Không biết tự bao giờ, người ta chấp nhận “giá tết”. Giá các loại dịch vụ ăn uống thường tăng vài chục phần trăm. Một tô phở vỉa hè ngày thường bán 20 ngàn đồng, một vài ngày trước hoặc trong tết tăng lên 25 hoặc 30 ngàn đồng. Một tô bánh canh cá lóc Thủy Dương, bình thường là 12 ngàn đồng, cận tết tăng lên 15 – 20 ngàn đồng… Những thứ hàng hóa mà người mua khó so sánh giá thì có thể còn tăng nhiều hơn nữa. Dịch vụ xe đò chẳng hạn. Mức tăng năm mười ngàn đồng đôi khi không làm chúng ta để ý, nhưng nếu tính tỷ lệ phần trăm thì là một con số rất cao, có khi lên đến 20 -25 %.
Ai cũng biết là giá tăng cao, nhưng ít tai phàn nàn về giá tết. Vì thế cho nên, cứ tết là phải nâng giá.
Người dân khảo giá chợ hoa ngày tết
Người bán nêu lý do để nâng giá không phải là “ tôi nâng giá vì trong khi mọi người đi chơi, nghỉ ngơi, còn tôi phục vụ, tức là tôi “ hy sinh” sự thụ hưởng tết”, mà thường bắt gặp sự giải thích, vì là giá cả các nguyên liệu đầu vào tăng cao.
Người mua sản phẩm và dịch vụ cũng ngồi đó “cãi” là vì sao giá lại “ leo thang” như vậy là bởi vì những người làm công ăn lương, thường là được thưởng tết. Có những đơn vị mức thưởng rất cao. Những người kinh doanh buôn bán thì “mình mua sản phẩm, dịch vụ này giá cao, nhưng mình bán sản phẩm, dịch vụ nọ cho người khác cũng cao như vậy”. Có phải vì cách nghĩ này mà cứ tết là giá phải tăng, bất luận qui luật cung cầu là như thế nào, qui luật giá trị ra sao.
Cái lý của hàng hóa, dịch vụ tăng giá là sự chênh lệch cung - cầu, cầu nhiều cung ít. Nhưng ở đây dường như không phải vậy, hàng hóa, dịch vụ vẫn cứ “ê hề”. Thế mới biết, người Việt ta rất xởi lởi trong ba ngày tết.
Nếu chỉ là như vậy thì chẳng đáng nói làm gì. Một năm quần quật làm ăn, têt cũng là dịp để mua sắm, ăn tiêu, hưởng thụ. Đã vậy thì đắn đo làm gì cho mệt. Nhưng vấn đề không chỉ dừng lại như vậy, giá cả tăng cao nó có những tác động gián tiếp khác. Điều đáng nói nhất là nó đẩy CPI ( chỉ số giá tiêu dùng tính theo thời gian) tăng cao. Những năm gần đây, khi chỉ số lạm phát được kiểm soát tốt ( như cả năm 2018 vừa qua tăng chưa đầy 4%), chỉ số giá tiêu dùng các tháng trong năm thường không tăng nhiều, chỉ khoảng không phẩy mấy, hoặc không phẩy không mấy phần trăm; nhưng riêng tháng 1 tháng 2 ( rơi vào tháng tết, tính theo lịch âm) là chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Nếu những năm chỉ số tăng giá ở các lĩnh vực khác liên quan đến phần lớn nhu cầu tiêu dùng của người dân như y tế, giáo dục, điện, giáo thông, xăng dầu có những biến động và có mức tăng cao thì sẽ rất dễ tác động đến mức tăng lạm phát. Lạm phát nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và đời sống.
Một điều đáng nói khác tăng giá dịp tết là một “tập quán” không hề tốt. Nhìn ở khía cạnh nào đó là vi phạm “đạo đức trong kinh doanh” tức là sự trung thực. Đặc điểm của nền kinh tế nước ta, cũng như ở Thừa Thiên Huế là hộ kinh doanh cá thể chiếm tỷ lệ rất lớn. Nói vi phạm đạo đức kinh doanh, tức là anh bán giá sản phẩm và dịch vụ cao hơn giá bản thân nó có. Cả nền kinh tế vận hành theo cái kiểu như vậy sẽ khó dẫn dắt một bộ phận người dân có tư duy làm ăn lớn. Người kinh doanh cứ mang theo tư tưởng “tiểu nông” thì cũng khó nâng cao được chất lượng hàng hóa, sản phẩm dịch vụ. Và như thế, tính cạnh tranh trong tổng thể một nền kinh tế cũng khó mà nâng cao lên được. Xu hướng cạnh tranh bây giờ không còn đóng khung trong khu vực nào mà được mở rộng, ít nhất là trong khu vực. Sự không trung thực trong kinh doanh có thể ảnh hưởng đến hình ảnh của một vùng đất, một quốc gia. Ví dụ như chuyện chặt chém du khách trong dịch vụ du lịch, có thể tạo một hình ảnh xấu trong mắt du khách, đặc biệt là khách nước ngoài đối với hình ảnh đất nước.
Đạo đức kinh doanh là một phần của đạo đức xã hội. Xã hội nào cũng cần sự trung thực. Cho nên chuyện nâng giá trong dịp tết, nếu suy rộng ra, không phải là vấn đề nhỏ.
Lê Phương