Agribank đầu tư nâng cấp máy ATM để khách hàng thuận tiện gia dịch
Khách hàng băn khoăn
Ông Lê Phước Long, ở đường Xuân Diệu (TP.Huế) sử dụng cả thẻ ghi nợ nội địa và thẻ visa quốc tế của 3 ngân hàng lớn trên địa bàn. Cuối năm 2016, tài khoản ở thẻ visa quốc tế thông báo thu phí thường niên, với số thu hơn 100 ngàn đồng. Thẻ này ông rất ít sử dụng, chủ yếu để đi du lịch nước ngoài hoặc chuyển tiền cho con đang du học ở Úc. Ngoài đóng phí thường niên, mỗi khi sử dụng dịch vụ chuyển tiền ông cũng mất khá nhiều phí cho dịch vụ này.Khi nghe thông tin ngân hàng tăng phí ATM, ông khá băn khoăn về việc có nên duy trì thẻ visa quốc tế hay lúc cần chuyển, nhận tiền dùng dịch vụ chuyển nhận tiền quốc tế để thuận lợi hơn.
Chị Lê Thị Thanh Mai ở phường Trường An thông tin, hiện chị đang sở hữu tới 4 thẻ ATM của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, DongABank, BIDV. Tuy nhiên, chị thường xuyên sử dụng thẻ Agribank và Vietcombank, các loại thẻ khác cả năm chỉ dùng một hai lần. Khi nghe thông tin tăng phí ATM, chị dự định sẽ cắt không sử dụng những thẻ không cần thiết, chấp nhận mất 50.000 đồng số dư tối thiểu trong tài khoản để khỏi phải tốn phí hàng năm.
Khách hàng phân vân có nên sử dụng cùng lúc nhiều thẻ ATM nếu tăng phí
Một số khách hàng khác khi được hỏi cũng dự tính chỉ sử dụng 1-2 thẻ ATM mà cơ quan, doanh nghiệp trả lương hoặc thông dụng thay vì nhiều thẻ để tránh mất phí không cần thiết.
Ông Lê Việt Sỹ, Phó Giám đốc Ngân hành Nhà nước-Chi nhánh tỉnh khẳng định, hiện mức phí dịch vụ thẻ ATM, bao gồm thẻ ghi nợ nội địa và quốc tế đều giữ nguyên và chưa có quyết định tăng phí. Mới đây, một số ngân hàng còn công bố giảm phí để thu hút khách hàng, như BIDV.
Giám đốc Agribank-Chi nhánh tỉnh Nguyễn Văn Bình cho hay, mức phí ATM hiện không có thay đổi. Bên cạnh đó, ngân hàng còn đầu tư nâng cấp máy ATM để khách hàng sử dụng được nhiều tiện ích hơn. Đường truyền được thuê cùng lúc của 3 nhà mạng viễn thông để luôn đảm bảo ATM hoạt động thông suốt.
Lãnh đạo một số ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Sacombank… cũng khẳng định chưa tăng phí ATM trong thời gian này.
Phí dịch vụ ATM trong hạn mức cho phép
Ông Lê Việt Sỹ thông tin, hiện thẻ ghi nợ nội địa ATM có 4 loại phí khác nhau, gồm: phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí giao dịch và phí dịch vụ khác. Trong 4 loại phí vừa nêu, phí giao dịch ATM có nhiều loại, như vấn tin tài khoản, in sao kê, chuyển khoản, rút tiền… Khi sử dụng dịch vụ nào, khách hàng phải trả phí dịch vụ đó. Tuy nhiên, một số ngân hàng khá linh động trong việc này nhằm tăng cường tính cạnh tranh, như Vietcombank không thu phí in sao kê. Một số ngân hàng khác tạo điều kiện cho khách hàng rút được tiền lẻ 10-20 ngàn đồng, như BIDV, DongABank…
Hiện trên địa bàn có 229 máy ATM, với khoảng gần 1,1 triệu thẻ ATM đang hoạt động, trong đó thẻ ghi nợ nội địa chiếm hơn 95%. Các ngân hàng có số lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM cao lần lượt gồm: Agribank, khoảng gần 200.000 thẻ; VietinBank, Vietcombank, BIDV, mỗi ngân hàng khoảng trên dưới 150.000 thẻ. Các ngân hàng cho biết, ngoài rút, chuyển tiền hiện khá nhiều khách hàng sử dụng thẻ ATM để thanh toán các dịch vụ khác, hóa đơn điện, nước, viễn thông, thấu chi…
|
Điều khách hàng thắc mắc là hầu như các ngân hàng đều thu phí duy trì thẻ, với số dư tối thiểu 50 ngàn đồng, ngoại trừ một ngân hàng có phí duy trì thẻ thấp hơn, tuy nhiên nếu trong tài khoản không còn tiền, tài khoản cũng bị khóa. Với số lượng hơn 1 triệu thẻ ATM trên địa bàn hiện nay, trong đó có hơn 95% thẻ ghi nợ nội địa, chỉ tính riêng số dư tối thiểu, ngân hàng đang giữ một số tiền không nhỏ của khách hàng và đây gần như có thể xem là số tiền “chết”.
Ông Lê Việt Sỹ cho rằng, các ngân hàng đang thực hiện đúng theo Thông tư 35 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc quy định mức phí tối thiểu duy trì thẻ ghi nợ nội địa. Theo đó, mức phí duy trì được áp dụng là từ 0-60 ngàn đồng, tùy theo tình hình thực tế của các đơn vị cung cấp dịch vụ. Xét theo mức phí này, không có ngân hàng nào “vượt rào” trong việc thu phí duy trì thẻ. Các phí khác cũng tương tự. Tuy nhiên, ở mỗi ngân hàng có mức thu khác nhau, song vẫn trong giới hạn cho phép.
Liên quan đến việc khách hàng băn khoăn số tiền ngân hàng giữ lại trong tài khoản thẻ, lãnh đạo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh phân tích, so với việc đầu tư trang thiết bị máy móc và các loại phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng, thuê đường truyền thì số tiền trên không thấm vào đâu. Bình quân mỗi máy ATM có mức đầu tư 800 triệu đến 1 tỷ đồng, hàng tháng phí để “nuôi” mỗi máy ATM hoạt động không dưới 10 triệu đồng, do đó, chỉ thu phí 1.000 đồng (chưa có thuế)/lần giao dịch và các khoản phí khác chưa đủ bù chi. Hơn nữa, ngân hàng chỉ thu phí đối với các dịch vụ mà khách hàng sử dụng, còn lại hầu như không có thêm khoản thu nào khác nên ngân hàng chưa đủ bù chi cho đầu tư, quản lý, duy trì hoạt động ATM.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, các ngân hàng buộc phải cạnh tranh để mở rộng thị phần, tăng số lượng khách hàng sử dụng thẻ ATM. Dó đó, tăng chất lượng dịch vụ là xu hướng được các ngân hàng quan tâm hơn là tăng phí để mất khách hàng.
Bài, ảnh: Tâm Huệ