ClockThứ Sáu, 11/11/2016 14:34

Triển vọng rau sạch ở Nam Đông

TTH - Thành công từ mô hình thí điểm trồng rau sạch trong nhà lưới, nhà kính của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nam Đông ở thị trấn Khe Tre mở ra triển vọng về sản xuất rau sạch hàng hóa tại huyện miền núi này.

Đầu tháng 11/2016, chúng tôi có dịp tham quan mô hình sản xuất rau sạch trong nhà lưới của 2 hộ dân là bà Trần Thị Tỏa và Trương Thị Hoa ở tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre. Bà Tỏa phấn khởi: “Trước đây, gia đình tôi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, nên năng suất thấp. Được sự hỗ trợ của Phòng NN&PTNT huyện, chúng tôi sản xuất rau trong nhà lưới thu được kết quả tốt, cho thu nhập ổn định”. Bà Trương Thị Hoa cũng cho biết, mô hình này làm thay đổi phương thức sản xuất manh mún trước đây, hướng đến sản xuất rau sạch hàng hóa.

Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, nhà kính tại Khe Tre

Ông Trần Công Thành, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông chia sẻ: Từ kinh nghiệm thu được sau các đợt tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất rau sạch trong nhà kính, nhà lưới tại Lâm Đồng, đầu năm 2016, Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông xây dựng mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, nhà kính, với diện tích 500m2 tại thị trấn Khe Tre có tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng (2 hộ dân đóng góp 26 triệu đồng, còn lại là nguồn kinh phí khoa học công nghệ), với sự tham gia của hai hộ nông dân điển hình. Bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. “Rau sạch Nam Đông sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn, dù giá bán cao hơn rau sản xuất theo phương thức truyền thống. Ưu điểm của mô hình này là kiểm soát được dịch hại, rau cho thu hoạch tập trung, khả năng sinh trưởng và phát triển tốt, thời gian sinh trưởng rút ngắn, ổn định năng suất, chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vùng sản xuất rau không gây ô nhiễm môi trường” - ông Trần Công Thành khẳng định.

Với điều kiện khí hậu địa bàn Nam Đông nắng nóng, nền nhiệt cao về mùa hè và mưa rét kéo dài về mùa đông nên trồng rau ngoài trời rất khó kiểm soát các yếu tố về thời tiết, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng. Mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới có thể làm được quanh năm, kể cả mùa mưa, rét, nhờ có hệ thống nhà kính, nhà lưới che chắn an toàn. Người nông dân có nguồn thu nhập thường xuyên và cao gấp 2-3 lần so với trồng rau truyền thống. Theo hạch toán, rau sạch trồng theo mô hình nhà lưới năng suất bình quân đạt 120 tạ/ha/chu kỳ (3 tháng). Riêng với diện tích 500 m2, nếu sản xuất 3 vụ thì sản lượng ước đạt khoảng 2 tấn/năm. Với giá bán 25.000 đồng/kg sẽ cho thu nhập 50 triệu đồng/năm, trừ chi phí giống, nhân công, khấu hao tài sản, còn lại lợi nhuận ước tính 20 triệu đồng/hộ.

Thành công bước đầu của mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới tại Nam Đông cho thấy sự phù hợp trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, mở hướng sản xuất, phát triển nghề trồng rau theo hướng chuyên canh gắn với quy hoạch và xây dựng vùng rau an toàn, chất lượng cao, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Trần Công Thành cho biết, thời gian tới sẽ nhân rộng khoảng 1ha nhằm nâng cao sản lượng và chất lượng sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương.

THÁI BÌNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Return to top