Lô điện thoại Iphone nhập lậu của cửa hàng kinh doanh điện thoại Bảo Lộc (68 Trường Chinh - TP. Huế) bị lực lượng chức năng phát hiện
Ông Phan Hùng Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống BL, GLTM&HG tỉnh Thừa Thiên Huế (BCĐ 389/TTH) thông tin, triển khai công tác chống BL, GLTM&HG, từ đầu năm đến nay, nhiều vụ việc, đối tượng, tụ điểm phức tạp về BL, GLTM&HG trên địa bàn đã được phát hiện xử lý kịp thời, nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa.
Cụ thể, các cơ quan chức năng đã phát hiện 1.317 vụ vi phạm; xử lý vi phạm hành chính 1.054 vụ với số tiền gần 11 tỷ đồng; truy thu, truy hoàn thuế hơn 15 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị hơn 9 tỷ đồng; xử lý hình sự 9 vụ với 8 bị can, qua đó, góp phần làm lành mạnh, ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
“Tuy nhiên, việc lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là thương mại điện tử (TMĐT) để buôn bán các loại hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ qua các sàn giao dịch điện tử, các tài khoản mạng xã hội ngày càng tinh vi, phức tạp, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc truy vết, xác định chính xác địa chỉ thực tế để tiến hành kiểm tra, kiểm soát theo quy định”, ông Sơn nêu thực trạng.
Cả nước nói chung, Thừa Thiên Huế nói riêng đang trong quá trình đẩy mạnh chuyển đổi số; internet hầu như đã bao phủ địa bàn toàn tỉnh; tiêu dùng trên địa bàn ngày càng đóng góp nhiều trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh… Những yếu tố đó đã thúc đẩy phương thức trao đổi hàng hóa qua TMĐT, TMĐT xuyên quốc gia.
Qua thực tế, có thể thấy TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ. Nhưng song song với sự phát triển này là nguy cơ đối tượng xấu lợi dụng để gian lận. Bên cạnh đó, việc phát triển TMĐT đồng nghĩa với việc kiểm soát thị trường sẽ gặp nhiều khó khăn do đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo có địa chỉ ma, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ…
Từ đây đến cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các đối tượng lợi dụng để vận chuyển, tiêu thụ hàng lậu, sản xuất hàng giả. Ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác nắm bắt tình hình thị trường; đẩy mạnh điều tra, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn BL, GLTM&HG; kịp thời nhận diện phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng lợi dụng để vi phạm…, qua đó có phương án ngăn chặn phù hợp, kịp thời.
Theo ông Phan Hùng Sơn, thời gian tới, các sở, ngành, lực lượng chức năng cần chú trọng triển khai các chuyên đề chống BL, GLTM&HG đối với mặt hàng thuốc lá điếu, đường cát, xăng dầu, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư y tế, các mặt hàng thiết yếu…; chú trọng thực hiện Kế hoạch 92/KH-BCĐ389 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống BL, GLTM&HG trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa…
Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông, ga tàu, bến xe, kho hàng, chợ đầu mối, trung tâm thương mại... nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, tập kết hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, qua đó, giúp công tác chống BL, GLTM&HG ngày càng phát huy hiệu quả.
Bài, ảnh: Hàn Đăng