Nếu người làm ong với cái tâm sáng thì dù mật ong lấy từ nguồn hoa nào cũng tốt...”. Tôi đã theo câu nói ấy để đến với một Nam Đông sóng sánh mật ong...
Nuôi ong đang tạo công ăn việc làm cho nhiều người
Nằm sâu giữa rừng keo lá tràm bạt ngàn của xã Hương Phú, trại ong Trường Sơn là một trong những cơ sở nuôi ong lấy mật có quy mô đầu tư bài bản. Năm 2011, sau khi tìm hiểu kỹ thuật nuôi ong, chủ trại ong này đã đầu tư phát triển mô hình nuôi o¬ng ngoại, giống có nguồn gốc từ Italia với số lượng 400 đàn. Sau 5 năm, đến nay mô hình nuôi ong này đã phát triển lên 1.500 đàn, được đánh giá là mô hình thành công nhất Nam Đông. Bình quân cho thu hoạch khoảng 40-50 tấn mật/năm, thời điểm được giá có lúc lên đến 30-40 triệu đồng/tấn. Như vậy, mỗi năm cho doanh thu cả tỷ đồng.
Tháng 5/2016 thương hiệu “Mật ong Trường Sơn-Nam Đông” đã được đăng ký với quy mô 1.500 đàn từ hàng trăm đàn ong của mình và của một số hộ trong vùng - ông Phạm Tấn Son, chủ trại ong Trường Sơn cho hay. Từ khi có thương hiệu, một công ty của Nhật Bản đã sang đặt vấn đề bao tiêu sản phẩm và hướng dẫn các quy trình nuôi ong theo chuỗi giá trị với những đòi hỏi nghiêm ngặt của một thị trường được xem là khắt khe, bao gồm máy móc các giải pháp kỹ thuật đồng bộ và khép kín từ khâu nuôi dưỡng, khai thác đến vận chuyển, sơ chế, bảo quản, xuất khẩu. Trong đó bao gồm những giải pháp công nghệ như tạo chúa chia đàn, đến quy trình phòng, trị bệnh và ngăn ngừa dư lượng thuốc trong các sản phẩm mật, công nghệ tinh lọc, giảm thủy phần, đóng gói, bảo quản mật trong xuất khẩu...
40 tấn mật ong đầu tiên đã được xuất cho công ty Nhật Bản để làm hương liệu. Mặc dầu giá cả không được tiết lộ nhưng chắc chắn sẽ cao hơn nhiều giá thị trường. Phía công ty Nhật Bản cam kết mỗi năm sẽ tiêu thụ cho Trại ong Trường Sơn 40-50 tấn trong thời gian dài, mở ra triển vọng lớn cho người nuôi ong Nam Đông.
Ngoài Nam Đông, hiện trên địa bàn tỉnh có gần chục ngàn đàn ong với hàng trăm người nuôi tập trung tại các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền... với sản lượng 500- 600 tấn/năm. Ông Trần Bá Lưu, Ủy viên BCH Hội nuôi ong Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội nuôi ong tỉnh cho biết, việc nuôi ong đem lại cân bằng sinh thái môi trường, thụ phấn cho cây trồng, làm tăng năng suất, sản lượng và phẩm chất nông lâm sản. So với các tỉnh Tây Nguyên hay ở miền Bắc, ở Thừa Thiên Huế có nhiều thuận lợi cho phát triển đàn ong, có thể khai thác mật từ 7- 9 tháng/năm.
Nuôi ong mật xuất khẩu đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn nghiêm ngặt
Ở Thừa Thiên Huế, phần lớn mật ong từ hoa tràm và được các chuyên gia đánh giá mật sạch, có nhiều hàm lượng các chất bổ, không có dư lượng kháng sinh, được ưa chuộng; có tác dụng tốt cho đường hô hấp và thầy thuốc khuyên dùng nó trong các bệnh cảm cúm, viêm phế quản, ho, viêm xoang, hen phế quản và tăng cường sức đề kháng, lại có hương vị đặc trưng rất riêng biệt nên cũng là điều dễ hiểu khi khách du lịch thường tìm mua làm quà .
Có lẽ, đây cũng chính là lý do mà Chính phủ Đan Mạch chọn Hội nuôi ong tỉnh để thực hiện đề án đầu tư một máy hạ thủy phần với kinh phí 9 tỷ đồng, công suất 400-500 tấn/năm. Ưu điểm của máy là tạo ra quá trình tách nước trong mật toàn kín, mật được xử lý trong môi trường chân không nên không có bọt khí, hạn chế tối đa quá trình lên men chua, không phát sinh các nấm mốc hữu khí. Màu sắc mật thương phẩm cũng như mùi vị, độ trong của mật được giữ nguyên như lúc mới thu hoạch. Sau khi hạ thủy phần, có thể đảm bảo các thành phần dinh dưỡng có trong mật ong, bảo quản được 2-3 năm thay vì 5-6 tháng như trước đây mà không cần có hóa chất bảo quản. Giá trị thương phẩm vì thế sẽ tăng và có thể chinh phục nhiều thị trường khó tính khác như Châu Âu, Mỹ...
Tôi cứ hình dung mãi về những bình mật ong nâu sóng sánh mà mình đã diện kiến trong những chuyến trở lại Nam Đông. Hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn con ong cần cù trong những cánh rừng tràm tự bản thân nó, đã là một chuỗi liên kết khó thể tách rời. Điều còn lại là sự chia sẻ và kết nối của những người chăm sóc, để từ đó, mật ong Huế sẽ thêm ngọt, sánh và thơm mãi...
Bài, ảnh:Thái Bình