ClockThứ Bảy, 18/11/2017 12:26

Phú Vang: Khẩn trương tái sản xuất sau lũ

TTH - Sau mưa lũ, nhiều thiệt hại lớn về nuôi trồng thủy sản, hoa màu được người dân Phú Vang khẩn trương khôi phục.

Vợ chồng anh Chất (xã Phú Mậu) khẩn trương tái sản xuất sau lũ lụt, trồng hoa cho kịp vụ tết

Phục hồi hoa tết

Tranh thủ thời gian nắng sau lũ, nông dân xã Phú Mậu (Phú Vang) tranh thủ trồng lại số hoa hư hại bị ngập. Vợ chồng anh Lê Ngọc Chất cặm cụi nâng từng cây hoa giống, trồng lại trên những vồng đất đã ủ rơm cẩn thận.

Ảnh hưởng lũ làm toàn bộ 10 ha hoa và 30 ha màu trên địa bàn xã Phú Mậu hư hại. Ngay khi nước rút, cứ có nắng là bà con tranh thủ xới đất phơi cho ráo, đánh vồng, ủ rơm để trồng lại để kịp vụ hoa tết đang đến gần.

Cùng với khôi phục trồng hoa, người dân Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh… đang khẩn trương tai sản xuất với cây rau màu, vốn là cây trồng cho thu nhập ổn định hàng ngày cho bà con. Chỗ đất nào cao hơn, khô ráo trước, bà con tranh thủ xới đất, phơi đất, trồng theo kiểu cuốn chiếu, canh thời tiết và chạy đua với thời gian.

Lũ cũng gây thiệt hại nặng cho ngành thủy sản của Phú Vang, nhất là nghề nuôi cá lồng nước ngọt và nuôi tôm, cua, cá nước lợ. Theo ông Ngô Văn Khuyến, chuyên viên Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, ngay sau lũ, các hộ làm nghề nuôi trồng thủy sản đã bắt tay vào việc kiểm tra, tu sửa lồng, sửa lưới. Đối với những hồ cá nước lợ, người dân đợi thời điểm thích hợp để cải tạo hồ, chờ độ mặn phù hợp để nuôi tiếp. Bà con tập trung chăm sóc số tôm, cá vượt vũ còn sót lại, chờ thời điểm thích hợp để bán được giá.

Theo thống kê ban đầu của UBND xã Vinh An, có 34 hộ nuôi/43 hồ (hạ triều) và 52 hộ nuôi/140 hồ nuôi (cao triều) tại địa phương bị ngập, với con số thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng. Với tinh thần khẩn trương khắc phục hậu quả sau thiên tai, người dân Vinh An nói riêng và Phú Vang nói chung tăng tốc, lấy ngắn nuôi dài, tạo đà cho những vụ nuôi mới.

Ổn định dân sinh

Thiệt hại do lũ vừa qua, Phú Vang có khoảng  900 lồng cá bị ảnh hưởng, hơn 50 ha hoa, màu bị ngập, sạt lở gần 4 nghìn mét bờ biển… Nhờ chủ động, ứng phó kịp thời, dù là huyện có nhiều xã thấp trũng, nằm cạnh sông ngòi, đầm, phá, nhưng Phú Vang đã đảm an toàn về con người, bảo quản hầu hết gia súc, gia cầm… của người dân.

Theo ông Hồ Viết Nhuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Vang, sau lũ, ngoài tập trung chỉ đạo nhân dân khắc phục hậu quả, tập trung tái sản xuất là khẩn trương khắc phục ô nhiễm môi trường. Việc cần làm ngay là dọn bùn, chung tay làm sạch vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh. Các xã Phú Dương, Phú Thượng, Phú Thanh, Phú Mỹ… đã kịp thời đẩy, vớt bèo trên các sông Như Ý, Phổ Lợi, hói Mậu Tài và các sông, hói khác, “giải cứu” nhiều cây cầu, thông thoáng dòng chảy, đảm bảo ổn định dân sinh sau lũ.

Từ 13/11, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của 70 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn Bộ binh 1, Trung đoàn 6 và Tiểu đoàn Tăng thiết giáp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, dân quân, người dân xã Phú Mậu bắt tay làm sạch tuyến đường các thôn Mậu Tài, Vọng Tài, Kim Ân, Lại Ân... 

Bài, ảnh: Quỳnh Anh  

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ

Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25/11.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
Đua với sóng dữ

Dẫu biết đó là cuộc đua không dễ để cân sức, nhưng các lực lượng ứng phó với tình huống khẩn cấp chống sạt lở bờ biển do ảnh hưởng của cơn bão số 6 (TRAMI) vừa qua đã đua với thời gian, với những con sóng dữ bằng quyết tâm cao nhất giữ cho được bờ biển.

Đua với sóng dữ
Return to top