Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh Phan Đức Anh, hiện có 70 – 80% hộ gia đình ở địa phương đầu tư trồng các loại hoa màu, cho thu nhập ổn định.
Bà Huỳnh Thị Diệu Đào chăm sóc cây rau thơm phát triển tốt trên đất cát
Đang chăm sóc cây ném, ông Nguyễn Chuyền trò chuyện: “Người dân trồng hoa màu ở Vinh Thanh rất chú ý đến chất lượng cây trồng. Bà con ý thức được rằng, trồng rau cho thu nhập tốt nên phải giữ uy tín với bạn hàng và người tiêu dùng. Trước đây, người dân trong xã thường bón cây bằng phân chuồng tươi. Nay loại phân này rất ít, chủ yếu bón bằng phân hữu cơ làm bằng rong rêu, bã đậu... (xác các loại thực vật có sẵn), nước tưới bằng hệ thống giếng khoan. Bạn hàng của những người trồng rau màu ở Vinh Thanh chủ yếu là ở chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) trực tiếp về mua tại vườn”.
Đối với những người dân nơi đây, dù là những vùng đất cát, nhưng không bao giờ cho đất ngừng nghỉ. Hết mùa hẹ, rau dền, mướp đắng, họ chuyển sang trồng rau thơm hay lạc.
Bà Huỳnh Thị Diệu Đào, một trong những người trồng rau thơm của xã Vinh Thanh chia sẻ: “Loại rau thơm trồng trên cát không hề bị sâu bệnh. Mùa nắng nóng, ngoài bón phân trước khi trồng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn nước tưới. Trung bình mỗi ngày tưới rau 3 lần vào buổi sáng, trưa, chiều. Sau 5 ngày, rau thơm được thu hoạch một lần để bán cho thương lái ở Huế”.
So với cách trồng rau truyền thống, dùng phân chuồng tươi là chủ yếu, thì việc trồng rau an toàn, dùng phân hữu cơ làm bằng xác thực vật và tưới nước giếng khoan được thương lái và người tiêu dùng ưa chuộng hơn cả. Đó là lý do, người dân sau khi thu hoạch rau màu, chỉ cần liên lạc qua điện thoại là thương lái về tận chân ruộng để thu mua.
Ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Thanh nhẩm tính: “Toàn xã có 230 ha rau màu các loại. Trong đó, chủ yếu là các loại rau: hẹ, cải xanh, xà lách, dền đỏ, rau thơm, rau răm... Bà con còn trồng thêm mướp ngọt, bầu, bí các loại. Giá trị bình quân mỗi ha cho thu nhập khoảng 75 triệu đồng”.
Bà Trần Thị Mai, một người trồng rau màu của xã tâm sự: “Thói quen trồng rau truyền thống rất khó bỏ. Thế nhưng, nhiều diện tích trồng rau màu của không ít người dân trong thôn cũng đã bắt đầu trồng theo hướng an toàn. Ngoài khâu làm đất, bón phân thật kỹ trước khi đưa giống vào trồng, thì một trong những yếu tố hết sức quan trọng là làm cỏ, xới đất thường xuyên để tạo độ tơi xốp, kết hợp với tưới nước nên cây trồng không chỉ xanh tốt mà phát triển rất nhanh. Riêng 3 sào đất cát trồng rau thơm và cải con cho thu hoạch quanh năm”.
Chủ tịch UBND xã Vinh Thanh, ông Nguyễn Trường Chính nhận định: “Từ nhu cầu thị trường, rau sản xuất truyền thống, mất an toàn trên địa bàn xã dần thu hẹp, nhường chỗ cho rau sản xuất theo quy trình an toàn. Rau an toàn được tiêu thụ trong các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn của các nhà máy công nghiệp trên địa bàn huyện, góp phần ổn định sản xuất và thu nhập của người dân”.
Bài, ảnh: Anh Phong