ClockThứ Bảy, 25/11/2017 15:06

Ở nơi đất lở

TTH - Trong khi ngành đường sắt đang tất bật khắc phục sạt lỡ khu vực ga Lăng Cô để hành trình Bắc – Nam thông suốt thì tại khu vực Bốt Đỏ (A Lưới), hàng trăm, hàng ngàn mét khối đá hộc được chuyên chở đến 2 điểm sạt lở nặng nhất ở Km 76+380 để gia cố taluy âm cách từ 17 – 25m so với mặt đường.

10 & 9

Cuốc bộ gần một giờ đồng hồ trên đường ray để vào đến nơi sạt lở ở đèo Hải Vân cũng là lúc giữa trưa. Chân mỏi, bụng đói, nhưng tự tôi thấy cảm giác này chưa thấm vào đâu so với hàng chục công nhân ngành đường sắt đang hối hả chặt, xúc, đập, chẻ, bưng… hàng trăm mét khối đất, đá đang đổ ngang đường tàu.

Chẻ đá thông đường

Trưa 20/11, hành khách trên tàu SE3 đi hướng Bắc - Nam nhận thông báo trên đèo Hải Vân đang bị sạt lở, đất đá chắn ngang đường ray. Tàu dừng ở sân ga, chiếc loa tại ga Lăng Cô phát ra âm thanh của Trưởng ga: “Công tác khắc phục sạt lở trên đèo Hải Vân đang được triển khai, dự kiến 1-2 giờ đồng hồ sẽ khắc phục xong và tàu sẽ tiếp tục hành trình, xin quý khách thông cảm và yên tâm”.

2 giờ, 3 giờ rồi 5 giờ, chiếc loa lại vang lên tiếng của ga trưởng Lăng Cô “Điểm sạt lở vẫn chưa khắc phục xong, xin quý khách thông cảm. Công nhân đang được tăng cường, tuyến đường sắt sẽ được thông trong thời gian ngắn nữa”. Tiếp tục đợi chờ trong mỏi mệt, trời cũng bắt đầu sẩm tối, nhiều hành khách nóng ruột, không biết có thông tàu trong đêm. Một hành khách nói với nhân viên tàu: “Sáng sớm ngày mai tôi phải giải quyết công việc gấp tại Đà Nẵng, còn lâu không để tôi xuống bắt xe ô tô”…

Sau 10 tiếng tàu ngừng bánh, tiếng loa cất lên lúc 21h đêm: “Điểm sạt lở đã được khắc phục xong, tàu sẽ di chuyển trong vòng 15 phút nữa”. Ai cũng thở phào.

Thủ phạm chính khiến tàu phải ngưng di chuyển 10 giờ đồng hồ là một tảng đá lớn nặng khoảng 10 tấn. Anh Nguyễn Vũ Huy, công nhân tham gia phá tảng đá kể lại, hàng chục công nhân luân phiên nhau dùng xà beng, búa tạ để chẻ tảng đá ra từng miếng nhỏ. Mấy mươi năm làm công nhân đường sắt trên đèo Hải Vân, lần này mới thấy một tảng đá lớn như thế rơi xuống chắn ngang đường ray. Giải pháp duy nhất lúc đó là chẻ đá thủ công, một người cầm chiếc xà beng, một người cầm búa tạ đập mạnh cho đến khi từng miếng đá nhỏ tách ra. Tảng đá quá lớn nên phải mất 10 tiếng mới chẻ xong.

Điện thoại của Ga trưởng ga Lăng Cô - Lê Thanh Sơn reo liên tục, nhiều phương án được tính đến nhằm rút ngắn thời gian khắc phục sạt lở. “Chúng tôi đang lập phương án đưa máy khoan lên, tảng đá lớn quá, nếu làm thủ công không biết khi nào mới xong”, câu nói của Ga trưởng với một người khác qua điện thoại. Khoảng nửa giờ sau, điện thoại của người chỉ huy khắc phục sạt lở từ trên đèo gọi về báo: “Đã tìm cách nhưng không thể đưa máy lên khoan điểm sạt lở, giờ chỉ làm thủ công thôi. Hiện đã có thêm khoảng 30 công nhân từ Đà Nẵng ra tiếp ứng khắc phục. Chúng tôi sẽ làm thâu đêm, khi nào xong mới cho công nhân nghỉ”.

