Nuôi cua trứng bằng giống sinh sản nhân tạo tại Quảng An cho hiệu quả kinh tế khá cao
Ông Nguyễn Thanh Hiền ở xã Quảng An (Quảng Điền) phấn khởi khi tham gia mô hình nuôi cua trứng từ nguồn giống sinh sản nhân tạo được triển khai thí điểm thành công.
“Từ nhiều năm nay, tôi và nhiều hộ ở địa phương chỉ biết nuôi tôm sú, hiệu quả bấp bênh vì thường xuyên dịch bệnh. Bà con rất cần một số mô hình mới ít dịch bệnh, có hiệu quả. Mới đây, mô hình nuôi cua trứng thí điểm thành công nên ai cũng phấn khởi”, ông Hiền nói.
Đây là một trong hai hộ được chính quyền địa phương và TTKN tỉnh chọn triển khai mô hình nuôi cua trứng từ nguồn giống nhân tạo theo hướng an toàn. Theo hướng dẫn và quy định của cán bộ khuyến nông tỉnh, với diện tích 0,8 ha, mật độ thả nuôi 0,75 con/m2, loại cua có kích cỡ 40-50 con/kg.
Nuôi cua xen cá đối lãi 62 triệu đồng/ha
Ông Hiền chia sẻ: “Ban đầu người dân còn lúng túng khi triển khai mô hình mới nhưng dưới sự hướng dẫn của cán bộ, kỹ sư khuyến nông, các hộ nuôi dần dần làm quen và cảm thấy không quá khó khăn như suy nghĩ ban đầu. Chỉ sau hơn bốn tháng nuôi, tỷ lệ cua sống ước đạt gần 60%, trọng lượng trung bình mỗi con gần 200g”.
Mô hình cũng được TTKN tỉnh thí điểm tại xã Vinh Phú (Phú Vang). Trung tâm chọn hai hộ điển hình, nuôi với diện tích, mật độ thả, kích cỡ cua và kết quả đạt được tương tự tại xã Quảng An.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, cán bộ TTKN tỉnh, mới đây TTKN tiến hành tổng kết đánh giá mô hình nuôi cua trứng từ nguồn giống sinh sản nhân tạo tại hai xã Vinh Phú và xã Quảng An. Khi biết mô hình mang lại hiệu quả kinh tế, có đến 60 nông dân đến dự hội nghị để được chia sẻ, học tập kinh nghiệm nhằm đầu tư nhân rộng mô hình.
Qua đánh giá kết quả bước đầu, mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khả quan. Năng suất ước gần 1,8 tấn/ha, lãi trên 100 triệu đồng/ha, tăng từ 60-80% so với phương thức nuôi cua thông thường.
Quá trình nuôi hoàn toàn không sử dụng các loại thuốc, hóa chất cấm, chỉ sử dụng chủ yếu men vi sinh, vôi xử lý nước và vitaminC để tăng sức đề kháng giúp cua nuôi có thể đảm bảo lượng trứng tốt, không gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.
Một mô hình khác được TTKN tỉnh nuôi thí điểm thành công trong năm nay là nuôi cua xen cá đối.
Ông Phạm Thành ở xã Quảng Phước (Quảng Điền) cho rằng, nuôi cua xen ghép cá đối tuy là mô hình mới tại địa phương, nhưng các quy trình kỹ thuật cũng không khó, lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế khá cao so với các mô hình thủy sản khác và nuôi chuyên tôm sú.
Theo ông Châu Ngọc Phi, cua và cá đối là những đối tượng thủy sản được thị trường tiêu thụ mạnh cả trong và ngoài tỉnh, phục vụ từ các nhà hàng, khách sạn đến các hàng quán bình dân. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân rộng mô hình, mang lại thu nhập cho người dân vùng đầm phá ven biển.
|
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cán bộ TTKN tỉnh cho biết, nhằm chủ động nguồn giống và nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngư dân ven biển, đầm phá, TTKN triển khai mô hình nuôi xen ghép cua – cá đối tại xã Vinh Giang (Phú Lộc) và xã Quảng Phước (Quảng Điền) với 4 hộ tham gia nuôi trên diện tích 1,6 ha.
Quá trình triển khai mô hình gặp nhiều khó khăn về thời tiết, môi trường nước bị ngọt hóa kéo dài do cơn bão số 4, nhưng mô hình nuôi cua-cá đối vẫn mang lại hiệu quả như mong đợi.
Sau 5 tháng nuôi, thu hoạch hơn 1,1 tấn cá đối và hơn 1,3 tấn cua; doanh thu hơn 300 triệu đồng, trừ các chi phí còn lãi 62 triệu đồng/ha, tăng từ 10-15 triệu đồng so với các mô hình nuôi xen ghép thông thường, truyền thống tại các địa phương.
Phó Giám đốc TTKN tỉnh, ông Châu Ngọc Phi đánh giá, các mô hình thủy sản thí điểm trong năm 2017 nói trên khẳng định được hiệu quả kinh tế, được nhiều hộ hưởng ứng và sẽ nhân rộng nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Ông Phi khuyến cáo, khi nhân rộng mô hình, người dân cần chọn mua giống chất lượng tại những cơ sở sản xuất uy tín trong, ngoài tỉnh và có kế hoạch ươm nuôi đúng theo khung lịch thời vụ. Nguồn cua giống hiện nay mua tại cơ sở sản xuất ở thị trấn Thuận An và một số nơi trên địa bàn tỉnh khoảng 50%, còn lại chủ yếu ở các tỉnh khác. Về lâu dài, các cấp, ban ngành liên quan cần quan tâm đầu tư nghiên cứu sản xuất giống nhằm cung ứng nhu cầu sản xuất cho người dân. Các địa phương cần định hướng, tạo sự kết nối thị trường nhằm đảm bảo đầu ra sản phẩm ổn định, tiến tới xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU