"Bộ ba" Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Nguyễn Thị Minh Nga và Lê Thanh Bình (từ trái qua phải) lớp Công nghệ Sinh học, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế có chung đam mê nghiên cứu khoa học
Học chung lớp và thường làm bài nhóm cùng nhau, ba cô gái lớp Công nghệ Sinh học, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế luôn trăn trở tìm kiếm được nguồn phân bón an toàn. Nguyễn Thị Ngọc Trinh, thành viên của nhóm, chia sẻ: “Mong muốn của chúng em là tạo ra loại phân bón sinh học giúp tăng năng suất cây trồng, chất lượng an toàn của sản phẩm, tận dụng nguồn chất thải trồng nấm rơm sẵn có và phân trâu bò từ chăn nuôi, tạo thêm nguồn thu nhập cho người trồng nấm rơm bằng việc thu mua bã, giảm chi phí nguyên vật liệu trong sản xuất cây trồng (giá cả phân bón sinh học sẽ rẻ hơn phân hữu cơ hiện nay)”.
Với sự hướng dẫn của TS. Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, nhóm thử nghiệm làm loại phân bón sinh học từ giun quế ở quy mô nhỏ trên các nguồn phế phụ phẩm, như: bã rơm sau khi trồng nấm rơm của Hợp tác xã Phú Hồ (huyện Phú Vang), bã thải của nhà máy sản xuất tinh bột sắn, bèo Nhật Bản... Đây là những nguồn nguyên liệu có sẵn, giá thành rẻ để sản xuất phân bón. Cùng với đó, nhóm sử dụng giun quế, là loại giun có nguồn đạm dồi dào, cung cấp 20 loại amino axit cho cây trồng, có khả năng giữ ẩm, duy trì độ PH cho đất và cải tạo đất để tạo ra một loại phân giàu dinh dưỡng có tác dụng kích thích sự tăng trưởng của cây trồng. Không giống như phân chuồng, phân giun quế được hấp thu ngay một cách dễ dàng bởi cây trồng, kích thích tăng trưởng cây trồng và tăng khả năng duy trì giữ nước trong đất và thậm chí còn có thể ngăn ngừa các bệnh về rễ. Kết quả thử nghiệm trên một số loại rau cho thấy sức sinh trưởng của cây là rất tốt.
Ngoài ra, quá trình này sẽ tạo nên lợi ích “kép”, sau khi thu phân giun còn thu được một lượng lớn giun, đây là nguồn thức ăn giàu đạm cho các loại gia cầm còn non hoặc dùng làm thức ăn để ương nuôi cá giống.
Nguyễn Thị Minh Nga, thành viên nhóm, cho biết thêm: “Việc sử dụng nguồn phân bón sinh học từ giun quế không chỉ tạo ra một cộng đồng sử dụng thực phẩm sạch, an toàn mà còn giúp cải tạo đất trồng trọt, giảm ô nhiễm môi trường, sức khỏe con người được đảm bảo, phát triển một nền nông nghiệp bền vững”.
Bên cạnh đó, khi sử dụng nguồn rơm rạ, phân tươi cho quy trình tạo phân bón sẽ giúp giữ mỹ quan làng quê, bởi nếu ở môi trường bên ngoài, số phế phụ phẩm này sẽ có thời gian phân hủy rất lâu, gây ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường sống.
Nhóm đã tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019 – 2020 (Hult Prize)” do Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế tổ chức và đạt giải khuyến khích. Sau đó, tiếp tục đưa dự án đã tham gia chương trình Demo Day – Ngày hội kết nối đầu tư năm 2019 do ĐH Huế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng các chương trình Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Văn phòng Đề án 844 và FINNO Group tổ chức. Qua đó, nhóm được hỗ trợ, tham dự những hoạt động như: hội nghị thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Huế; chia sẻ của các diễn giả, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cuộc thi "Xây tháp – Marshmallow Challenge" trong khuôn khổ chương trình Demo Day mở rộng. Thành quả lớn nhất đạt được là dự án đã thu hút được nguồn vốn 200 triệu đồng từ ông Ngô Diệp Chung, Giám đốc Công ty Địa ốc Đất vàng Chung Group.
TS. Nguyễn Minh Trí, Trưởng khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, là giảng viên cố vấn khoa học và kỹ thuật cho nhóm, nhận xét: “Nhìn chung đây là một dự án khởi nghiệp phù hợp với sinh viên và có tính khả thi cao. Các thành viên trong nhóm đều có ý thức học tập và nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng có ý tưởng làm dự án khởi nghiệp nhằm đưa ra cuộc sống những sản phẩm hữu ích, phục vụ cho ngành nông nghiệp và giải quyết một lượng lớn phế phụ phẩm, góp phần làm sạch môi trường”.
Bài: Phước Ly
Ảnh: Nhân vật cung cấp