Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chủ trì buổi làm việc các sở, ngành
Rừng ngập mặn đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, rừng ngập mặn còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và nuôi trồng thủy sản, tạo ra nhiều công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Hương Phong là một xã thuộc thị xã Hương Trà, có nhiều diện tích đất ngập mặn phù hợp để trồng rừng ngập mặn. Theo Sở NN&PTNT, việc phát triển, mở rộng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn xã Hương Phong sẽ giúp hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn tập trung lớn nhất tỉnh. Từ đó nâng cao đáng kể khả năng phòng hộ, bảo vệ môi trường của khu vực, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản gắn với rừng ngập mặn, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hương Phong nói riêng và thị xã Hương Trà nói chung.
Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế thiệt hại do bão lũ, triều cường, hạn chế xâm nhập mặn; đồng thời là nơi trú ngụ của nhiều loài chim di cư, các loài động và thực vật; ngoài ra, từ khi rừng sinh sôi, khách du lịch đến tham quan địa phương còn được trải nghiệm các nghề đánh bắt cá, tôm truyền thống địa phương.
Dự kiến, trong thời gian tới sẽ phát triển trồng mới 202,73 ha rừng ngập mặn tại địa phương này.
Được biết, thực hiện quy hoạch phát triển rừng ven biển đầm phá tỉnh tính đến nay, các cơ quan chức năng đã triển khai trồng và chăm sóc được khoảng 500 ha rừng ven biển, đầm phá.
Sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh, việc xây dựng đề án phát triển rừng ngập mặn tại xã Hương Phong phải giải quyết được bức tranh tổng thể, bài bản và có lộ trình cụ thể.
Đơn vị tư vấn cần nghiên cứu giải pháp kỹ thuật để phát triển rừng ngập mặn một cách tối ưu nhất cũng như giải quyết được bài toán cảnh quan, hệ sinh thái tại vùng đầm phá; từng bước hình thành khu rừng ngập mặn lớn trong thời gian tới.
Đồng thời nghiên cứu phương án cải thiện sinh kế bền vững cho cộng đồng cư dân sinh sống dựa vào mặt nước gắn liền với phát triển và bảo tồn đa dạng sinh học, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân địa phương tham gia trồng và bảo vệ rừng.
Tin, ảnh: Hà Nguyên