ClockThứ Hai, 10/06/2024 16:21

Cần giải pháp căn cơ, lâu dài trong quản lý thị trường vàng

Các chuyên gia kinh tế kiến nghị, cần có giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24) cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Cần giải pháp căn cơ quản lý vấn đề 'nóng' về vé máy bay, thị trường vàngĐánh giá toàn diện kết quả triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàngSức nóng thị trường vàng: Nhu cầu tăng cao, giá vọt lên đỉnhTăng cung để hạ nhiệt giá vàngMua bán vàng phải xuất hóa đơn: Giải pháp giúp minh bạch thị trường vàng

(Ảnh minh họa: Thành Đạt) 

Theo các chuyên gia kinh tế, phương án Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) để bán vàng miếng SJC trực tiếp tới người dân sẽ mang lại kết quả giảm giá chênh theo mục tiêu. Tuy nhiên, vẫn cần có giải pháp dài hạn như sửa đổi Nghị định số 24/2012/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định số 24) cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Linh hoạt biện pháp can thiệp

Trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động, vàng là câu chuyện của quốc tế, không chỉ riêng Việt Nam. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều giải pháp.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có kế thừa cách làm năm 2013 thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng để tăng cung ra thị trường. Tuy nhiên, qua 9 phiên đấu thầu chênh lệch giá không giảm như kỳ vọng”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết. 

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, giai đoạn này có nhiều khác biệt so với năm 2013. Do đó, cơ quan này đã điều chỉnh và triển khai biện pháp can thiệp mới là từ ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán vàng trực tiếp qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty Vàng bạc đá quý (SJC) để các đơn vị này bán vàng cho người dân. Qua một tuần triển khai, bước đầu đã đạt được là chênh lệch giá bán vàng miếng SJC và giá vàng thế giới đã được thu hẹp, chỉ còn khoảng hơn 6 triệu đồng/lượng.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng cũng cho biết, việc can thiệp của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa qua là có cơ sở pháp lý (Nghị định 50/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước; Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng; Nghị định 16/2017 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thông tư 06/2013 hướng dẫn hoạt động mua,bán vàng miếng trên thị trường trong nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2014/TT-NHNN ngày 10/12/2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước...).

“Nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá vàng sức hấp dẫn còn rất lớn; nhu cầu dự trữ vàng trong dân lớn. Do đó, cần nghiên cứu khai thác nguồn lực vàng vào sản xuất kinh doanh. Mặt khác, tình trạng đô-la hóa, vàng hóa vẫn tồn tại trong nền kinh tế, việc xử lý cần thời gian”, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng cho hay.

Theo Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu Nghị định 24, mục tiêu chống vàng hóa nền kinh tế, không để vàng hóa tác động đến điều hành chính sách tiền tệ, đến tỷ giá, ngoại hối, cán cân thanh toán; không để giá vàng chênh lệch cao so với giá thế giới; không để vàng ảnh hưởng đến chính sách kinh tế, không tác động tâm lý xã hội; nghiên cứu từng bước đưa nguồn lực vàng trong dân vào sản xuất - kinh doanh.

Đề xuất đánh thuế đối với giao dịch vàng

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, hơn 12 năm qua, Nghị định 24 đã đóng góp quan trọng như thay đổi tập quán của người dân không sử dụng vàng làm phương tiện trao đổi, thậm chí là không còn là phương tiện cất giữ tài sản, đẩy lùi vàng hoá trong nền kinh tế,… Tuy nhiên, đến thời điểm này, Nghị định 24 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và cần phải có giải pháp thay thế phù hợp hơn với bối cảnh mới.

 Theo đề xuất của chuyên gia kinh tế, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Mùi, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng các chính sách thuế đối với vàng.

“Việc áp dụng các chính sách thuế đối với thị trường vàng trong nước sẽ góp phần giảm bớt nhu cầu vàng của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt đối với những đối tượng mua vàng với mục đích đầu cơ, tích trữ, thao túng giá vàng; giải pháp trên có thể ảnh hưởng tâm lý của người tiêu dùng, khiến họ chuyển sang các kênh đầu tư khác, từ đó giúp kiểm soát giá vàng. Bên cạnh đó việc áp dụng thuế sẽ bảo đảm công bằng trong hoạt động kinh doanh vàng và tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Hiện nay các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản,…. cũng đang áp dụng thuế thu nhập cá nhân, do đó mua bán vàng cũng nên áp dụng chính sách thuế phù hợp”, bà Mùi nêu ý kiến.

Chung quan điểm, Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Văn Cường cho rằng, giữa việc nhập khẩu vàng vào làm vàng nguyên liệu cho việc chế biến trang sức và nhập khẩu vào làm vàng miếng trao đổi thì hai mục tiêu này khác nhau nhưng dù thế nào thì cũng phải thu thuế.

Còn theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, công cụ hữu hiệu nhất là thuế, nếu không khuyến khích thì thuế cao, còn không thì giảm xuống. Việc chống buôn lậu đôi khi dùng các biện pháp hành chính không hiệu quả bằng thuế. 

