ClockThứ Năm, 29/10/2020 14:32

Tập trung khắc phục thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống người dân

TTH.VN - Đó là chỉ đạo của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu tại buổi kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 9 (bão Molave) tại huyện Nam Đông vào sáng 29/10. Cùng đi có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Thiên Định

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu (ở giữa) kiểm tra diện tích cây cao su bị gãy đổ do bão

Thiệt hại nặng

Do ảnh hưởng của bão số 9, bắt đầu từ lúc 9h30 đến 17h ngày 28/10, trên địa bàn huyện Nam Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9 làm nhiều nhà dân tốc mái và nhiều diện tích cây lâm nghiệp, cây xanh ven đường, cột điện bị ngã đổ.

Đại diện UBND huyện Nam Đông cho biết, trước khi bão số 9 đổ bộ, để đảm bảo an toàn cho các hộ ở những vùng có nguy cơ ảnh hưởng của thiên tai, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện sơ tán 1.595 hộ, với 5.395 khẩu ở các vùng thấp trũng, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét đến các vị trí an toàn; hiện nay các hộ sơ tán đã trở về lại nhà an toàn.

Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện, Nam Đông không có thiệt hại về người nhưng có có 5 ngôi nhà bị sập, hơn 400 ngôi nhà và 5 trường học, trụ sở cơ quan bị tốc mái.

Người dân cắt tỉa các cây cao su bị gãy đổ

Toàn huyện có hơn 20 điểm tại các tuyến đường giao thông, đường dân sinh bị sạt lở, hư hỏng và 16 cầu, cống bị nước xói lở gây hư hỏng. Ngay từ sáng sớm ngày 29/10, UBND huyện Nam Đông huy động tất cả lực lượng tập trung khắc phục tạm thời các tuyến đường tắc nghẽn do cây xanh và cột điện bị ngã đổ. Đến trưa cùng ngày, các tuyến đường chính đã thông tuyến và đến cuối giờ chiều giao thông toàn huyện thông suốt trở lại.

Hơn 3,6 km bờ bờ sông, suốt cũng bị sạt lở và gần 3ha đất trồng lúa bị đất, đá vùi lấp; 4 đập đầu mối bị hư hỏng và hơn 1km kênh mương bị nước lũ cuốn trôi.

Gió giật mạnh cũng khiến hàng loạt diện tích cây trồng bị thiệt hại, trong đó có: hơn 2.500ha rừng trồng (keo); khoảng 1.500ha cao su; gần 30ha rau màu các loại; hơn 25ha cây hàng năm và khoảng 10ha cây ăn quả.

Về chăn nuôi và thủy sản, có 20 con gia súc (trâu, bò, lợn) và 740 con gia cầm bị chết do ngập lụt và hơn 30ha ao cá bị nước cuốn trôi; 5 nhà lưới, nhà màn bị hư hỏng.

Tập trung khắc phục hậu quả

Kiểm tra các điểm thiệt hại nặng do mưa bão, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đánh giá cao công tác sơ tán người dân và khắc phục thiệt hại của huyện Nam Đông. Đồng thời yêu cầu chính quyền địa phương tập trung lực lượng thông tuyến giao thông và sớm khắc phục các nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học bị tốc mái để người dân ổn định cuộc sống.

Trụ sở UBND xã Hương Phú bị tốc mái

Với các diện tích cây trồng bị thiệt hại, huyện cần rà soát kỹ để có thống kê cụ thể và giải pháp khắp phục; đồng thời nắm bắt sâu sát tình hình đời sống của người dân sau bão để kiến nghị lên các cấp có chính sách hỗ trợ.

Về lâu dài, rút kinh nghiệm từ các địa phương miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sạt lở thời gian qua, Nam Đông cần tiến hành khảo sát địa chất trên quy mô toàn huyện để đánh giá lại các điểm có nguy cơ sạt lở cao, chuẩn bị sẵn sàng di dời dân cư khi có thiên tai xảy ra. Vấn đề di dời dân cư ở khu vực lòng hồ thủy điện, tránh ngập lũ cũng cần được quan thực hiện kịp thời.

Bên cạnh đó, huyện cần nghiên cứu giải pháp thay thế cây trồng ở một số vùng thường xuyên bị thiệt hại do mưa bão, đảm bảo ứng phó với thiên tai.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu đi kiểm tra tại nhiều điểm thiệt hại trên địa bàn huyện

Minh Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống

Ngày 15/11, Đại tá Nguyễn Thanh Tuấn, UVTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh đã đến dự và chung vui Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cùng người dân thôn Bha Bhar (xã Hương Sơn, huyện Nam Đông) nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930-18/11/2024).

Người dân thôn Bha Bhar chung sức, đồng lòng nâng cao đời sống
Return to top