏi sao hay, anh nói nếu kết nối được để giới thiệu chè xanh của Thủy Bằng và chè Truồi tại cuộc thi Nghệ nhân trà thế giới lần này thì biết đâu, sản vật địa phương được nâng tầm, được quảng bá rộng rãi. Mà một khi khẳng định được chất lượng, hợp “gu” với cả khách quốc tế thì kiểu chi đầu ra cũng đảm bảo hơn, đời sống bà con càng ổn định hơn…
Cái vỗ tay của anh Chuẩn có thể là bộc phát, bởi câu chuyện xây dựng thương hiệu, mở rộng quy mô rồi thì an toàn sản xuất, chế biến, đảm bảo đầu ra… không phải ngày một ngày hai là xong, chưa kể một bên chè tươi, một bên chè khô, nhưng dẫu sao cũng đáng để ngẫm, để suy…
Bà Nếp trồng trong vườn khoảng 1.200 gốc chè, mỗi năm thu hoạch 2 lần, đó là làm một lượt. Còn nếu theo kiểu cuốn chiếu thì có thể thu hoạch quanh năm
Gốc chè to và lâu năm nhất thôn Châu Chữ. Gốc chè này trồng từ trước năm 1975 của ông Nguyễn Ngọc Môn (85 tuổi)
Do cây lớn tuổi, người ta không thu hoạch lá chè mà chỉ dùng để làm giống. Khá nhiều vườn chè trong thôn đều lấy hạt của cây chè này về gieo
Hạt gieo trong 2 năm, nông dân bứng cây con đem trồng nơi khác và 3 năm sau đến thời kỳ khai thác
Cũng trong khoảng thời gian này, người trồng thỉnh thoảng làm cỏ, xới đất cho tơi xốp. Tuy nhiên, chỉ được xới ở khoảng cách giữa 2 cây, xới sát gốc, chè sẽ chết
Thu hoạch bằng cách bấm cả cành, sau đó phun nước để giữ chè tươi lâu, trong khoảng 3-4 ngày và chất đống chờ thương lái đến thu gom
Mỗi buổi chiều, thương lái sẽ đi từng nhà gom chè với giá 3.500 đồng/bó, sau đó đem đến nơi tập kết trước khi chuyển về chợ đầu mối Phú Hậu lúc 3h sáng.
Nhâm nhi bát chè xanh giữa ngày lao động vất vả
Hàn Đăng (thực hiện)