“Thuế là một công cụ điều tiết quan trọng của bất cứ nhà nước nào. Nhà nước cũng có thể sử dụng thuế như là công cụ để điều tiết không chỉ là thu nhập mà còn điều tiết hành vi của người tiêu dùng. Tôi nghĩ là Bộ Tài chính, cơ quan thuế chắc chắn sẽ nghiên cứu để sao cho khi một sắc thuế, thuế suất đưa ra đúng người, đúng việc đúng các hoạt động trong nền kinh tế”, Tiến sĩ Trương Văn Phước cũng chia sẻ thêm quan điểm liên quan vấn đề áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với hoạt động mua bán vàng.

Người dân cần thận trọng khi mua vàng

Bên cạnh giải pháp về thuế nêu trên, gần đây, các chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những cảnh báo để người dân thận trọng khi mua vàng. Theo Tiến sĩ Trương Văn Phước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bán vàng cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước và Công ty SJC và giá vàng đã xuống. Người dân tập trung mua vàng rất lớn.

“Nhưng thị trường cũng đang có nhiều biến động. Lúc này, người dân cần hết sức thận trọng vì chỉ một động thái Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngừng mua vàng cho dự trữ của họ thì giá vàng mỗi đêm giảm xuống từ 80 đến 100 USD, cũng như nhiều biến số kinh tế của Mỹ và châu Âu,… Do đó, người dân cần thận trọng, dĩ nhiên tài sản là quyền của công dân, pháp luật không cấm mua bán nhưng nên thận trọng”, Tiến sĩ Trương Văn Phước khuyến cáo.

Tại một cuộc họp trao đổi về chính sách quản lý thị trường vàng và bàn sửa đổi Nghị định số 24 giữa các chuyên gia kinh tế với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam 
 

Ngoài ra, Tiến sĩ Trương Văn Phước cũng đề xuất thêm về hướng tiếp cận chính sách. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên giữ lấy quyền kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu vàng; còn việc chế biến gia công có thể trao lại cho doanh nghiệp hoặc tổ chức tín dụng có điều kiện.

“Như vậy chúng ta sẽ chứng kiến sự điều tiết của thị trường vàng theo quy luật cung cầu và giá cả chắc chắn sẽ không có sự chênh lệch như thời gian vừa qua. Dần dần người dân sẽ rời xa vàng vật chất”, ông Trương Văn Phước chia sẻ.

Cũng theo ông Phước, việc cung ứng vàng ra thị trường, kéo giá vàng xuống là nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ. Bên cạnh vàng, Chính phủ hay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam còn phải cân đối nhiều mặt hàng khác rất thiết yếu cho đời sống của người dân. “Nếu một hôm không cầm thỏi vàng thì chắc chắn chúng ta vẫn sống. Nhưng nếu một hôm chúng ta không có xăng dầu, không có phân bón, gạo, nhu yếu phẩm thì sẽ thế nào…”, Tiến sĩ Phước cho hay.

Vì vậy, cũng có ý kiến từ một số chuyên gia kinh tế cho rằng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải sớm chấm dứt hình thức can thiệp bán vàng này. Bởi để đáp ứng được đầy đủ nhu cầu thì sẽ phải nhập khẩu vàng và tiêu tốn nguồn lực ngoại tệ, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối nhà nước.

“Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, nhập khẩu suýt soát đạt 400 tỷ USD/năm, làm sao chỉ dành riêng cho vàng được khi mà còn nhiều mặt hàng thiết yếu khác trong nền kinh tế. Vừa qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thăm dò chính sách thành công, giờ là lúc cần phải có một khuôn khổ pháp lý mới để thay thế, ổn định thị trường này và xem vàng chỉ là mặt hàng thông thường để có giải pháp ứng xử cho phù hợp. Theo đó, trả lại cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các chức năng căn bản đó là điều hành chính sách tiền tệ, cung ứng tiền cho nền kinh tế”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Theo nhandan.vn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi

Tập đoàn tài chính đa quốc gia HSBC và Tập đoàn Tài chính quốc tế (IFC) của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ cùng nhau cung cấp vốn cho các giao dịch thương mại, với giá trị lên tới 1 tỷ USD. Động thái này nhằm giúp lấp đầy khoảng trống về tài trợ cho thương mại tại các thị trường mới nổi.

Triển khai chương trình tài trợ thương mại mới cho các thị trường mới nổi
Thông tin doanh nghiệp:
Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường

Chưa đến 3 triệu đồng là khách hàng đã có thể đầu tư máy bơm mỡ bằng chân chính hãng cho công năng bơm mỡ hoàn hảo, thiết kế nhỏ gọn, sử dụng khu vực không sẵn nguồn điện, khí nén. Hiện sản phẩm đang được trợ giá siêu tốt tại Kumisai Việt Nam.

Các mẫu máy bơm mỡ bằng chân tay phổ biến trên thị trường

TIN MỚI

Return to top