ClockThứ Bảy, 26/08/2017 05:46

Tái định cư vùng sạt lở ven biển Phong Hải

TTH - Bờ biển thuộc địa phận xã Phong Hải (Phong Điền) những năm gần đây thường xảy ra sạt lở, đe dọa đời sống khu dân cư. Đến nay, đã có 141 hộ dân ảnh hưởng sạt lở biển được bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn.

Bờ biển Phong Hải còn cách nhà dân không xa

Anh Trương Văn Bình ở thôn Hải Thành sinh sống gần bờ biển mấy chục năm nay cho biết, hơn 10 năm về trước, bờ biển cách xa khu dân cư, mỗi lần ngư dân xuống thuyền đi biển phải mất cả chục phút đi bộ. Bây giờ, bờ biển chỉ còn cách khu dân cư hơn 100 mét, người dân rất lo ngại.

Một số năm xảy ra những cơn bão lớn, sóng biển dâng cao tràn vào khu dân cư, bà con phải sơ tán đến các hộ nhà cao tầng, hoặc phải di dời đến các hộ cách xa bờ biển để đảm bảo an toàn tính mạng.

Thời gian qua, chính quyền địa phương có chủ trương di dời người dân đến khu tái định cư (TĐC) mới an toàn, ổn định cuộc sống. Khi di dời đến nơi ở mới, bà con được cấp đất ở từ 150-200m2 và hỗ trợ kinh phí xây nhà (tùy thuộc vào giá trị của ngôi nhà cũ, chính sách hỗ trợ hằng năm), mỗi hộ được nhận từ 4,5-20 triệu đồng.

Phần lớn các hộ dân ở Phong Hải, nhất là người dân sống gần bờ biển đều làm nghề đánh bắt hải sản vùng lộng nên việc bố trí TĐC được chính quyền địa phương tính toán kỹ, hợp lý. Bên cạnh đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng vào mùa mưa bão, các khu TĐC đều được bố trí tại những địa điểm thuận lợi cho việc đi lại đánh bắt, buôn bán hải sản, kinh doanh dịch vụ...

Anh Trần Văn Hòa ở thôn Hải Nhuận nói: “Người dân các khu TĐC đều đánh bắt hải sản, kết hợp buôn bán, làm thêm một số nghề như phụ hồ, nuôi tôm thuê... nên công việc thường xuyên, thu nhập và đời sống ổn định hơn so với trước đây sinh sống ở ven bờ biển lúc nào cũng âu lo”.

Bí thư Đảng ủy xã Phong Hải- ông Nguyễn Văn Nuôi thông tin, chừng 10 năm về trước, bờ biển Phong Hải chưa từng xảy ra sạt lở. Tình trạng sạt lở tại địa phương trong những năm qua là điều bất thường, cho thấy sự tác động của biển đổi khí hậu rất rõ nét. Vào mùa biển động, hay có bão lớn thường bị sóng đánh gây sạt lở bờ biển, đe dọa khu dân cư. Hàng trăm bộ dân sống ven bờ biển phải sơ tán đến nơi an toàn.

Những năm qua, địa phương đã quy hoạch các khu TĐC tại các vị trí phù hợp, thuận tiện cho mọi sinh hoạt, đời sống, làm ăn của người dân. Các khu TĐC đều được bố trí các lô đất, quy định về quy mô, kiến trúc nhà ở phù hợp với điều kiện địa lý, trật tự đô thị của địa phương. Hệ thống điện được đưa vào tận các khu TĐC, hộ gia đình, các tuyến đường đều được bê tông sạch đẹp, các phương tiện giao thông, ô tô đi lại thuận lợi.

Đến nay đã có 141 hộ di dân được bố trí nơi ở mới đảm bảo an toàn. Trong đó, có 79 hộ đã xây dựng nhà ở ổn định, 42 hộ đã khởi công, xây móng; số còn lại đã nhận đất và nhận kinh phí hỗ trợ, mua vật tư, vật liệu chuẩn bị xây dựng nhà.

Theo Quyết định số 917/QĐ-UBND ngày 11/04/2007 của UBND tỉnh về việc phê duyệt kế hoạch bố trí TĐC cho dân bị ảnh hưởng thiên tai, tại xã Phong Hải có 150 hộ trong diện được hỗ trợ TĐC. Theo quy định về chính sách TĐC của tỉnh và tùy thuộc vào mức hỗ trợ hằng năm, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ từ 4,5-20 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Nuôi cho rằng, TĐC cho dân vùng sạt lở bờ biển chỉ là giải pháp tạm thời. Vào mùa bão lũ hằng năm, bờ biển Phong Hải vẫn tiếp tục xâm thực, có nguy cơ đe dọa một bộ phận dân cư khác. Về lâu dài, cần nghiên cứu để có phương án xây dựng hệ thống đê kè bờ biển kiên cố nhằm bảo vệ an toàn khu dân cư, ao hồ nuôi tôm chân trắng một cách bền vững, an toàn.

Ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền chia sẻ, tình trạng sạt lở bờ biển là vấn đề nan giải của các cấp, chính quyền địa phương. Vào mùa bão, lũ hằng năm, bờ biển Phong Hải thường bị xâm thực từ 5-7 mét. Nếu không có hệ thống đê kè kiên cố, tình trạng sạt lở bờ biển ở Phong Hải tiếp tục xảy ra, lấn sâu vào khu dân cư, ảnh hưởng hàng trăm hộ gia đình. Hằng năm, UBND huyện Phong Điền đều đề xuất tỉnh đề nghị Trung ương đầu tư xây dựng hệ thống đê kè bờ biển xã Phong Hải.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa cho biết, trước mùa bão, lũ hằng năm, các ban ngành thường đi kiểm tra các vùng sạt lở bờ biển, hướng dẫn các biện pháp sơ tán đến nơi an toàn khi gặp sóng to, gió lớn.

UBND tỉnh cũng đã đề xuất Trung ương hỗ trợ kinh phí xây dựng đê kè chống sạt lở bờ biển trên địa bàn tỉnh, trong đó có Phong Hải. Tuy nhiên, đến nay Trung ương mới bố trí nguồn vốn xây dựng kè biển ở xã Quảng Công (Quảng Điền), còn các địa phương khác và xã Phong Hải chưa bố trí. Trước mắt, các địa phương tiếp tục theo dõi tình trạng sạt lở để có biện pháp sơ tán và tổ chức TĐC cho dân, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình

Chiều 5/11, ông Dương Quang Hùng, Chủ tịch UBND xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc cho biết sóng lớn đã đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình, xã Lộc Bình (cửa biển Tư Hiền) chiều dài khoảng 100m, trong đó có đoạn khoảng 50m chiều dài lấn sâu vào đường dân sinh.

Sóng biển đánh sạt bờ kè khu vực Hải Bình
Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở

Trước tình hình mưa lớn, nguy cơ sạt lở và ngập lụt sâu, trong sáng 5/11, các địa phương của huyện Phú Lộc đã triển khai sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ cao về sạt lở, rào chắn cảnh báo các vị trí ngập lụt sâu.

Khẩn trương sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở
Tặng 1.000 cây dừa chống sạt lở biển

Sáng 22/10, lãnh đạo UBND xã Phong Hải (Phong Điền) thông tin, thông qua thầy Pháp Niệm và sư cô Tịnh Hằng- những người con sinh ra ở quê nhà đang tu tập tại Thái Lan, đã phối hợp, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm hỗ trợ 1.000 cây dừa, trị giá hơn 50 triệu đồng cho bà con ở địa phương.

Tặng 1 000 cây dừa chống sạt lở biển

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top