Khách hàng đến giao dịch phải đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn
Tăng cường khử khuẩn
Tại trụ sở Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) Huế, lượng giao dịch tại điểm ATM không lớn. Thường, 5 máy ATM tại đây thu hút rất nhiều người đến giao dịch, cao điểm 1 máy có từ 3 đến 4 người đợi, thậm chí có thời điểm, số lượng người đến rút tiền còn đông hơn. Những ngày gần đây, lượng người đến rút tiền ít hẳn. Nhân viên bảo vệ túc trực tại hệ thống máy ATM nhắc người vào giao dịch sát khuẩn tay; người này ra, người khác mới vào, không tập trung 2 người tại 1 máy.
Tại phòng giao dịch Bến Ngự của Vietcombank Huế, trước khi vào rút tiền hay giao dịch, khách hàng được yêu cầu sát khuẩn tay, đo thân nhiệt. Người đến thực hiện các giao dịch khác tại quầy giao dịch được yêu cầu đưa các giấy tờ tùy thân trước và ra khu vực ghế đợi. Phòng giao dịch chỉ được phép giao dịch cho 4 khách hàng. Khách hàng sẽ được gọi tên theo thứ tự khi có khách rời khỏi phòng giao dịch.
Các điểm ATM của ngân hàng này, kể cả điểm ATM lẻ đều có bố trí nước rửa tay sát khuẩn. Người đến giao dịch tại các cột ATM đều mang khẩu trang, nhiều người còn chủ động mang theo nước sát khuẩn cá nhân để tiện sát khuẩn tay trước và sau giao dịch.
Chị Hồ Thị Lệ vừa giao dịch xong tại điểm ATM Vietcombank đường Lê Lợi chia sẻ: “Không ai bảo vệ mình bằng chính mình, vì thế đến cột ATM hay ra ngoài tôi đều trang bị nước rửa tay và đeo khẩu trang".
Các điểm đặt ATM của VietinBank, Agribank, BIDV…trên địa bàn đảm bảo trang bị dung dịch rửa tay sát khuẩn cho khách hàng.
Đại diện VietinBank Thừa Thiên Huế thông tin, hiện chi nhánh có 26 máy với 20 địa điểm đặt máy ATM. Các điểm ATM tại phòng giao dịch đều bố trí nhân viên đo thân nhiệt, nhắc nhở sát khuẩn tay trước và sau khi giao dịch, yêu cầu đeo khẩu trang toàn thời gian giao dịch (trừ thời điểm cần nhận dạng khuôn mặt). Ngân hàng từ chối phục vụ đối với những khách hàng có biểu hiện sốt trên 38 độ C, giữ khoảng cách 2m với người bên cạnh… Các quầy ATM lẻ đều bố trí nước sát khuẩn và tiến hành vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên.
Ngoài các giải pháp đảm bảo an toàn giao dịch, Vietcombank còn tổ chức khử khuẩn kho tiền, văn phòng giao dịch 2 lần/tuần. Riêng các quầy giao dịch trực tiếp, thiết bị giao dịch như: máy tính, máy đếm tiền, các vị trí khách hàng có tiếp xúc thường xuyên (ghế ngồi chờ, bàn giao dịch, máy ATM nằm cạnh khuôn viên trụ sở văn phòng) đều được khử khuẩn sau mỗi ngày giao dịch. Riêng các máy ATM nằm rải rác trên các tuyến đường được khử khuẩn 2 lần/tuần.
Khuyến khích giao dịch không dùng tiền mặt
Theo Phó Giám đốc Vietcombank Huế - Nguyễn Thị Thanh Hiền, Vietcombank bảo đảm các hoạt động, giao dịch được tiến hành liên tục, bình thường, phục vụ tốt doanh nghiệp và người dân. Chủ động xây dựng phương án phòng dịch cho cán bộ, dự phòng lực lượng thay thế hỗ trợ về nhân sự để chủ động ứng phó với tình huống, đảm bảo an toàn, ổn định hoạt động kinh doanh, nhất là thanh toán và quản trị mạng. Khuyến khích người dân sử dụng các hình thức thanh toán trực tuyến để hạn chế sử dụng tiền mặt.
Các ngân hàng khác triển khai các chương trình hỗ trợ giao dịch trực tuyến nhằm hạn chế người dân đi lại.
Ngoài đảm bảo an toàn cho người dân khi giao dịch tại các điểm ATM, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo cung ứng tiền mặt tại hệ thống ATM. Mọi hoạt động giao dịch thiết yếu như gửi tiền, rút tiền, chuyển tiền, các dịch vụ ngân hàng trực tuyến online, máy ATM phải đảm bảo thông suốt. Các ngân hàng cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích khách hàng giao dịch không dùng tiền mặt, hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP. Huế Hoàng Hải Minh đã có văn bản đề nghị các ngân hàng trên địa bàn có phương án bố trí máy rút tiền tự động với khoảng cách an toàn, số người mỗi lần giao dịch; đặt nước rửa tay sát khuẩn, giấy lau tại các điểm có máy rút tiền tự động; thường xuyên thực hiện vệ sinh sát khuẩn các máy rút tiền để tránh lây lan dịch bệnh...
Bài, ảnh: Hoàng Loan