|
Các HTX chủ động đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh |
Nâng chất lượng
Tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có 324 HTX. Trong đó, có 224 HTX nông, lâm, ngư nghiệp; 23 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; 30 HTX vận tải; 7 Quỹ tín dụng nhân dân và 40 HTX thuộc lĩnh vực khác. Toàn tỉnh đã thành lập mới 8 HTX, đạt kế hoạch năm 2024 đề ra; giải thể 3 HTX và hợp nhất 2 HTX là Phú An và La Chữ thành HTX Hương Chữ. Doanh thu bình quân của HTX là 3,3 tỷ đồng; lãi bình quân một HTX khoảng 165 triệu đồng. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX 33 triệu đồng/năm.
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), HTX trên địa bàn tiếp tục được đổi mới, phát triển về cả số lượng và chất lượng. Các HTX đã nỗ lực cố gắng vươn lên và chủ động đổi mới trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng cường liên doanh liên kết, áp dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phát triển phù hợp với xu hướng của xã hội. Từ đó, hình thành một số mô hình HTX kiểu mới, sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời lan tỏa các mô hình HTX hoạt động hiệu quả để nhân rộng.
Bà Hồ Thị Nga, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh Nông sản an toàn xã A Ngo, huyện A Lưới chia sẻ: Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, các ngành, đặc biệt là Hội Nông dân huyện về áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, mô hình trồng chuối già lùn, rau củ quả của HTX với hơn 20ha được trồng chuẩn theo quy trình VietGAP. Chuối và các loại rau củ quả sau thu hoạch được bán tại thị trường trong tỉnh. Doanh thu mỗi năm gần 400 triệu đồng. Trong tương lai, HTX sẽ tiếp tục mở rộng mô hình sản xuất, kinh doanh, hướng đến các thị trường tiêu thụ trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Hiện nay, tỉnh cũng tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức FFD - Phần Lan thực hiện dự án “Quyết định lâm nghiệp có cơ sở, quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng cho rừng trồng quy mô nhỏ ở Việt Nam” để hỗ trợ cho các HTX lâm nghiệp phát triển quản lý rừng bền vững và thực hiện chứng chỉ rừng FSC.
Ông Trần Lưu Quốc Doãn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Đến nay, có 5 HTX với tổng diện tích 405ha rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ rừng FSC, gồm: Thủy Phù, Phù Bài, Thủy Dương, Thủy Phương, Hòa Mỹ. Đồng thời, hỗ trợ cho HTX nông nghiệp dược liệu A Roàng, A Lưới phát triển mô hình trồng cây dược liệu bản địa dưới tán rừng”.
Hướng đến hợp tác xã đa lĩnh vực
Theo kế hoạch phát triển KTTT, HTX đến năm 2025, tỉnh khuyến khích phát triển mới các tổ chức kinh tế tập thể, đa dạng về quy mô và lĩnh vực hoạt động; hỗ trợ phát triển các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả, trở thành kiểu mẫu để nhân rộng và thu hút người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoặc liên kết với HTX; tiếp tục thể chế hóa hệ thống văn bản về KTTT, HTX; xây dựng môi trường hoạt động, sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các thành viên.
Mục tiêu cụ thể, sẽ thành lập mới từ 10 đến 15 HTX, trong đó có từ 5 đến 7 HTX nông nghiệp; duy trì, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của 116 HTX nông nghiệp đã được phân loại, đánh giá hoạt động có hiệu quả; sắp xếp lại những HTX yếu để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong những năm đến. Đồng thời, xây dựng từ 1 đến 2 mô hình kinh tế hợp tác phù hợp với yêu cầu phát triển của địa phương trong nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng từ 2 đến 3 mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, hiện nay tỉnh đang tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong công tác đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT, HTX; tập trung tháo gỡ khó khăn cho HTX, nhất là chính sách cán bộ nhằm thu hút nguồn nhân lực, chính sách về đất đai, tín dụng, xây dựng cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại; củng cố các loại hình HTX, nhất là những HTX yếu kém, những HTX không đủ điều kiện, ngừng hoạt động thì kiên quyết giải thể; vận động thành lập mới HTX, trọng tâm là các xã đăng ký xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, chương trình OCOP hoạt động hiệu quả để nhân rộng. Đồng thời, tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại để quảng bá các sản phẩm chủ lực thông qua các hội chợ, triển lãm; đẩy mạnh việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX tỉnh và liên kết với các sàn giao dịch thương mại điện tử của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX các tỉnh.