ClockThứ Hai, 02/12/2024 05:23

Thế và lực cho cửa ngõ phía nam

TTH - Trải qua nhiều lần tách - nhập, lần này, huyện Phú Lộc và Nam Đông lại được sáp nhập từ chủ trương và chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác kiện toàn, sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Đây không chỉ là niềm ao ước của người dân, mà cửa ngõ phía nam của thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 tại Việt Nam sẽ có thêm nhiều động lực phát triển.

Hoàn thành chỉnh trang, tạo mỹ quan trên cung đường ở cửa ngõ phía Nam TP. Huế

 Phát triển Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô là một trong các chương trình trọng điểm của Phú Lộc

Ngày vui

Về hai huyện Phú Lộc, Nam Đông trước ngày sáp nhập, người dân đang rất háo hức. Từng là người con của Phú Lộc, theo tiếng gọi của Đảng đi lên Nam Đông xây dựng quê hương mới, ông Đoàn Văn Hải luôn mong ngóng sự đổi thay của quê hương. Ông bảo: “Phú Lộc và Nam Đông đều là quê hương, nhưng còn xa nhau về mặt địa lý. Hai huyện sáp nhập và được đầu tư phát triển, những người một cảnh hai quê như chúng tôi vô cùng phấn khởi”.

Huyện Nam Đông được tách ra từ huyện Phú Lộc và tái lập lại vào tháng 10/1990 (theo Quyết định số 345/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 28/8/1990). Trải qua những chặng đường khó khăn, gian nan, người dân ở 2 huyện đã đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau, chung sức đóng góp để Thừa Thiên Huế chuyển mình, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Trước yêu cầu phát triển mới, Phú Lộc và Nam Đông lại “về chung một nhà”. Theo lãnh đạo UBND tỉnh, việc sáp nhập huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc phù hợp với Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định 1745/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 tại Quyết định 108/QĐ-TTg ngày 26/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, chủ trương đã xác định đến năm 2025, xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 ĐVHC cấp huyện, gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện; trong đó có phương án sáp nhập huyện Phú Lộc và Nam Đông. Việc sáp nhập cũng nhằm thực hiện chủ trương và chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về công tác kiện toàn, sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Sau khi nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 2 huyện để thành lập huyện mới, huyện Phú Lộc sau ngày sáp nhập có diện tích tự nhiên là 1.368,23km2 và quy mô dân số là 180.606 người. Đây là cơ sở để chính quyền địa phương hoạch định chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với những yêu cầu, điều kiện trong tình hình mới. Đồng thời, tạo điều kiện và thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình quản lý lãnh thổ, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống hạ tầng đô thị và nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công.

 Dự án Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế tạo nhiều công ăn việc làm cho lao động huyện Phú Lộc

Trung tâm kinh tế, đô thị mới và hiện đại của Huế

Huyện Phú Lộc có vai trò quan trọng là địa bàn cửa ngõ phía nam của Thừa Thiên Huế và thành phố Huế sau khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là địa phương có vị trí địa lý đặc thù, điều kiện tự nhiên thuận lợi, tài nguyên phong phú để phát triển các lĩnh vực kinh tế (nông nghiệp, công nghiệp, du lịch - dịch vụ, tài nguyên khoáng sản, biển, đầm phá...). Trong tương lai, huyện Phú Lộc được xác định sẽ là trung tâm kinh tế, đô thị mới và hiện đại của Huế.

Thời gian qua, Phú Lộc và Nam Đông đã tập trung phát triển các chương trình kinh tế - xã hội trọng điểm đã đề ra: Phát triển du lịch - dịch vụ; xây dựng nông thôn mới và xây dựng mỗi xã một sản phẩm; cải cách hành chính; phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô; phát triển đô thị. Trên bước đường phát triển, địa phương cũng đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh vốn có để phát triển dịch vụ, du lịch, đặc biệt là du lịch biển, suối. Phát triển lĩnh vực dịch vụ theo hướng đầu tư chiều sâu, nâng cao chất lượng, tạo bước đột phá để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn phát triển du lịch với bảo vệ cảnh quan môi trường, hệ sinh thái động, thực vật, hệ sinh thái đầm phá.

