|
Dự án Aeon Mall Huế đi vào hoạt động tạo nên không gian mua sắm mới cho Huế |
Từng bước đồng hành
Thừa Thiên Huế đang bước vào vận hội mới trong hoạt động xúc tiến đầu tư. Chỉ tính trong năm qua, trên địa bàn đã cấp mới cho 39 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt 6.266 tỷ đồng, trong đó có 15 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), với vốn đăng ký 31,5 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 8 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến đăng ký đạt 5.542 tỷ đồng.
Hoạt động xúc tiến đã có kết quả ban đầu, song để các dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư và đi vào hoạt động cần sự nỗ lực không ngừng từ các chủ đầu tư đến sự đồng hành hỗ trợ của chính quyền và các ban ngành liên quan. Do đó, từ đầu năm 2022, UBND tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác nhằm kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để khởi công các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài ngân sách. Ngoài ra, việc thành lập và quy định chức năng nhiệm vụ cụ thể của Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tỉnh cũng góp phần quan trọng giúp tỉnh thực thi vai trò cầu nối giữa chính quyền với DN; là đơn vị đồng hành, hỗ trợ, phục vụ DN, nhà đầu tư.
Bà Nguyễn Thị Bích Thảo, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và Hỗ trợ DN thông tin, với vai trò hỗ trợ nhà đầu tư, sau khi các dự án đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, cán bộ chuyên trách theo dõi dự án của Trung tâm sẽ thực hiện vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư, trực tiếp làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan, cập nhật các quy hoạch, dự án vào các danh mục và bản đồ quy hoạch. Vì thế, khi đến Thừa Thiên Huế đầu tư, các DN không cần phải đến từng cơ quan để đề nghị cập nhật tiến độ dự án, giúp nhà đầu tư tiết kiệm được thời gian và chi phí.
Đó cũng là cách góp phần thúc đẩy một số dự án đảm bảo tiến độ đề ra. Trong đó phải kể đến dự án Hue Amusement & Beach Park (H.A.B Park) tại huyện Phú Vang đã khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 ngày 30/9/2024; dự án Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ và biệt thự nghỉ dưỡng tại 2 xã Vinh Thanh - Vinh Xuân, huyện Phú Vang đã khánh thành và đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào ngày 28/9/2024; Trung tâm thương mại dịch vụ Aeon Mall Huế, tại khu A – Đô thị mới An Vân Dương đã khánh thành và đi vào hoạt động vào tháng 9/2024. Ngoài ra, các dự án Siêu thị Go! Hương Trà; dự án Tổ hợp Khu dịch vụ thương mại và du lịch Phạm Văn Đồng cũng đã khởi công trong quý II/2024…
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo, hiện nay, tinh thần chung của tỉnh hỗ trợ tốt nhất cho các nhà đầu tư, nhất là đối với các dự án đã hoàn thành cấp phép đầu tư và đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư nên Trung tâm tập trung nhân lực để thực hiện tốt nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng duy trì việc báo cáo thường xuyên với UBND tỉnh, tổ công tác về tình hình thực hiện các dự án ngoài ngân sách; thành lập các nhóm hỗ trợ cho 28 dự án có thể khởi công trong quý IV/2024 và quý I/2025. Các chuyên viên của Trung tâm được giao nhiệm vụ theo dõi dự án sẽ chủ động, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục hành chính nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
|
Các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh |
Ứng dụng công nghệ trong hoạt động hỗ trợ
Cũng theo bà Nguyễn Thị Bích Thảo, với mong muốn thay đổi một cách toàn diện phương thức hoạt động và vận hành dự án theo lộ trình cụ thể, Trung tâm đã làm việc với đơn vị thiết kế để xây dựng ứng dụng “Hue Investment Care” (HIC) theo dõi tiến độ các dự án ngoài ngân sách trên điện thoại di động. Thông qua ứng dụng này, các thành viên tổ công tác sẽ dễ dàng theo dõi, giám sát tiến độ công việc đề ra; đồng thời các vướng mắc phát sinh cũng sẽ hiển thị giúp các thành viên nắm bắt và kịp thời có giải pháp xử lý. Hiện nay, Trung tâm đã cơ bản hoàn thiện ứng dụng HIC và đang chạy bản demo, dự kiến trong thời gian ngắn nhất sẽ đưa ứng dụng đi vào vận hành.
Ngoài ra, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, tỉnh cũng sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh gắn với việc triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ DN, thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tập trung tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho DN... Phấn đấu duy trì, nâng cao vị trí xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) và chỉ số sẵn sàng và ứng dụng công nghệ thông tin (ICT) của tỉnh trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu.
Bên cạnh việc chú trọng thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi về đầu tư của Trung ương, Thừa Thiên Huế cũng điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh phù hợp với từng lĩnh vực, ngành nghề. Ưu tiên thu hút vốn đầu tư FDI bằng nhiều hình thức thích hợp, nhất là các công ty đa quốc gia để tranh thủ tiếp cận công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý, điều hành tiên tiến, mở lối thâm nhập vào thị trường khu vực và thế giới. Đồng thời, tập trung hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN đã được cấp phép đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng để đưa các dự án đi vào hoạt động. Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có chiến lược dài hạn, xác định các đối tượng chủ chốt, xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút các nhà đầu tư chiến lược có khả năng dẫn dắt, hình thành các ngành kinh tế trọng điểm..., bà Thảo thông tin.