Cân lợn bị dịch tả lợn châu Phi trước khi đưa đi tiêu hủy tại hộ ông Trần May, tổ 7 phường Hương Sơ trong sáng 30/5
Tại tổ 7, phường Hương Sơ vào sáng 30/5, khi các ban ngành liên quan đang khẩn trương thực hiện các quy trình tiêu độc, khử trùng để đưa đàn lợn (1 lợn nái và 6 lợn con) của hộ ông Trần May dương tính với dịch tả lợn châu Phi đi tiêu hủy, mới thấy được nỗi lo lây lan mầm bệnh từ các khu vực xung quanh.
Bà Hoàng Thị Cúc (vợ ông May) cho biết, gia đình chăn nuôi lợn từ nhiều năm nay nên lúc nào cũng tiêm phòng dịch bệnh và bổ sung dinh dưỡng nhằm phòng tránh dịch bệnh. Thế nhưng, sáng 28/5, cả 7 con lợn trong chuồng đều bỏ ăn, da tím tái, sau đó chúng lần lượt chết nên gia đình thông báo ngay với UBND phường.
Bà Cúc cho biết, có thể mầm bệnh xuất phát từ thức ăn thừa được gia đình thu gom và chưa xử lý kỹ. Bởi, đây là hộ nuôi đầu tiên trên địa bàn phường bị nhiễm bệnh, trong khi khu vực xung quanh có khá ít hộ chăn nuôi lợn.
Khi hộ ông Trần May thông báo có lợn bệnh, UBND phường đã cử cán bộ thú y về tận nơi thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng và hướng dẫn hộ nuôi các biện pháp cách ly chuồng trại, đề phòng lây bệnh ra bên ngoài, đồng thời thông báo với Chi cục Thú y tỉnh để lấy mẫu đưa đi xét nghiệm. Đến tối 29/5, kết quả xét nghiệm cho thấy đàn lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi nên các ban ngành liên quan chuẩn bị kỹ các vật tư phương tiện đảm bảo theo quy trình và đưa đàn lợn đi tiêu hủy.
Đưa lợn nhiễm bệnh đi tiêu hủy tại phường Hương Sơ
Phó Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, ông Lê Văn Khán cho rằng, phường 25 hộ tham gia chăn nuôi với 233 con lợn, để ngăn chặn và phòng bệnh lây lan, những ngày qua UBND phường đã chỉ đạo bộ phận thú y trực tiếp đến từng hộ dân cấp phát thuốc, rải vôi tất cả các tuyến đường dẫn vào phường, đặc biệt là khu vực xung quanh hộ ông May. Ngoài ra, phường tổ chức cho tất cả các hộ chăn nuôi ký cam kết không giấu bệnh, giữ gìn vệ sinh môi trường khu chăn nuôi, tăng sức đề khán cho lợn và không được giết ổ lợn nhiễm bệnh…
Tại phường An Tây, sau khi xuất hiện 7 lợn thịt nhiễm bệnh vào ngày 15/5, đến nay trên địa bàn phường có 3 hộ có lợn nhiễm bệnh với tổng số 36 con, trọng lượng trên 1,6 tấn. Với mức độ lây lan nhanh nên những ngày qua, phường đã tăng cường phòng chống dịch bằng cách thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi các điểm chốt chặn và yêu cầu các tổ trưởng thường xuyên có mặt tại các hộ nuôi để nắm bắt tình hình.
Phó Chủ tịch UBND phường An Tây, ông Trần Sơn cho biết, cùng với công tác tiêu độc khử trùng 3 lần/tuần, phường đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các hộ nuôi cách phòng tránh dịch bệnh, sẵn sàng cung cấp thuốc, vật tư để người dân tự xử lý chuồng trại. Mặt khác, phường cử cán bộ thú y thường xuyên kiểm tra, thống kê số lượng lợn tại chuồng; chốt số lượng đầu vào, đầu ra để đề phòng trường hợp người dân giấu lợn bệnh đưa đi giết mổ.
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng
Theo thống kê, hiện toàn TP có trên 3.000 con lợn được chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình, riêng phường An Tây nhiều nhất với 79 hộ chăn nuôi với trên 1.000 con. Để khống chế ổ dịch và ngăn chặn dịch bệnh lây lan, từ đầu tháng 5 đến nay, các địa phương đã huy động nhân lực triển khai phun hóa chất, rải vôi tại các hộ chăn nuôi, đồng thời cung cấp vật tư và hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện phun thuốc, rải vôi chuồng trại 2 lần/tuần.
Trưởng phòng Kinh tế TP. Huế, ông Đồng Sỹ Toàn thông tin, với mức độ lây lan nhanh như hiện nay, TP chủ động ngăn chặn dịch bệnh bằng nhiều biện pháp, trong đó nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn nhập lậu và không rõ nguồn gốc; tăng cường công tác phòng bệnh, đồng thời tổ chức cấp phát thuốc đến từng hộ nuôi và hướng dẫn các hộ nuôi thực hiện tiêu độc khử trung khu vực xung quanh chuồng trại nhằm hạn chế tối đa số lợn nhiễm bệnh và lây lan cho các khu vực xung quanh.
Ông Toàn cho biết, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe; lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang vi rút nên ý thức của các hộ nuôi là quan trọng nhất trong vấn đề phòng bệnh lây lan. Vì vậy, TP đã chỉ đạo các phường tăng cường công tác tuyên truyền cách phòng bệnh đến với các hộ nuôi, đồng thời phải có thiết bị, áo quần bảo hộ đối với các nhân viên thực hiện công tác tiêu hủy nhằm hạn chế tối đa sự lây lan dịch bệnh cho đàn lợn trên địa bàn.
Bài, ảnh: Thanh Hương