Sáng hôm sau, thông tin sạt lở lại tiếp tục báo về từ trên đèo. Đợt sạt lở sau còn nghiêm trọng hơn, khoảng 350m3 đất đá chắn ngang đường tàu. “Với quân của anh hiện tại khi nào sẽ khắc phục xong, 5 giờ chiều nay được không?”, câu hỏi từ Ga trưởng Lăng Cô không dấu vẻ sốt ruột. “5 giờ chiều mốt!” - câu trả lời vang to trong điện thoại. “Vậy thì tôi sẽ yêu cầu tăng thêm quân số từ Đà Nẵng và Quảng Nam”. Ngay trong sáng 21/11, một tốp 40 công nhân nhanh chóng di chuyển ra điểm sạt lở. Sau đó không lâu, một tốp công nhân khác tiếp tục được chi viện. Tổng cộng, phải huy động lên đến 150 người để xử lý 350m3 đất đá.

Cứ tưởng thời gian khắc phục lần sạt lở thứ hai sẽ kéo dài qua đêm như ngày hôm trước. Bốn giờ chiều, thông tin từ trên đèo báo xuống, các điểm sạt lở cơ bản đã được khắc phục xong, tàu có thể thông tuyến. Vậy là sớm hơn dự kiến gần 9 tiếng, tàu đã hoạt động trở lại.

Chỉ mặc một cái áo pull, đầu tóc ướt nhẹp vì mồ hôi và nước mưa, công nhân Nguyễn Vũ Huy chia sẻ: “Anh em luân phiên chẻ đá, ai mệt thì thay người. Tối hôm qua đập tảng đá lớn 10 khối, tất cả mọi người ăn mì tôm để lấy sức. Tối 10 giờ mới về đến chỗ ngủ. Sáng ngủ dậy lại tin báo tiếp tục sạt lở, mấy chục anh em làm sáng đến giờ cũng chỉ có mì tôm vào bụng”.

Các điểm sạt lở cách ga Lăng Cô khoảng 4km. Ông Lê Thanh Sơn cho biết, máy móc, phương tiện kỹ thuật không thể tiếp cận hiện trường. Tất cả phải làm thủ công nên thời gian khắc phục kéo dài. Ban đầu phương án đưa máy khoan và máy phát điện lên. Nhưng quãng đường di chuyển bộ quá xa, nếu đưa máy móc vào đến hiện trường thì mất thêm nhiều người để vận chuyển. Khi khắc phục xong phải di chuyển ra lại. Nên phương án tối ưu là tăng cường thêm quân số”.

Hơn 12 giờ tàu thông tuyến sau lần thứ 2 bị sạt lở, qua điện thoại, Ga trưởng ga Lăng Cô cho biết tàu đang lưu thông bình thường, nhưng yêu cầu di chuyển với tốc độ rất chậm. Giờ chỉ mong trời đừng mưa nữa, việc sạt lở đang gây ra quá nhiều khó khăn.

Chở đá... về non

10h30 phút sáng 21/11. Cách trung tâm Bốt Đỏ chừng 500m người ta vẫn nghe được tiếng động cơ ầm ì, tiếng máy xúc cạo bùn nghiến xuống nền đường lạo xạo. Gần thêm chút nữa, phía dưới vực sâu là tiếng chan chát khi những quai bua va vào những khối đá 40-50 kg dưới đôi tay rắn chắc, sạm đen nắng gió.

Khẩn trương khắc phục điểm sạt lở nặng nhất ở Km 76+380

Dừng. Anh em tản ra... tiếng một người trên đường cái hô vọng xuống. Một lúc sau khi tiếng hô dứt, từng khối đá từ xe ben trút xuống rào rào, thảng hoặc có vài hòn đá “lạc địa chỉ” xóc nẩy bật tung lên cao rồi rớt mạnh, ghim chặt dưới nền bùn lầy đặc quánh, sát rạt bên những đôi ủng mà vết bùn hằn ngang nữa ống chân.

Anh chị em cẩn thận nghe. Nghỉ thêm 5 phút rồi làm tiếp. Lại tiếng một người hô to. Lúc này, có lẽ sau phút “thất thần”, một gương mặt nữ khuất sau chiếc mũ bảo hộ úa màu chừng 50 tuổi cầm một cuốc chim dứ dứ vào tảng đá sát bên: Hú hồn! Bộ mi hết chỗ văng à?! Đáp lại lời chị là những tràng cười – có lẽ - hiếm hoi từ nhóm công nhân chừng 10 người để rồi trong chốc lát đã mất hút sau những tàu chuối rừng đỏ quạch vì bùn.

