Sau giá xăng dầu, nhiều mặt hàng tiêu dùng “rục rịch” tăng giá
Áp lực cho người tiêu dùng
Sau khi giá xăng dầu điều chỉnh theo mức tăng cao nhất trong vòng 7 năm qua vào ngày 26/10, nhiều doanh nghiệp (DN) thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 - 20.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg; thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Với thương hiệu thép Thái Nguyên, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg; thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.
Đối với mặt hàng xi măng, 2 DN sản xuất xi măng lớn trên địa bàn tỉnh là Công ty CP Xi măng Đồng Lâm và Công ty Hữu hạn Xi măng Luks Việt Nam cũng đồng loạt tăng giá bán trung bình từ 50 - 60.000 đồng/tấn. Theo đó, xi măng Kim Đỉnh PCB 40 rời có giá 1.110.000đ/tấn, tăng 50.000đ/tấn so với trước; PCB 40 bao có giá 1.365.000đ/tấn, tăng 60.000đ/tấn; PCB 40 Đồng Lâm 1.120.000đ/tấn, tăng 50.000đ/tấn… (giá bán tại nhà máy, chưa bao gồm phí vận chuyển).
Đại diện các DN sản xuất xi măng lý giải, hiện nay giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt nguồn cung than đá khan hiếm, giá than tăng cũng như cước phí vận chuyển tất cả các loại nguyên, nhiên vật liệu đều tăng, dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tăng cao. Mặc dù các đơn vị đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất nhưng không thể bù đắp được tốc độ gia tăng của nguyên, nhiên vật liệu đầu vào... nên buộc phải tăng giá bán.
Cùng với giá vật liệu xây dựng, sau khi giá xăng dầu tăng mạnh vào thời điểm từ đầu tháng 9/2021 và lần điều chỉnh cao nhất vào ngày 26/10, giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu cũng tăng mạnh.
Theo bà Nguyễn Thị Vui, phường Trường An, thu nhập của 2 vợ chồng không những không tăng mà còn giảm sút vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, song giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt. Trước đây đi làm đổ xăng xe chỉ mất 80.000 - 90.000 đồng/tuần thì nay mỗi tuần chi phí tiền xăng lên đến hơn 100.000 đồng. Không chỉ tiền xăng xe đội lên, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng sẽ thừa dịp này tăng theo giá xăng, dầu.
Để giảm áp lực cho người dân, hiện các DN thương mại lớn trên địa bàn như Siêu thị Go, Co.opMart, VinMart… đã đàm phán với các nhà cung cấp trong nước, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng cách giảm lợi nhuận, giữ bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu cung ứng đến tay người tiêu dùng.
Theo Quản lý Siêu thị VinMart, bà Võ Thị Bích Lai, để kích cầu tiêu dùng trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu để thu hút khách, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp cam kết không tăng giá bán đối với các mặt hàng thiết yếu. Đồng thời triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá đối với một số sản phẩm cung ứng tại siêu thị, trong đó nhà cung cấp và nhà phân phối cùng chia sẻ phần lợi nhuận để bù vào các chi phí tăng giá do ảnh hưởng bởi giá xăng dầu, như chi phí vận chuyển, nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất....
Cước vận tải tăng từ 10- 20%
Theo đánh giá của các DN, giá xăng dầu thế giới tăng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và nguyên vật liệu trong nước. Trong khí đó, hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ, tùy theo quy trình sản xuất của mỗi ngành, có thể thấy hầu hết các ngành dù nhiều hay ít đều sử dụng xăng dầu. Vì vậy, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,5% trong tổng chi phí sản xuất của các DN. Điều này cho thấy chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.
Giá xăng dầu tăng có tác động lớn tới các ngành sử dụng nhiều xăng dầu như: đánh bắt thủy sản, vận tải hàng hóa và hành khách đường bộ, đường thủy và đường hàng không.
Là DN vận tải quy mô lớn trên địa bàn tỉnh với hơn 30 đầu xe, sau khi giá xăng dầu được điều chỉnh theo mức tăng vào cuối tháng 10/2021, từ đầu tháng 11/2021, Công ty TNHH MTV Thương mại dịch vụ vận tải Xuân Anh, phường Thủy Xuân, TP. Huế cũng điều chỉnh giá cước vận chuyển với mức tăng dao động từ 10- 15% tùy theo cự ly vận chuyển.
Theo lãnh đạo công ty, ông Đặng Xuân Vĩnh, dù giá xăng dầu tăng cao dẫn đến các chi phí vận tải tăng mạnh từ đầu tháng 10/2021 đến nay, song DN chỉ tăng cước vận chuyển đối với các khách hàng ký hợp đồng theo từng quý và triển khai từ quý IV/2021, còn lại các khách hàng đã ký hợp đồng vận chuyển cả năm thì không thể tăng cước phí được vì hợp đồng đã ký từ đầu năm nên DN vẫn phải bù lỗ. Hiện, DN đang tập trung tìm kiếm khách hàng, tăng hoạt động để bù chi phí.
Chia sẻ của đại diện một hãng taxi truyền thống tại Huế, đại dịch COVID-19 kéo dài gần 2 năm qua đã tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh vận tải hành khách. Nhu cầu đi lại của người dân giảm mạnh đã khiến các hãng taxi khó khăn nay lại tiếp tục đối diện với việc giá xăng tăng liên tiếp. Các DN vận tải chưa kịp hồi phục lại thêm phần khó, bởi giá xăng dầu chiếm từ 35-40% đầu vào quyết định giá thành vận tải. Song, nếu tăng giá tương ứng theo giá xăng, thì số lượng khách sử dụng dịch vụ giảm. Do vậy, việc điều chỉnh giá xăng tăng mạnh đang tác động lớn đến hoạt động vận tải và không còn cách nào khác, DN phải “tiết chi, bù thu” để duy trì hoạt động.
Bài, ảnh: Thanh Hương