ClockThứ Hai, 25/11/2019 10:38

Đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá thịt lợn những tháng cuối năm

Theo dự báo của Bộ Công Thương, từ nay tới tháng 1/2020 sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn hơi. Điều này khiến không ít người lo ngại giá cả mặt hàng này sẽ biến động, đặc biệt trong dịp Tết.

Tháng 10, CPI có mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đâyTái đàn an toàn và chuyển dịch cơ cấu tiêu thụNguồn thịt lợn dịp tết sẽ không quá căng thẳngBộ Nông nghiệp: Cuối năm thiếu nửa triệu tấn thịt lợn, cũng không lo nguồn cung

Ngành Nông nghiệp đang đưa ra nhiều biện pháp để ổn định nguồn cung thịt lợn cuối năm. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN.

Theo Tổng cục Thống kê, tháng 10/2019, đàn lợn cả nước đã giảm mạnh 20% so với cùng thời điểm năm trước, vì chịu ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Nguồn cung giảm là yếu tố chủ yếu khiến giá thịt lợn hơi trên thị trường tăng.

Ngày 24/11, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Muốn ổn định một cách tương đối mặt hàng thịt lợn trong những tháng cuối năm và đầu năm mới, các bộ, ngành cần phải tổ chức tốt nguồn cung, khâu phân phối để kiểm soát giá cả.

“Chúng ta cần theo dõi để điều hòa nguồn thịt lợn, cũng như các thực phẩm thiết yếu khác trên cơ sở quan hệ cung cầu nhằm giảm bớt những đột biến về giá; hạn chế tới mức thấp nhất hàng hóa qua nhiều khâu trung gian, chiết khấu cao ở khâu bán lẻ dẫn tới đẩy giá lên một cách vô lý. Sau khi thí điểm việc lập sàn giao dịch thịt lợn ở phía Nam, nếu thấy hiệu quả thì nhân rộng mô hình ra cả nước”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Theo đó, cần quan tâm đến hoạt động của hệ thống phân phối quốc gia như: Chợ, siêu thị, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện lợi; đảm bảo sự hoạt động cân đối nhịp nhàng, gắn kết một cách tự giác giữa sản xuất và phân phối, nhất là những mặt hàng thiết yếu phục vụ cho mua sắm cuối năm tăng khoảng 20 – 30% so với ngày thường. Các doanh nghiệp bán lẻ cần chủ động tìm thêm các nguồn thực phẩm khác bao gồm cả thực phẩm tươi và thực phẩm chế biến để bổ sung quỹ hàng hóa phục vụ nhân dân.

Mới đây, Bộ Công Thương đã đề xuất tiếp tục triển khai một số giải pháp như: Các địa phương, bộ, ban ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra kiểm soát thị trường, tránh tình trạng găm hàng, tăng giá dịp cuối năm; giám sát chặt chẽ và hạn chế tối đa việc buôn bán thịt lợn sang nước láng giềng nhằm vừa giữ được nguồn cung, vừa tránh tình trạng lây lan dịch bệnh trong nước.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng cao, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chia sẻ: Hiện nguồn cung của công ty ổn định với số lượng cung cấp ra thị trường khoảng 16.000 – 17.000 con/ngày; giá bán của công ty là 68.000 đồng/kg, còn ngoài thị trường giá trên 70.000 đồng/kg.

"Công ty CP luôn nỗ lực bán giá thấp hơn so với bên ngoài, nhưng chỉ một mình doanh nghiệp thì không làm nổi. Vì vậy, các bộ, ngành cần quyết liệt và thường xuyên trong kiểm soát lợn xuất khẩu. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi nên khuyến cáo người chăn nuôi kéo dài thời gian nuôi, đây là giải pháp tăng sản lượng thịt nhanh nhất", ông Vũ Anh Tuấn nói.

Còn ông Đào Mạnh Lương, Tổng giám đốc Tập đoàn Mavin cho rằng: Giải pháp đầu tiên để ổn định thị trường thịt lợn là cần tháo gỡ ngay khâu lưu thông. Nếu giải quyết được vấn đề lưu thông và ổn định tâm lý, giá thịt lợn trong Tết này sẽ không bị tăng đột biến. Bên cạnh đó, ngành Chăn nuôi cần khuyến khích tái đàn, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ tín dụng đối với các hộ chăn nuôi đủ điều kiện để họ có thể tái đàn.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top