|
Bón phân cho trà lúa vừa gieo sạ
|
Vui nhất đối với nông dân những ngày đầu năm là thời tiết nắng ấm, rất thuận lợi cho lúa phát triển. Khác với nhiều vụ lúa trước, mưa rét triền miên nên nhiều diện tích phải đến sau tết mới gieo cấy hoàn thành, nhưng năm nay toàn bộ gần 28 ngàn ha đều gieo cấy xong trước tết. Không có rét buốt, mưa lớn nên lúa phát triển nhanh, nông dân bớt phần chi phí đầu tư chăm sóc, đấu úng. Bà Hồ Thị Đào ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) phấn khởi: “Nếu suôn sẻ đến cuối vụ thì lúa đông xuân năm nay chắc chắn được mùa”.
Dù kinh tế, đời sống có đổi thay đến mấy thì sản xuất lúa vẫn là chủ lực đối với nông dân trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có gần 70% dân số sản xuất nông nghiệp, khoảng 65% trong số đó trồng lúa nước. Vai trò, vị thế của trồng lúa rất quan trọng nên những ngày sau tết, nông dân cũng chọn ngày tốt nhất để xuống đồng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Bà Trần Thị Vân ở xã Quảng Thành nói: “Từ ngày Mùng 4 Tết, nông dân đã xuống đồng chăm sóc lúa đông xuân, nhưng tập trung đông nhất là ngày Mùng 6. Đây là ngày tốt nhất cho việc xuống đồng theo quan niệm của người trồng lúa”.
Như mọi năm, khi cây lúa bắt đầu nảy mầm, sinh trưởng cũng là lúc sâu bệnh bắt đầu xuất hiện. “Sâu bệnh xuất hiện ngay từ đầu vụ không còn là chuyện lạ đối với nông dân, thậm chí đã trở thành quy luật trong sản xuất lúa. Điều quan trọng là người dân cần chủ động, tích cực trong việc ra đồng, phát hiện và xử lý kịp thời. Công việc mà gia đình tôi và người dân quan tâm nhất lúc này là xử lý sâu bệnh gây hại”, bà Trần Thị Vân chia sẻ.
Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt - Chăn nuôi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thời điểm này bắt đầu xuất hiện một số bệnh, như đạo ôn gây hại trên giống lúa nếp, Xi23, X21... ở những vùng đất bạc màu, nghèo dinh dưỡng. Chuột gây hại cục bộ, nơi cao 5-10%; ốc bươu vàng gây hại mật độ 3-5 con/m2, có nơi cao 200 con/m2. Bệnh tuyến trùng rễ lúa xảy ra cục bộ với tỷ lệ 5-10%, bọ trĩ đã xuất hiện ở các trà lúa gieo cấy muộn... Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung hướng dẫn người dân phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, bẫy chuột, tiêu diệt ốc bươu vàng.
|
Thăm đồng sau tết
|
Cùng với xử lý sâu bệnh, những ngày sau tết, nông dân tích cực bón phân, tăng cường chăm sóc, kích thích lúa phát triển tốt. Theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, người dân tiến hành tỉa dặm các trà lúa gieo cấy sớm. Dự báo năm nay nắng hạn sẽ diễn ra gay gắt nên ngay từ những ngày sau tết, người dân tu bổ đê bao, nạo vét kênh mương nhằm chủ động chống hạn cho lúa. Các đơn vị thủy nông, hợp tác xã nông nghiệp đang khẩn trương sửa chữa hệ thống kênh mương, trạm bơm điện, bơm dầu nhằm chủ động vận hành tưới lúa khi nắng hạn xảy ra.
Ngoài cây lúa, nông dân đang tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo trồng các loại cây ngắn ngày, như sắn, lạc, ngô, đậu, rau màu. Tùy thuộc vào điều kiện từng vùng đất, các địa phương bố trí sản xuất luân canh các cây trồng, xen canh phù hợp: lạc - sắn, lạc - đậu đỗ, lạc - khoai nhằm đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm, đảm bảo khung lịch thời vụ. Với không khí xuống đồng sau tết, cộng với sự chủ động, tích cực chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, hy vọng nông dân có một lúa được mùa, cây trồng bội thu.