Ủ mắm tại cơ sở Nguyễn Thị Sen (Phú Hải)
Tiếng lành đồn xa
Trong khi thị trường nước mắm lao đao vì bị tin đồn thất thiệt, thì tại cơ sở chế biến nước mắm của bà Nguyễn Thị Lành ở xã Phú Diên (Phú Vang) vẫn tất bật công việc sản xuất, kinh doanh. Các lu, chậu luôn chứa đầy cá, nước mắm. Hết việc chưng cất nước mắm, công nhân chuyển sang đóng mắm cá vào hũ, vào thùng để phân phối tại các địa phương trong tỉnh và vận chuyển vào TP. Hồ Chí Minh. Mỗi ngày, cơ sở bà Lành chế biến hàng trăm lít nước mắm, nhiều hũ mắm cá nhưng vẫn không kịp cung cấp cho thị trường. “Cá, ruốc được mua đem về ủ, cứ sau 6-7 tháng thì chưng cất nước mắm. Mỗi tháng ước tính chế biến khoảng 2-2,5 tấn cá. Mới đây, qua giới thiệu của người địa phương, tui kết nối được với các tư thương, đại lý kinh doanh mắm cá, nước mắm ở TP. Hồ Chí Minh nên lượng tiêu thụ khá lớn. Doanh thu cao hơn nhiều so với trước”, bà Lành xởi lởi.
Bà Lành tỏ ra khiêm tốn: “Mắm của tui chẳng là gì cả. Nước mắm của bà Sen còn xuất đi Mỹ, Úc, Canada”. Bà Sen được nhắc đến là Nguyễn Thị Sen ở xã Phú Hải (Phú Vang), nổi tiếng với truyền thống chế biến các loại mắm tôm, cá, nước mắm ruốc. Khuôn viên nhà bà Sen rộng khoảng 300m2 luôn chất đầy lu, chậu ủ mắm và nhiều thùng chưng cất nước mắm.
Những người làm ăn xa, nhiều người ở nước ngoài mỗi lần về quê đều ghé thăm cơ sở chế biến của bà Sen mua mắm về làm quà. Bà Sen thuê mặt bằng ở các chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh nhằm phân phối sản phẩm, kinh doanh sỉ và lẻ. Doanh thu của cơ sở tăng dần lên hằng năm, tính riêng hai năm gần đây lên đến 1,5 tỷ đồng, lãi 400-500 triệu đồng”.
An toàn
Bà Nguyễn Thị Minh, chủ cơ sở nước mắm ở xã Hải Dương (TX. Hương Trà) chia sẻ: “Muốn có được các loại mắm, nước mắm ngon, lại đảm bảo chất lượng, đầu tiên phải chọn nguồn cá đánh bắt xa bờ, hay các loại cá đánh bắt ở tầng nổi. Cá, tôm phải tươi, mắt vẫn còn trong, chưa bị dập bụng, không tẩm ướp bất kỳ các loại hóa chất nào”.
Bà Minh khẳng định: “Vệ sinh thực phẩm luôn được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Trước khi ủ cá, tôm, tất cả các lu, chậu, hũ đều được súc rửa sạch. Quá trình ủ thường xuyên lau chùi miệng chậu, đậy nắp kỹ, tránh ruồi và các loại côn trùng xâm nhập”.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 300 cơ sở chế biến các loại mắm, nước mắm và hàng ngàn hộ gia đình sản xuất nhỏ lẻ, trở thành nghề chính của nhiều hộ ngư dân. Ngoài chất lượng, vệ sinh an toàn, nước mắm ở Thừa Thiên Huế đã trở thành thương hiệu uy tín.
Ông Lê Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh khẳng định, hầu hết các cơ sở, làng nghề chế biến mắm, nước mắm đều đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Hằng tháng, hằng quý, Chi cục phối hợp với các ban, ngành kiểm tra, lấy mẫu tại các cơ sở để phân tích. Các lần phân tích đều cho kết quả an toàn.
Nhiều làng nghề chế biến các loại mắm, nước mắm như ở Phú Hải, Phú Thuận, Thuận An, Phú Diên (Phú Vang), hay Phong Hải (Phong Điền) và nhiều địa phương đã đăng ký, xây dựng thương hiệu nước mắm an toàn.
Bài, ảnh: Hoàng Triều