ClockThứ Hai, 14/03/2022 05:58

Tạm ngừng xuất khẩu sang Nga

TTH - Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine đã gây xáo trộn cho các hoạt động xuất, nhập khẩu từ các thị trường này của Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh. Tạm ngừng xuất khẩu và chuyển hướng sang các thị trường khác là giải pháp mà các DN triển khai nhằm hạn chế rủi ro và thiệt hại về tài chính.

Từ đầu tháng 3/2022, Công ty Scavi Huế đã ngưng xuất khẩu hàng hóa sang Nga

Chuyển thị trường

Là DN hàng đầu về sản xuất nội y, quần áo tắm, thể thao và quần áo bảo hộ y tế đóng tại Khu công nghiệp Phong Điền với 7.500 CBCNV - LĐ, thị trường xuất khẩu của Công ty Scavi Huế khá phong phú và đa dạng, gồm Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu, trong đó có Nga. Dù kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sang Nga không nhiều, chỉ chiếm từ 5-7% trong tổng KNXK của DN, song thị trường này cũng mang lại nguồn thu và góp phần tạo sự ổn định trong hoạt động xuất khẩu của đơn vị.

Theo lãnh đạo công ty, sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine xảy ra, hoạt động xuất khẩu sang Nga bị gián đoạn, do một số hãng tàu đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga nên muốn xuất hàng phải thông qua cảng trung gian tại Đức hoặc Hà Lan. Tại đó, hàng hóa sang Nga phải đợi để đi tiếp nhưng chưa rõ thời gian cụ thể, trong khi hàng phải lưu bãi chi phí rất cao nên từ đầu tháng 3/2022 đến nay, công ty đã ngừng xuất hàng qua Nga và chuyển sang các thị trường cũ như Mỹ, Hàn Quốc và châu Âu.

Về mặt tài chính, Công ty Scavi Huế không chịu tổn thất do DN chỉ chịu trách nhiệm xuất khẩu hàng hóa sang Nga thông qua hợp đồng giao dịch với các đối tác của Pháp có cửa hàng đặt tại Nga, chứ không xuất khẩu trực tiếp cho khách hàng ở Nga. Sau khi tạm dừng xuất khẩu, DN tiếp tục thực hiện các đơn hàng để xuất sang các thị trường đã ký kết trước đó.

Scavi Huế là 1 trong 3 DN trước đây có hàng hóa xuất khẩu sang Nga

Cùng với lĩnh vực dệt may, Nga là một trong những thị trường tiềm năng đối với sản phẩm bàn ghế nhựa ngoài trời. Thông qua một khách hàng Mỹ, năm 2021, Công ty CP Liên Minh có nhà xưởng hoạt động tại Khu công nghiệp Phú Đa xuất khẩu các loại bàn ghế được sản xuất từ sợi nhựa sử dụng ngoài trời và một số sản phẩm nội ngoại thất từ sợi nhựa sang Nga. Sau khi chiến sự giữa 2 nước Nga - Ukraine xảy ra, khách hàng yêu cầu tạm ngừng xuất hàng sang Nga do liên quan đến dịch vụ vận chuyển. Từ đó, DN tiếp tục xuất hàng cho các DN ở Mỹ và châu Âu.

Theo ông Nhật, quản lý công ty, lâu nay đơn vị chỉ làm đầu mối trung gian, xuất khẩu hàng hóa qua Nga cho các đối tác Mỹ nên không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu hiện tại. Khi ngừng xuất sang Nga, các lô hàng đã ký vẫn tiếp tục xuất sang các thị trường nằm trong danh sách DN đã ký kết đơn hàng từ cuối năm 2021 nên hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra bình thường, không tác động đến vấn đề tài chính.

Công ty Scavi Huế đã tạm ngừng xuất khẩu hàng hóa sang Nga từ đầu tháng 3/2022

Theo dõi sát tình hình, chủ động ứng phó

Thống kê của Sở Công thương, hiện trên địa bàn chỉ có 3 DN tham gia xuất khẩu hàng hóa qua Nga với tổng KNXK chiếm 1,17% trên tổng KNXK toàn tỉnh, gồm Công ty Scavi Huế, Công ty CP May xuất khẩu Huế và Công ty CP Liên Minh; sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là hàng may mặc, bàn ghế ngoài trời sản xuất từ sợi nhựa. Đối với thị trường Ukraine, trong năm 2021 và 2 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn không có DN xuất khẩu hàng hóa qua nước này.

Theo lãnh đạo các DN có ngành hàng xuất khẩu, mặc dù không chịu tác động nhiều sau khi chiến sự giữa 2 nước xảy ra, song Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của các DN Thừa Thiên Huế, trong khi Mỹ đang thực hiện nhiều chính sách cấm vận với Nga nên thời gian tới, DN cần được Chính phủ, cơ quan chức năng, các hiệp hội DN hỗ trợ cập nhật, tìm hiểu về sự cấm vận này và tiến hành thảo luận với đối tác Mỹ để tránh bị chế tài, tránh bị cáo buộc vi phạm các biện pháp cấm vận.

Mới đây, Bộ Công thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình căng thẳng và các rủi ro có thể xảy ra với nền kinh tế. Theo đó, Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành một số biện pháp cụ thể bước đầu, trong đó lưu ý đối với các hiệp hội ngành hàng, DN tham gia hoạt động xuất khẩu cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán trong bối cảnh cấm vận. Bộ Công thương cũng chỉ đạo toàn bộ hệ thống thương vụ tại các nước châu Âu có trách nhiệm cao nhất trong việc hỗ trợ DN đang có gặp khó khăn trong hoạt động xuất, nhập khẩu với Nga và Ukraine để tìm cách chuyển hướng sang các thị trường phù hợp tại châu Âu.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường

Theo kế hoạch, năm 2026 trên địa bàn tỉnh sẽ đưa vào sử dụng trên 80% cát nghiền (cát nhân tạo) thay thế cát tự nhiên. Dù có nhiều giải pháp được triển khai, nhưng đến nay việc sử dụng cát nhân tạo vẫn chưa đạt kế hoạch.

Cát nhân tạo chưa tiếp cận được thị trường
Khai thác thị trường du lịch y tế

Nhu cầu du khách nước ngoài đến Việt Nam để kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và khám, chữa bệnh rất cao. Với thương hiệu y tế của cả đông - tây y và đặc điểm yên bình của Huế, du lịch Cố đô có thể đầu tư khai thác thị trường tiềm năng này.

Khai thác thị trường du lịch y tế
Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ

Sau khi ông Donald Trump tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, thị trường chứng khoán Mỹ ngày 6/11 đã có phiên tăng điểm vô cùng mạnh mẽ. Thông tin trên cũng đã ngay lập tức có những tác động đáng kể tới tỉ giá đồng USD cũng như các mặt hàng khác như dầu và vàng.

Phản ứng của thị trường thế giới trước kết quả bầu cử Mỹ
Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

Hiểu được quy luật "ở đâu có dòng người, ở đó có dòng tiền", các doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngày càng khai thác tối đa nhiều kênh bán hàng khác nhau để tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thương mại đa kênh để mở rộng thị trường

TIN MỚI

Return to top