Đứng trên miệng vực, sát ngay một đoạn gờ giảm tốc cong qẹo và bị đất đá vùi lấp hơn nữa, anh Nguyễn Đại Trường, trong nhóm 10 công nhân đang gia cố taluy âm uống nước như... hất vào miệng rồi xoay mình bước chân... xuống vực bằng vào sợi dây rừng trơn tuột một đầu được cột vào gờ giảm tốc, làm điểm tựa để nhóm công nhân lên xuống trên con đường tự tạo rộng chừng nữa mét, sình lầy thì như muốn nuốt lấy giày dép của người đi. Một tay nắm chặt sợi dây, anh Trường ngước lên: “Anh đi cẩn thận, đường trơn mà dốc, gần 20m chơ không ít mô”.

Trầy trật mãi mới xuống đến nơi. Lúc này, hơn 10 công nhân đã tiếp tục vào việc sau mấy phút giải lao ngắn ngủi. Dưới cơn mưa nặng hạt, bên những rọ đá 2m3 cùng những đống đá hộc mới nhìn đã thấy oải, những gương mặt sạm đen cần mẫn như những chú ong thợ. Không ai nói với ai lời nào. Cả khu vực sạt lở chỉ còn nghe tiếng đá va đập lách cách, lục cục khi di chuyển vào rọ, tiếng quai búa xen lẫn những tia lửa miệt mài vang lên, rồi tiếng cuốc chim, tiếng chân người sục trong đống đất đá mà nó vốn phải được yên vị ở độ cao cách mặt đường đèo chừng chục mét nghe lạo xạo. Và họ, những công nhân của Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế - đơn vị bảo trì tuyến đường phải hoàn thành trung bình một ngày 20 rọ đá, mỗi rọ hơn 3 tấn đá, lèn chặt dưới taluy âm

Một không khí rất khẩn trương. Nhưng đây chỉ mới là điểm sạt lở nặng thứ hai ở khu vực Bốt Đỏ.

Gần 12h trưa, nhóm công nhân mới nghỉ tay ăn cơm. Từng gương mặt lấm lem bùn đất nối lưng nhau bám vào sợi dây rừng trơn tuột cất những bước nặng nhọc vì lầy, vì dốc hướng lên chiếc lán che chắn tạm bợ, bé tí hin phía trên đường đèo. Từng thân người đẫm mồ hôi buông mình xuống cái chỏng đóng bằng những khúc gỗ cong queo tranh nhau thở. Chừng 5 phút sau, một chiếc xe máy trờ tới. Từng hộp cơm đạm bạc chuyển đến từng người. "Ai thích thì gọi cơm hộp, ai siêng thì bới cơm đem theo", vừa nói, chị Trần Thị Vàng, 50 tuổi, nhà ở A Lưới, là “quân hợp đồng” rướn người lấy gói bột canh giắt trên mái lán rắc vào một góc hộp cơm. Chị ưa ăn mặn, chị Vàng nói như giải thích.

Gần 1h, mưa A Lưới càng lúc càng dày. Một đoạn đường đỏ quạch vì bùn thêm lầy lội. Cách lán chị Vàng tầm 100m là nơi “đóng quân” của hơn 20 công nhân, nhóm khắc phục điểm sạt lỡ nặng nhất Km 76+380. Do đây là điểm sạt lở nặng nhất nên số người đông gấp đôi nhóm trước, khối lượng công việc cũng gấp đôi, nghĩa là 1 ngày, họ phải hoàn thành 40 rọ đá, hơn 3 tấn đá/rọ.

Từ điểm này nhìn lên taluy dương đối diện phía trên đường đèo, chẳng biết nên gọi nó là thủ phạm gây sạt lở hay không. Nguyên đằng sau taluy này là mỏ cao lanh. Đất có dính cao lanh (đất sét) thì kết cấu yếu, mưa dai một phát là tràn xuống đường lúc nào chẳng hay. Mà A Lưới đâu chỉ mưa dai, còn bão, lốc, rồi lũ quét, động đất, nước nguồn, chúng cứ đổ về. Mạnh thì dăm bữa nữa tháng là nghe cái ầm, nhẹ thì thẩm thấu lần hồi, đất đá trên cao không sụt lún, không sạt lở mới lạ.

