Nhiều mô hình thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH tỉnh, đến nay gia đình ông Hà Văn Ty (thôn Lại Bằng 2, phường Hương Vân, TX. Hương Trà) đã phát triển kinh tế vườn, xây dựng trang trại tổng hợp với nhiều cây, con được đưa vào thử nghiệm thành công.
Nhờ vay vốn từ quỹ HTND, nông dân Phú Lộc phát triển kinh tế vườn hiệu quả
Năm 2015, ông Ty cùng 11 hộ dân trên địa bàn phường thông qua vốn tín dụng chính sách do HND tỉnh nhận làm ủy thác vay vốn 300 triệu đồng của Ngân hàng CSXH tỉnh (bình quân mỗi hộ 25-30 triệu đồng) với lãi suất 0,7%/năm để cải tạo vườn tạp, xây dựng trang trại nuôi bò. Sau 3 năm bò mẹ sinh sản, ngoài để nuôi, các hộ dân bán bò con với giá 12-13 triệu đồng/con. Hiện đàn bò của các hộ phát triển lên 26 con.
“Thời điểm đó, bình quân mỗi hộ dân chỉ mua 1-2 con bò rồi bắt đầu gầy giống. Khi đã đủ vốn, các hộ dân phát triển thêm chăn nuôi lợn, xây dựng ao nuôi cá và trồng rừng. Với hiệu quả bước đầu, đến thời điểm đáo hạn, bà con muốn tiếp tục được hỗ trợ vay để mở rộng quy mô sản xuất”, ông Ty cho biết.
Ngoài vay theo vốn tín dụng chính sách do HND nhận làm ủy thác, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đầu tư trang trại thành công từ nguồn vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân (Quỹ QHTND). Năm 2012, gia đình ông Tôn Thất Đủ cùng 25 hộ dân khác ở thôn Làng Đông (xã Lộc Hòa, huyện Phú Lộc) được hỗ trợ vay với mức từ 10 - 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,7% để cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mô hình trồng tiêu cao sản.
Ông Đủ cho biết, trước đây, kinh tế vườn của gia đình chỉ trồng chè và sắn; năng suất thấp nên dần dần trở thành vườn hoang, gây lãng phí; trong khi đó, gia đình lại không có nguồn kinh tế ổn định. Từ khi chuyển sang mô hình trồng tiêu, bình quân mỗi năm ông thu được khoảng 2 tạ tiêu/100 gốc, cho thu nhập gần 50 triệu đồng. Hiện gia đình ông đang tiếp tục trồng mới thêm 100 gốc đã cho thu hoạch lứa đầu tiên.
Theo HND tỉnh, từ vốn vay hỗ trợ, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn cho thu nhập mỗi năm từ 100 triệu đồng trở lên. Kết quả đó một phần nhờ sự hỗ trợ vay vốn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt của các cấp HND trên địa bàn. Dù giá cả nông sản có biến động; tuy nhiên, đa số các hộ dân vay vốn đều chăn nuôi, sản xuất có hiệu quả và trả nợ vay đúng kỳ hạn.
Nợ quá hạn chỉ 0,08%
Ông Văn Đức Thọ, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh đánh giá, tính đến nay, dư nợ ủy thác cho vay thông qua HND tỉnh gần 742 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng trên 30% tổng dư nợ ủy thác của toàn tỉnh; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân trên 12%/năm với 28.197 hộ còn dư nợ tại 762 tổ tiết kiệm và vay vốn.
Theo ông Thọ, từ 2014 đến nay, thông qua 17 chương trình tín dụng chính sách, HND đã phối hợp với Ngân hàng CSXH cho vay hơn 1.178 tỷ đồng, với gần 52 nghìn lượt hộ vay, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm đảm bảo an sinh xã hội. Trong đó, đã giúp trên 2.000 lao động tạo việc làm và duy trì việc làm, đáp ứng kịp thời cho trên 4.600 lượt hộ nghèo, 12.000 nghìn lượt hộ cận nghèo được vay vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh, góp phần nâng cao đời sống hội viên HND. Trong đó, có hàng trăm hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn để chăn nuôi, trồng rừng.
Suất đầu tư bình quân/hộ được nâng từ 15,7 triệu đồng/hộ lên 26,3 triệu đồng/hộ, góp phần thay đổi đáng kể đời sống của nông dân nghèo và người lao động. Nhờ vay vốn đầu tư sản xuất kinh doanh mà thu nhập kinh tế và chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình ngày càng được cải thiện. Nhiều hộ có thu nhập khá, không những thanh toán được nợ vay mà còn sửa chữa và xây dựng lại nhà mới.
Bà Phạm Thị Minh Huệ, Chủ tịch HND tỉnh khẳng định, trong thời gian qua, HND các cấp đã phối hợp tốt với Ngân hàng CSXH thực hiện các nội dung ủy thác, lựa chọn tổ tiết kiệm và vay vốn uy tín, trách nhiệm; thực hiện việc bình xét cũng như giám sát việc sử dụng vốn vay hiệu quả.
Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, những năm qua, thông qua nguồn vốn tín dụng do HND nhận làm ủy thác đã giúp trên 2.300 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để trang trải các chi phí liên quan đến học tập; trên 12.200 hộ nông dân ở khu vực nông thôn được vay vốn để cải tạo và xây dựng mới các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đạt chuẩn Quốc gia.
Bài, ảnh: Hà Nguyên