Chuẩn bị trồng rau màu vụ đông xuân
Chỉ còn chừng 20 ngày nữa sẽ bước vào gieo cấy vụ lúa, rau màu đông xuân. Các HTXNN huy động lực lượng ra quân nạo vét, sửa chữa hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng bị hư hỏng. Khó khăn chung của các HTX trên địa bàn huyện Quảng Điền là không đủ nguồn lực kinh phí để xây mới, nâng cấp kiên cố kênh mương, thủy lợi nội đồng. Hầu hết các kênh mương tưới, tiêu bị hư hỏng đều chỉ được khắc phục tạm thời.
Ông Ngô Văn Hùng ở xã Quảng Phước chia sẻ, cứ sau mỗi mùa bão, lũ, hệ thống kênh mương trên địa bàn bị hư hỏng nặng. Nhân dân mất nhiều công sức sửa chữa, HTX thì thiếu kinh phí nên chỉ có khả năng xử lý, khắc phục tạm thời. Hệ thống kênh mương thiếu kiên cố, bị xuống cấp dễ bị hư hỏng khiến HTX, hộ thành viên hằng năm không chỉ tốn kinh phí sửa chữa mà còn gặp khó khăn trong việc tưới, tiêu cho các xứ đồng.
Giám đốc HTXNN Đông Phước, xã Quảng Phước, ông Ngô Đình Triển thông tin, các trận bão, lũ vừa qua làm hệ thống kênh mương trên địa bàn bị hư hỏng khá nặng. Một phần do kênh xây bằng bờ lô, phần đã qua sử dụng từ nhiều năm, tác động của thiên tai hằng năm làm hàng ngàn mét kênh mương không đảm bảo an toàn khi gặp lũ lớn.
Theo thống kê của HTXNN Đông Phước, trên địa bàn có khoảng 1.000 mét kênh mương phục vụ tưới, tiêu bị hư hỏng nặng, ước kinh phí sửa chữa, xây mới hàng tỷ đồng. Trong điều kiện kinh phí còn nhiều khó khăn, không có khả năng xây mới kiên cố nên HTX chỉ huy động Nhân lực, trích một phần kinh phí khắc phục tạm thời để kịp sản xuất vụ lúa, rau màu sắp tới. Về lâu dài, HTX đề nghị các cấp, ban ngành quan tâm đầu tư xây mới, nâng cấp kiên cố hóa hệ thống kênh mương một cách an toàn, bền vững.
Trên địa bàn HTXNN Mai Phước, xã Quảng Phước cũng có gần 1.000 mét kênh mương bị hư hỏng nặng. HTX cũng đang huy động hộ thành viên, nông dân ra quân sửa chữa, khắc phục tạm thời phục vụ sản xuất vụ đông xuân đang cận kề. HTX này cũng khó khăn về kinh phí xây mới, nâng cấp kiên cố hóa hệ thống kênh mương trên địa bàn.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quảng Điền, Trần Thị Thanh Nhã trao đổi, sau các trận bão, lũ vừa qua, các địa phương, HTX cùng với ngành nông nghiệp tiến hành khảo sát, rà soát hiện trạng hệ thống kênh mương. Theo đó, toàn huyện có khoảng 21.400 mét kênh mương bị hư hỏng, xuống cấp, không đảm bảo sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ lúa đông xuân sắp đến.
Qua đánh giá, do một số tuyến kênh mương có tường xây bằng gạch bờ lô từ năm 2000-2005, qua nhiều năm sử dụng và thiên tai khắc nghiệt dễ bị hư hỏng, xuống cấp nặng.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền, ông Lê Ngọc Bảo thông tin, trước mắt, các địa phương, HTX trích kinh phí, huy động Nhân dân chủ động khắc phục, sửa chữa tạm thời kênh mương hư hỏng đảm bảo phục vụ tưới tiêu trong vụ đông xuân tới. Về lâu dài, Phòng Tài chính - Kế hoạch phối hợp với Phòng NN&PTNT huyện rà soát, đánh giá cụ thể nhằm có sự đầu tư đồng bộ về kiên cố hóa kênh mương, thủy lợi nội đồng giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, phân kỳ nguồn lực thực hiện hàng năm, kinh phí đầu tư xây dựng các công trình sẽ huy động và lồng ghép từ nhiều nguồn.
Nguồn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hỗ trợ các các dự án duy tu, bảo dưỡng, kiên cố kênh mương. Ngân sách tỉnh, huyện và các xã, thị trấn hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Nguồn vốn đối ứng của các HTXNN được huy động đóng góp bằng tiền, vật liệu xây dựng, ngày công lao động từ hộ thành viên, nông dân cùng với Nhà nước xây dựng kênh mương. Ngoài ra, huyện sử dụng kinh phí hỗ trợ sản xuất lúa nước và thủy lợi phí hàng năm phục vụ xây dựng các công trình.
Vụ lúa đông xuân 2021-2022, toàn huyện Quảng Điền dự kiến gieo cấy khoảng 4.200ha lúa, với cơ cấu giống lúa xác nhận đạt 100% và 80% các giống ngắn ngày. Trong đó, khoảng 2.000ha cánh đồng mẫu lớn, theo chuỗi giá trị với các giống lúa mới, chất lượng, giá trị kinh tế. Vụ này, toàn huyện gieo cấy khoảng 600ha rau màu các loại. Để có vụ đông xuân thắng lợi, ngoài khắc phục thủy lợi, ngành nông nghiệp yêu cầu các địa phương gieo cấy đúng khung lịch mùa vụ, đảm bảo lúa trổ vào thời điểm thời tiết ấm; có biện pháp dự tính, dự báo và phòng trừ sâu bệnh một cách phù hợp, hiệu quả.
Bài, ảnh: Hoàng Thế