Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 9 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 2,4 tỷ USD, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là do giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao. Bên cạnh đó, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng khiến giá tôm nhập tại các thị trường hạ thấp hơn so với năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh nhất. Tháng 9, xuất khẩu tôm sang thị trường này chỉ đạt hơn 61 triệu USD, giảm 23% so với cùng kỳ 2018. Trong 3 thị trường chính nhập khẩu tôm Việt Nam trong khối EU thì Anh giảm 37% và Hà Lan giảm 32%, xuất khẩu sang Đức giảm 9%.
Lũy kế 9 tháng, xuất khẩu tôm sang EU đạt 513,4 triệu USD, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu tôm sang EU giảm mạnh trong 9 tháng năm 2019. (Ảnh minh họa)
EU chiếm khoảng 31% tổng nhập khẩu tôm thế giới và chiếm 21% xuất khẩu tôm của Việt Nam. Nếu tận dụng tốt ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU, áp dụng hiệu quả quy tắc xuất xứ thì tôm Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ có cơ hội gia tăng từ năm 2020.
Trước những khó khăn của ngành thủy sản, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, xuất khẩu thủy sản 3 tháng cuối năm nay khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018. Mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm nay sẽ khó khả thi.
Nguyên nhân do trong năm xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như: xung đột thương mại, giá cả tăng cao, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu. Hiện nay, công nghệ nuôi trồng thủy sản của các nước phát triển khá mạnh. Trung Quốc, Malaysia bắt đầu nuôi cá tra; Thái Lan, Ấn Độ ngày càng kiểm soát tốt bệnh trong nuôi tôm và trúng mùa.
Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2019 sẽ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3%.
Theo VOV