Các loại trái cây từ các tỉnh phía Nam được bày bán nhiều tại các siêu thị
Tăng số lượng dự trữ
Tại Siêu thị Big C Huế - một trong 3 đơn vị bán lẻ quy mô lớn đóng trên địa bàn TP. Huế, nguồn hàng dự trữ và kinh doanh tại siêu thị vẫn dồi dào và đa dạng chủng loại. Cùng với các loại lương thực, thực phẩm, đồ hộp và rau củ quả, hiện siêu thị đang triển khai chương trình “Bán hàng không lợi nhuận” nhằm tiêu thụ nông sản cho các địa phương có dịch, như vải Lục Ngạn (Bắc Giang), vải Thanh Hà (Hải Dương), khoai lang tím (Vĩnh Long), hành tím (An Giang) và các loại bí xanh, bí phấn (Bắc Kạn)…
Theo lãnh đạo Big C Huế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên quy trình vận chuyển hàng hoá từ các tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là hai địa phương cung ứng hàng hoá chủ lực cho siêu thị là TP. Hồ Chí Minh và Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn, thời gian vận chuyển kéo dài, song với sự chủ động từ các đợt dịch trước cũng như kế hoạch dự trữ hàng hoá của hệ thống Big C nên hiện hàng hoá cung ứng tại siêu thị vẫn dồi dào và đảm bảo mức giá tốt đến với người tiêu dùng.
Hiện, đơn vị luôn lưu kho hơn 50 tấn hàng hoá các loại, bao gồm 23 tấn gạo tẻ, 6 tấn thủy, hải sản, 5 tấn thịt gia súc, gia cầm, 10 tấn rau củ quả… Đối với các mặt hàng thiết yếu, đơn vị cam kết không tăng giá do hệ thống Big C Việt Nam đã ký kết hợp đồng thu mua với các nhà cung cấp từ đầu năm 2021 nên hàng hoá vẫn giữ bình ổn, không tăng giá theo giá xăng dầu hay diễn biến của dịch COVID-19.
Tại 2 siêu thị lớn là Co.opMart, VinMart và một số cửa hàng bán lẻ, chợ truyền thống, số lượng hàng hoá không thiếu, đảm bảo cung ứng cho thị trường khi nhu cầu tăng lên gấp 2 hoặc 3 lần so với ngày thường.
Chị Nguyễn Thị Thu, đại lý thực phẩm tại phường Trường An chia sẻ: “Lượng hàng vẫn lưu thông bình thường, số lượng hàng lưu kho luôn ở mức cao, từ 15- 20 tấn sản phẩm các loại nên đảm bảo nguồn cung ổn định, không thiếu hàng. Hiện, một số sản phẩm có tăng giá nhẹ, dao động từ 5-7% do giá cước vận chuyển tăng.
Theo báo cáo của các địa phương, DN, hiện số lượng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn tỉnh cung ứng cho thị trường dồi dào, đảm bảo đủ lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu Nhân dân.
Đảm bảo nguồn cung khi nhu cầu tăng cao
Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Sở Công thương đã xây dựng phương án chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ công tác phòng chống và cách ly do ảnh hưởng của dịch COVID- 19. Trong đó, địa phương bị phong tỏa như Lộc Thuỷ (Phú Lộc) đã xây dựng kế hoạch cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho Nhân dân trong vùng phong tỏa, cách ly tạm thời; một số địa phương khác cũng đã có phương án đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng của địa phương theo từng cấp độ diễn biến của dịch.
Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh cho rằng, hiện tại các DN phân phối, bán lẻ hàng tiêu dùng trên địa bàn đều chủ động tăng nguồn hàng dự trữ, nhất là những mặt hàng thiết yếu để cung ứng cho người tiêu dùng. Do vậy, nguồn hàng hóa phục vụ luôn dồi dào, người dân cần bình tĩnh, không nên đổ xô đi mua sắm tích trữ, tránh tập trung đông người, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Đối với các địa phương thực hiện phong tỏa, sở phối hợp với các địa phương triển khai phương án kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu khi cần thiết, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng.
Theo ông Thanh, Thừa Thiên Huế không phải là thị trường sản xuất lớn mà chủ yếu là thị trường bán lẻ, trong đó lợi thế là có nguồn hàng lớn từ các vùng nông thôn nên hàng hoá luôn dồi dào. Qua nhiều đợt giãn cách và phong toả tạm thời tại hai huyện Phong Điền và Phú Lộc, số lượng hàng hoá vẫn dồi dào, nguồn hàng do các DN vận chuyển về nông thôn thường xuyên nên chưa xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá. Hiện, sở tiếp tục chỉ đạo các DN dự trữ hàng hoá thiết yếu để phục vụ nhu cầu thị trường và công tác phòng chống dịch COVID-19.
Cùng với công tác chuẩn bị nguồn cung, để ổn định thị trường và bình ổn giá, Cục Quản lý thị trường chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra về giá, chống đầu cơ, găm hàng, đặc biệt là hoạt động bán hàng qua mạng xã hội như Facebook, Zalo; hình thức bán hàng đa cấp, thương mại điện tử... nhằm bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng. Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện và xử lý 212 vụ vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, xử phạt vi phạm hành chính hơn 168 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các đối tượng vi phạm khắc phục hành vi vi phạm của mình.
Theo Sở Công thương, hiện các DN cung cấp hàng hoá, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn đang dự trữ trên 330 tấn gạo, 3 tấn thịt lợn, 6 tấn thủy, hải sản, 10 tấn rau củ… Các DN còn dự trữ các sản phẩm phòng, chống dịch để phục vụ người dân khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn, bao gồm 15 ngàn chiếc khẩu trang kháng khuẩn, 80.000 chiếc khẩu trang y tế, 5.000 lít nước sát khuẩn...
Bài, ảnh: Thanh Hương