Những năm gần đây, từ các nguồn lực Trung ương và địa phương, hệ thống hạ tầng giao thông nội huyện, liên vùng ở Phú Lộc được đầu tư nhiều. Không chỉ hệ thống giao thông kết nối ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, nhiều tuyến đường ở các xã bên kia đầm Cầu Hai, như Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Vinh Hiền cũng được triển khai đồng bộ. Mạng lưới các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện kết nối Quốc lộ 49A và các địa phương được đầu tư, tạo động lực mới cho khu vực phía nam phát triển. Nổi bật là các công trình giao thông ở khu vực La Sơn được đẩy mạnh, nhằm kết nối cửa ngõ phía bắc Phú Lộc với các huyện, thị xã trong tỉnh.

Theo đề án sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh, thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc sẽ được thành lập trên cơ sở nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Lộc Sơn. Đô thị La Sơn là đô thị loại V và trở thành thị trấn, được định hướng là trung tâm của tiểu vùng khu vực phía bắc huyện Phú Lộc trên trục Quốc lộ 1: Thị trấn Lộc Sơn - thị trấn Phú Lộc - thị trấn Lăng Cô sẽ là 3 trung tâm thương mại, dịch vụ lớn của huyện.

Việc sáp nhập 2 huyện Phú Lộc, Nam Đông tạo ra thế và lực, tập hợp các nguồn lực, điều kiện để phát triển. Phú Lộc sẽ có điều kiện tự nhiên vô cùng phong phú, đa dạng từ núi rừng đến biển, đầm phá, nằm giữa 2 đô thị lớn của vùng duyên hải miền Trung là TP. Huế và TP. Đà Nẵng; có nhiều tuyến giao thông quan trọng quốc gia chạy qua như: Quốc lộ 1A, tuyến đường sắt Bắc - Nam, cao tốc La Sơn - Túy Loan; có cảng nước sâu Chân Mây, cửa ngõ ra Biển Đông quan trọng của các nước trên hành lang kinh tế Đông – Tây…

Lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc cho biết, từ những chủ trương nhất quán của Trung ương, các cấp, ngành, địa phương, huyện sẽ tập trung chuẩn bị tốt các điều kiện về mặt bằng, hạ tầng, nguồn nhân lực... để đón các nhà đầu tư vào đầu tư trên địa bàn. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Phát triển mạnh các các ngành kinh tế, dịch vụ có tiềm năng để mang lại một sắc diện mới cho cửa ngõ phía nam của Huế.

Minh Tâm
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Danh sách bình luận (1)
Giữa cả b-n & đ-t - 02/12/2024 12:23
Báo cáo logistics VN của Bộ Công thương: "Cơ cấu vận tải hàng hóa phụ thuộc nhiều vào vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân dẫn đến chi phí logistics cao, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam" Đúng vậy, và 1 điểm yếu nữa làm chi phí logistics VN tăng nhiều mà chính JICA Nhật Bản đã khuyến cáo TỪ LÂU nhưng VN không nghe, đó là: Địa hình VN dài bắc - nam như Nhật Bản (NB), nhưng do VN KHÔNG phát triển CỰC SẢN XUẤT MẠNH ở giữa bắc - nam như NB, nên lưu chuyển hàng hoá chỉ 2 đầu với nhau là chính, so với nếu trung hòa BẮC- TRUNG -NAM, là lý do LỚN làm chuyển chi phí logistics VN LỚN!!! (Chưa nói tới, giữa bắc-nam VN còn đồng thời là giữa đông-tây ĐBÁ/ĐNÁ lục địa). https://congthuong.vn/thay-gi-qua-bao-cao-logistics-viet-nam-2024-361976.html

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam

Chúa Tiên Nguyễn Hoàng là một nhân vật đặc biệt của lịch sử Việt Nam trong giai đoạn cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII. Ông được đánh giá là vị “Anh hùng mở cõi vĩ đại”, người đặt nền móng cho cơ nghiệp của dòng họ Nguyễn ở đất phương Nam và cho sự hình thành của vùng đất Đàng Trong trong các thế kỷ XVI-XVIII.

Chúa Nguyễn Hoàng, người có công lớn mở rộng bờ cõi về phía Nam
15 năm phát triển vùng Đông Nam Bộ - vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam

Sáng 9/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

15 năm phát triển vùng Đông Nam Bộ - vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam
Xuất cấp hơn 75.000 tấn gạo hỗ trợ người dân

Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) vừa có công văn gửi UBND 9 tỉnh, thành phố phía Nam về việc xuất cấp 75.413 tấn gạo từ nguồn dự trữ Quốc gia để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do bị tác động của đại dịch COVID-19.

Xuất cấp hơn 75 000 tấn gạo hỗ trợ người dân
Return to top