Nhưng điều này không phải là chuyện gì mới và càng không phải là lần đầu tiên. Cứ mỗi lần bão to lũ lớn thì ở khu vực này người ta cứ cầm chắc kiểu gì cũng có đất cát tràn xuống đường. "Gia cố ta luy dương phải đợi chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ, họ phải nghiên cứu rồi mới đưa ra biện pháp khắc phục lâu dài hơn. Còn trước mắt chúng tôi phải cố gắng gia cố ta luy âm để tránh sạt lở tiếp tục, đồng thời giải phóng giao thông sớm chừng nào tốt chừng đó", ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý & Xây dựng đường bộ Thừa Thiên Huế thông tin.

Câu chuyện với ông Tuấn bị ngắt nữa chừng khi anh Nguyễn Tấn Hùng - Đội trưởng đội Quản lý tuyến Quốc lộ 49 Chi cục Quản lý đường bộ II.6 (Cục Quản lý Đường bộ 2, Bộ GTVT) chạy vội ra giữa đường để chặn một chiếc xe 30 chỗ ngồi mang biển Phi Long vừa lướt qua. Sau một hồi bàn bạc với người bên cạnh, anh Hùng nhanh chóng lên xe máy bám theo. Chừng 30 phút sau, anh Hùng về chỉ nói ngắn gọn: "Tui đã báo số xe để lực lượng chức năng xử lý". Nói xong anh lại tiếp tục công việc điều tiết xe lưu thông và nhắc nhở các xe ô tô phải để người trên xe - trừ tài xế - đi bộ qua đoạn sạt lở, trơn trượt. "Ở hai đầu đoạn sạt lở, tụi tui đã có biển báo, ngang đây đã có người hướng dẫn, rứa mà hắn (xe Phi Long - PV) còn ráng đi. Ráng chi một đoạn mà gây nguy hiểm biết bao khách trên xe rứa không biết".

4h chiều, mưa đã ngớt, những đống đá hộc cũng được trút đầy xuống 2 điểm sạt ở ở Km 76 + 380. Từ trên đường nhìn xuống chỉ thấy nhấp nhô bóng lưng của hơn 30 công nhân cùng những âm thanh quen thuộc ban trưa. Lúc này, vũng nước gột bùn đã đỏ quạch, những gương mặt cũng đỏ quạch vì bùn, vì mệt, nhưng ai nấy vẫn không ngừng tay bất chấp những đôi găng bảo hộ đã dày cộp đá vụn, trĩu nặng bùn đất. Rồi trời nhá nhem, nhìn đồng hồ đã gần 6h, bất chợt tiếng búa chẻ đá như mạnh hơn, tiếng từng khối đá trong rọ sắt va đập như to hơn. Và tiếng ai đó hô đến giờ nghỉ như chìm trong những âm thanh cấp tập...

ĐỨC QUANG - VÕ NHÂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngày 19/11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định trong 6 giờ qua (từ 23 giờ ngày 18/11 đến 5 giờ ngày 19/11) đã có mưa vừa, mưa to như: Bạch Mã 131,4mm, A Lưới 116,8mm (Thừa Thiên Huế); Trà Leng 110,2mm, Trà Dơn 76mm (Quảng Nam); Trà Thanh 66,4mm (Quảng Ngãi); Bồng Sơn 53,1mm (Bình Định)...

Ngày 19 11, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất do mưa lũ trên khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định
Cầu mây & hành trình phía trước

Hiện tại, không phải cầu chinh, không phải Jujitsu và càng không phải bắn cung, mà cầu mây mới là bộ môn non trẻ nhất của thể thao Huế.

Cầu mây  hành trình phía trước
Đua với sóng dữ

Dẫu biết đó là cuộc đua không dễ để cân sức, nhưng các lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp chống sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (TRAMI) vừa qua đã đua với thời gian, với những con sóng dữ bằng quyết tâm cao nhất giữ cho được bờ biển.

Đua với sóng dữ
Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo

Huyện miền núi A Lưới đã vinh dự khi được công nhận thoát khỏi danh sách 74 huyện nghèo của cả nước. Đây là kết quả của sự nỗ lực bền bỉ từ chính quyền và cộng đồng, đặc biệt có vai trò của các già làng, người có uy tín (NCUT). Với tâm huyết và sự hiểu biết sâu sắc về phong tục, tập quán, họ đã trở thành cầu nối, giúp bà con dân tộc thiểu số (DTTS) vượt qua khó khăn và phát triển kinh tế bền vững.

Già làng, người có uy tín - Cầu nối cho hành trình giảm nghèo
Return to top