Người dân chặt bỏ mía chết để trồng vụ mới
Gia đình chị Đoàn Thị Bích Vân ở thôn Hạ Lang, xã Quảng Phú trồng 4 sào (với diện tích 2.000m2) mía Cẩm Tân. Vừa xuống giống vài tháng thì mưa lũ xảy ra, kéo dài, gây ngập úng hoàn toàn. Sau lũ, gia đình chị đấu úng, cố gắng khôi phục, chăm bón nhưng mía chậm phát triển, sau đó chết dần, thiệt hại gần như hoàn toàn.
Chị Vân chia sẻ: Từ khi xuống giống, kể cả sau khắc phục lũ, gia đình chị đẩy mạnh chăm sóc theo kinh nghiệm và đúng quy trình kỹ thuật, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông với kỳ vọng được mùa, được giá. Nhưng bao nhiêu công sức chăm sóc, cũng như chi phí phân bón đều bị dòng lũ cuốn trôi, mưa rét gây hại hoàn toàn.
Bình quân mỗi năm gia đình chị Vân có nguồn thu nhập từ trồng mía 55-60 triệu đồng. Nhưng vụ mía năm nay gần như mất trắng. Mía chết, không có nguồn chi phí đời sống đã đành, chị Vân cũng như nhiều nông dân đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do nguồn giống và chi phí phân bón để tái sản xuất.
Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn Hà Cảng trồng 3 sào mía (với diện tích 1.500m2). Nếu như không gặp lũ lụt, mưa rét thì gia đình có nguồn thu nhập hơn 50 triệu đồng. Số tiền này phục vụ nuôi con ăn học, chi phí đời sống và tái sản xuất. Giờ đây, vụ mía mất trắng nên gia đình anh Hùng đang gặp rất nhiều khó khăn, không có điều kiện nuôi con ăn học và kinh phí mua giống, phân bón cho vụ mới.
Ông Phan Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phú nan giải: Toàn xã gieo trồng hơn 30 ha mía đều bị chết; trong đó gần 25 ha thiệt hại gần như hoàn toàn. Nhìn những ruộng mía khô héo của người dân, chúng tôi cảm thấy chạnh lòng trước những thiệt hại nặng nề. Trong điều kiện sản xuất bình thường, không bị thiệt hại, ước tính bình quân mỗi ha mía cho thu hoạch trên 200-250 triệu đồng/vụ.
Nếu chăm sóc đúng theo quy trình, kỹ thuật, không ảnh hưởng thiên tai thì thời điểm trước Tết Nguyên đán, những cánh đồng mía này sẽ được thương lái từ TP. Huế và các tỉnh lân cận đến thu mua. Nhưng vụ này thiệt hại hoàn toàn. Không chỉ thiệt hại, thua lỗ, vấn đề chính quyền địa phương cũng như người dân nan giải lúc này là thiếu nguồn giống mía tái sản xuất, khi nguồn lực của người dân gần như cạn kiệt do thiệt hại trong các đợt lũ cuối năm vừa qua.
Theo ông Phong, chính quyền địa phương đang triển khai kế hoạch chuyển đổi những diện tích mía chết, thiếu giống sang trồng lạc; hỗ trợ bà con chăm sóc, bảo vệ một số diện tích đảm bảo dinh dưỡng, chất lượng, đọt mía đủ mạnh để làm giống trồng vụ tiếp theo. Đến thời điểm này, bà con đã tiến hành dọn vệ sinh, làm đất, dự kiến trồng mới khoảng 15 ha mía và tiếp tục cố gắng trồng thêm một số diện tích có thể. Số diện tích còn lại sẽ chuyển đổi sang trồng lạc và cây rau màu do thiếu giống.
UBND xã đã làm việc với UBMTTQVN huyện Quảng Điền, thống kê kịp thời, triển khai công tác hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại để ổn định cuộc sống. Chính quyền địa phương mong rằng, nguồn kinh phí hỗ trợ cần kịp thời đến với người dân để có điều kiện khôi phục sản xuất, kịp thời vụ.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, ông Lê Văn Lự cho rằng, cây mía đã từng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giá thấp nhưng chưa bao giờ thiệt hại nặng như vụ mía vừa qua. Toàn huyện trồng hơn 35 ha, tập trung giống mía Cẩm Tân ở xã Quảng Phú khoảng 30 ha, còn lại rải rác ở các địa phương. Lũ lụt cuối năm vừa qua, rét đậm rét hại kéo dài khiến các diện tích mía hư hỏng gần như hoàn toàn, ước thiệt hại trên 5 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp huyện đang phối hợp với chính quyền địa phương kiến nghị các cấp, ngành sớm hỗ trợ kinh phí thiệt hại cho người dân từ nguồn dự phòng khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ.
Bài, ảnh: Cường Thành