Thanh trà là một trong những sản phẩm định hướng xây dựng OCOP
Mỗi huyện chọn ít nhất 1-2 sản phẩm có lợi thế
Theo kết quả điều tra, khảo sát thu thập dữ liệu phục vụ xây dựng đề án OCOP, toàn tỉnh hiện có 78 sản phẩm có thế mạnh, thuộc 6 nhóm sản phẩm (SP), trong đó 33 SP đã công bố chất lượng hàng hóa; 35 SP có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Tổng doanh thu trung bình của các SP trên 548 triệu đồng/năm.
Theo kế hoạch, từ 2019-2020, tỉnh sẽ phát triển, nâng cấp 25 SP, trong đó có 8 SP mới, SP chủ lực. Đến cuối năm 2020, phấn đấu ít nhất 20 SP tiềm năng, có lợi thế của địa phương được hoàn thiện, nâng cấp, tiêu chuẩn hóa, tập trung đa dạng hóa, chế biến sâu các SP theo chuỗi giá trị. Trong đó, mỗi huyện lựa chọn ít nhất 1-2 SP lợi thế nhất để tập trung phát triển; cấp tỉnh lựa chọn 2 SP có lợi thế nhất để phấn đấu đạt tiêu chí SP OCOP tỉnh Thừa Thiên Huế (4-5 sao). 100% SP được nâng cấp, tiêu chuẩn hóa tham gia OCOP và tham gia đánh giá, xếp hạng SP tại cấp huyện, tỉnh.
Tuy nhiên lo ngại lớn nhất của các cơ quan quản lý Nhà nước lúc này là đầu tư xây dựng thương hiệu, thị trường SP, bởi hiện nay các cơ sở sản xuất, nhất là hộ cá thể vẫn chưa thực sự năng động, một số vẫn chưa xông xáo trong tìm kiếm thị trường, xây dựng thương hiệu.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng Phòng NN&PTNT Quảng Điền, hiện Quảng Điền đã đề xuất 10 chuỗi SP gồm: rau má Quảng Thọ, rau an toàn Quảng Thành, cánh đồng lớn, mây tre đan Bao La, mướp đắng Tây Hoàng, nước mắm Tân Thành, gà Quảng Vinh, cá lồng Quảng Phú, các loại cá trên đầm phá, sản xuất cá chình giống. Sắp tới, địa phương sẽ tập trung vận động xã hội hóa chương trình, tổ chức các lớp đào tạo, hỗ trợ xây dựng các điểm, trung tâm bán hàng kết nối nông sản với thị trường, tạo bước đi vững chắc cho chương trình OCOP. Tuy nhiên, bản thân người sản xuất ra sản phẩm phải tự ý thức trong xây dựng thương hiệu, chất lượng... cho sản phẩm.
Mướp đắng theo hướng VietGAP là mô hình được xã Quảng Thái tập trung xây dựng OCOP. Sản phẩm trà mướp đắng cũng được vài hộ manh nha triển khai.
Tuy nhiên theo ông Văn Hùng (thôn Tây Hoàng, xã Quảng Thái), sản phẩm mướp đắng, trà mướp đắng Tây Hoàng chưa có thương hiệu, quá trình chế biến chủ yếu theo phương thức thủ công, giá cả bấp bênh nên để trở thành sản phẩm chủ lực không dễ. Để xây dựng sản phẩm đặc trưng tiến tới OCOP phải xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn, được chứng nhận VietGAP hay hữu cơ.
Ông Trần Văn Lực, Công ty TNHH sản xuất tinh dầu Kim Vui cho rằng, thương hiệu dầu tràm Huế đã được khẳng định. Để đảm bảo quá trình sản xuất cần xây dựng được vùng nguyên liệu đảm bảo, hiện nguyên liệu ngoài tự nhiên đã cạn dần, nhưng việc tiếp cận quỹ đất xây dựng vùng nguyên liệu đảm bảo chất lượng lại khá khó khăn. Điều này đặt ra bài toán khó khi mở rộng thị trường.
Sản phẩm chủ lực địa phương là đối tượng OCOP hướng đến
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo
Một trong những nội dung trọng tâm trong kế hoạch thực hiện OCOP giai đoạn 2019-2020 là Nhà nước chỉ đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng SP; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá SP, tín dụng.
Ngay cả nguồn kinh phí thực hiện chương trình chủ yếu cũng từ nguồn xã hội hóa. Với nguồn vốn dự kiến huy động để thực hiện năm 2019-2020 hơn 11 tỷ đồng, nguồn vốn ngân sách sẽ hỗ trợ một phần thông qua các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-020; vốn hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã; đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; vốn thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ; nguồn ngân sách cấp huyện và các nguồn vốn lồng ghép khác.
Phó Trưởng phòng Cơ điện, ngành nghề nông thôn, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, bà Lê Thị Ngọc Sương thông tin: Cơ quan quản lý Nhà nước, địa phương sẽ trực tiếp hướng dẫn các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản; nhất là SP thực phẩm công bố chất lượng SP, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa để có điều kiện xây dựng thương hiệu và đưa SP vào các kênh phân phối lớn. Vận động một số cơ sở cơ giới hóa những khâu sản xuất chính nhằm tăng năng suất lao động, bảo đảm độ đồng đều của SP, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tổ chức xúc tiến thương mại SP OCOP bằng cách vận động các cơ sở tích cực tham gia các hội chợ thương mại, hội chợ chuyên đề; tổ chức các hội thảo kết nối giữa nhà sản xuất và các nhà phân phối, nhất là các siêu thị…
Cũng theo bà Sương, Nhà nước sẽ tập trung hỗ trợ đào tạo, tập huấn cho cán bộ quản lý chương trình các cấp và cán bộ lãnh đạo các tổ chức kinh tế tham gia OCOP, tuyên truyền, xúc tiến thương mại; tiêu chuẩn hóa và phát triển SP OCOP; quản lý, điều hành; đánh giá, giám sát tiêu chuẩn chất lượng SP OCOP.
Bài, ảnh: Hoàng Loan